Trên nhiều tuyến phố, khu vực trọng điểm tại Đà Nẵng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán vẫn tái diễn và có chiều hướng gia tăng, bất chấp những quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Nhiều hộ dân được UBND quận Hải Châu sắp xếp vị trí buôn bán, bảo đảm chừa 1,2m dành cho người đi bộ theo quy định (ảnh chụp trên đường Yên Bái). |
Nhắc nhở nhiều lần vẫn vi phạm
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 13-3 tại khu vực bãi đất trống đường Võ Văn Tần tiếp giáp đường Hải Phòng (quận Thanh Khê), khá nhiều xe bán dừa trái tràn xuống lòng đường; thậm chí, nhiều hộ buôn bán đưa hẳn rổ rau quả, tôm, cá… xuống mép đường để tiện bán cho khách.
Trong khi đó, ngay góc đường Hải Phòng rẽ vào Võ Văn Tần, nhiều hộ kinh doanh nhỏ tranh thủ đặt tủ bán nước mía, dù che nắng và đủ loại hàng hóa từ áo che mưa, khẩu trang, đến bánh kẹo ra sát trụ điện cao áp, khiến hầu hết người đi bộ phải bước hẳn xuống lòng đường, hòa vào dòng xe cộ đang tấp nập ngược xuôi.
Cũng trên đường Võ Văn Tần, không khó để thấy hình ảnh lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Đơn cử, trước quán Trà sữa 2D Drinks (số 50 Võ Văn Tần), một hộ chiếm dụng vỉa hè để đặt gần chục rổ nhựa, bao bì trưng bày các loại rau củ ra sát mép đường.
Sau quầy rau là xe đẩy quần áo của một hộ kinh doanh khác. Hàng chục bộ quần áo được treo, móc lên cửa sắt hoặc dưới dù che nắng trông nhếch nhác. Người mua dựng xe dưới lòng đường đứng chọn quần áo, rau củ. Người đi bộ vì thế bị “đẩy” xuống lòng đường.
Trả lời phóng viên Báo Đà Nẵng, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) phường Chính Gián Nguyễn Quang Bảo cho hay, từ năm 2016, theo sự phân cấp, tuyến đường Võ Văn Tần được giao cho Đội KTQTĐT quận Thanh Khê đảm nhiệm.
Đồng thời, thời gian qua, UBND phường cũng thường xuyên tổ chức lực lượng xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến đường Võ Văn Tần, Hải Phòng từ 5 giờ đến 7 giờ 30 hằng ngày. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian trên, Đội KTQTĐT chuyển sang lập trật tự vỉa hè tại các tuyến đường Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập theo kế hoạch được phân công. Có lẽ nắm rõ lịch trình này nên sau khi lực lượng của phường đi làm nhiệm vụ ở tuyến khác, các hộ kinh doanh tại đường Võ Văn Tần tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
“Năm 2019 được UBND phường Chính Gián chọn làm “Năm trật tự xã hội, mỹ quan đô thị” trên địa bàn phường. Do đó, thời gian tới, UBND phường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác tiếp tục ra quân xử lý tình trạng trên”, ông Bảo cho hay.
Tương tự, tại khu vực vỉa hè góc ngã tư Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), quán cà-phê The Cups Coffee chiếm dụng hoàn toàn làm nơi trông giữ xe cho khách và đặt dù che nắng. Hằng ngày, lượng phương tiện qua khu vực này khá đông, cộng thêm việc người đi bộ phải đi xuống lòng đường càng khiến xe cộ bị dồn ứ, gây ách tắc cục bộ.
Trước thực tế này, đại diện UBND phường Hải Châu 2 cho biết, UBND phường đã chỉ đạo Tổ KTQTĐT phường kiểm tra, xử lý và nhiều lần nhắc nhở nhưng quán cà-phê The Cups Coffee vẫn tiếp tục vi phạm. Mới đây nhất, ngày 8-1, UBND phường chỉ đạo Tổ KTQTĐT phường kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất xử phạt 2,5 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng hè phố dưới 5m2 làm nơi trông, giữ xe gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị.
Đồng thời, UBND phường đã đề nghị chủ kinh doanh khắc phục, cam kết bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị. Thời gian tới, UBND phường sẽ xử phạt với hình thức cao hơn nếu chủ kinh doanh tái diễn tình trạng lấn chiếm nói trên.
Thay đổi thói quen sẽ thay đổi hành vi
Có muôn hình vạn trạng cách lấn chiếm vỉa hè, từ kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe đến đặt ki-ốt, biển, bảng hiệu quảng cáo cản trở người đi bộ và ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông cũng như mỹ quan đô thị. Chưa kể, đối với những tuyến đường huyết mạch chạy qua nhiều địa phương khác nhau, quá trình tuyên truyền, xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn, thậm chí kém hiệu quả.
Đơn cử, tuyến đường Nguyễn Tất Thành lâu nay thuộc phạm vi xử lý của 4 phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Tam Thuận, Xuân Hà (quận Thanh Khê) và đoạn Nguyễn Tất Thành nối dài được đưa vào sử dụng năm 2018 thuộc về phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Đây là tuyến đường “nóng” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán hải sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặt bảng, biển hiệu quảng cáo tràn lan, không đúng quy định…
Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây Huỳnh Thanh Hải thừa nhận, mỗi khi nhận được cuộc gọi phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, ông đều cẩn thận hỏi khu vực, số nhà cụ thể để khoanh vùng quản lý.
Theo ông Hải, cái khó là khi phường Thanh Khê Đông tiến hành xử lý thì đội “hàng rong lưu động” nhanh chóng chuyển sang khu vực phường Thanh Khê Tây; khi phường Thanh Khê Tây tiến hành xử lý thì họ lại chạy sang phường Xuân Hà hoặc phường Tam Thuận…
“Mỗi phường đều có nhiều tuyến đường phải xử lý về trật tự vỉa hè chứ không riêng đường Nguyễn Tất Thành. Do đó, khó đòi hỏi 4 đơn vị đồng loạt xử lý cùng thời điểm”, ông Hải trăn trở.
Vỉa hè trước quán Trà sữa 2D Drinks (số 50 Võ Văn Tần) được trưng dụng hoàn toàn để bày bán rau củ và quần áo. |
Được biết, bên cạnh áp dụng hình thức xử phạt từ 750.000 đồng đến 10 triệu đồng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, một số địa phương đã chủ động bố trí, sắp xếp vị trí thuận lợi để người dân an tâm buôn bán trên vỉa hè.
Ông Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cho biết, riêng tuyến đường Hải Phòng, UBND phường đã bố trí 80 hộ kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Mỗi hộ được giao 4m2 để đặt hàng quán, bàn ghế sau khi ký cam kết chừa lại 1,2m dành cho người đi bộ. Việc buôn bán của các hộ này cũng được bố trí theo giờ để địa phương dễ quản lý: buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến tối.
Ông Dũng cho rằng, việc bố trí xen kẽ như trên vừa tạo điều kiện cho các hộ dân yên tâm làm ăn, giải quyết bài toán sinh kế, vừa khuyến khích họ tự giác chấp hành các quy định về trật tự vỉa hè, từ đó hạn chế tình trạng lấn chiếm.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho rằng, bên cạnh việc xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa cũng cần chú trọng công tác quy hoạch và kinh tế vỉa hè để có hướng giải quyết đúng đắn.
Theo ông Tiếng, lập lại trật tự vỉa hè hiện nay là vấn đề rất khó bởi phần lớn thuộc về thói quen của người dân, xem vỉa hè là nơi công cộng. Hầu như bất cứ ai cũng có thể đặt lên vỉa hè chiếc ghế, chiếc bàn, bày biện ở đó ít món hàng để bán cho người qua lại.
“Muốn vỉa hè ngăn nắp, theo tôi, rất cần sự tuyên truyền và vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, đổi thay từ gốc rễ, trong suy nghĩ mỗi người dân chứ không phải là vòng tròn nhắc nhở và đẩy - đuổi khi có vi phạm xảy ra”, ông Tiếng nói.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ