Thời tiết nắng nóng dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Để chủ động trong công tác ứng phó, phòng chống cháy rừng, ngành kiểm lâm đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, đồng thời chuẩn bị chu đáo nhân lực và vật lực.
Kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng ở bán đảo Sơn Trà. |
Khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân (quận Liên Chiểu) thường xảy ra cháy rừng trong những năm qua. Ngoài yếu tố con người tác động, bom đạn trong chiến tranh còn sót lại phát nổ do thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, để phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm nay, bên cạnh công tác phối hợp với địa phương có rừng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đã triển khai các phương án phòng, chống cháy rừng như: mua sắm dụng cụ chữa cháy, lắp đặt máy quét cảnh báo cháy rừng.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu tiến hành phát ranh cản lửa ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao; đặc biệt phát quang khu vực bụi rậm chạy dọc đường đèo Hải Vân, phòng người dân, du khách bất cẩn vứt tàn thuốc lá, đốt nhang đèn. “Các phương án phòng, chống cháy rừng đã được triển khai chu đáo, kỹ lưỡng. Nếu chẳng may xảy ra cháy, lực lượng tại chỗ sẽ ứng cứu kịp thời”, ông Truyền khẳng định.
Hạt Kiểm lâm Hòa Vang hiện quản lý 52.000 hecta rừng thuộc địa bàn các xã Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Liên... Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có rừng chủ động xây dựng lực lượng tại chỗ phòng, chống cháy rừng; tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tiến hành phát ranh cản lửa ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy.
“Chúng tôi đã giao trách nhiệm cụ thể cho kiểm lâm địa bàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên họp dân để tuyên truyền, cũng như có các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc người dân xử lý thực bì trên địa bàn”, ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho biết.
Rừng ở khu vực bán đảo Sơn Trà chủ yếu là rừng nguyên sinh, nơi có nhiều loài động thực vật đặc hữu sinh sống, trong đó có loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm, nên thu hút khá đông người dân, du khách đến tham quan, dã ngoại. Lượng người đến bán đảo Sơn Trà đông nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Cùng với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, UBND phường Thọ Quang cũng nỗ lực quyết liệt vào cuộc. Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, lực lượng chức năng của phường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tuần tra, ngăn chặn các hành vi tác động vào rừng ở bán đảo Sơn Trà. Với các hàng quán kinh doanh ở khu vực bán đảo, phường yêu cầu cam kết, chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý du khách, nhất là việc sử dụng lửa khi tham quan, dã ngoại.
Theo ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố, để chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm nay, Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND các quận, huyện, phường, xã, các ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm thành phố yêu cầu các Hạt Kiểm lâm quận, huyện thường xuyên thông tin về nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư khu vực có rừng; dự trữ nguồn nước tại chỗ để chữa cháy kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng và giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch sinh thái theo dõi, nhắc nhở du khách lưu ý vấn đề an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI