Đón đầu mùa du lịch biển 2019, Đà Nẵng đang khẩn trương nâng cấp, sửa các hạng mục kinh doanh dịch vụ, các khu nhà tắm như thay vòi tắm, xây dựng mới bể ngầm cung cấp đủ lượng nước ngọt, cải tạo cảnh quan bãi biển cũng như nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật toàn bộ các khu nhà tắm nước ngọt...
Khẩn trương xây mới các khu nhà tắm nước ngọt ven biển. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực tắm biển công cộng chủ yếu tập trung dọc các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và một số điểm dọc tuyến Nguyễn Tất Thành. Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và du khách, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bãi tắm công cộng cùng một số dịch vụ kèm theo như: khu nhà tắm nước ngọt, nhà vệ sinh kết hợp các trò chơi bãi biển.
Đơn cử, bãi biển Phạm Văn Đồng (cuối đường Phạm Văn Đồng) có diện tích gần 8.000m2, bao gồm các công trình phụ trợ như: 6 hồ chứa nước ngọt, 24 phòng thay quần áo, 26 dãy vòi sen tráng nước ngọt, có thể phục vụ từ 3.500 - 4.000 lượt người đến tắm biển mỗi ngày.
Dù cơ sở vật chất của các dịch vụ tắm biển công cộng khá hoàn thiện, nhưng vào những ngày cao điểm, nhiều người dân không thể tìm cho mình chỗ trống tại khu vực tắm nước ngọt nên chọn cách tắm tại nhà vệ sinh công cộng (VSCC) trên bãi biển. Điều này khiến nhà VSCC trong tình trạng ướt át, cát đọng lại trên sàn nhà.
Trong khi đó, việc một số nhà vệ sinh dọc bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê liên tục bị hỏng, khóa trái cửa, gây không ít phiền toái cho người có nhu cầu. Được biết, từ tháng 8-2018, UBND thành phố giao cho Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý các công trình VSCC xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm vệ sinh; đồng thời giao cho Sở Du lịch chỉ đạo Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch khẩn trương khắc phục việc hư hỏng các thiết bị tại nhà VSCC trong địa bàn quản lý.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cho hay, từ tháng 2-2019, BQL đã tổ chức họp mặt, yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ tại tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp ký cam kết hoạt động kinh doanh, nâng cấp các hạng mục kinh doanh dịch vụ như: làm mới quầy phục vụ; đầu tư mới 50 dù lá, 112 dù bạt vuông, 90 dù màu, 12 phòng thay đồ, 9 vòi tắm tráng nước ngọt; sơn sửa lại ghế nằm, bảng hiệu của tổ kinh doanh.
Ngoài ra, để bảo đảm mỹ quan đô thị tại bãi biển, BQL đã triển khai cho các tổ sắp xếp, bố trí dù theo từng cụm nhằm tránh tình trạng nhếch nhác, lộn xộn. Tại tuyến biển Nguyễn Tất Thành, BQL yêu cầu 11 tổ kinh doanh dịch vụ triển khai nâng cấp, làm mới quầy phục vụ, vòi tráng nước ngọt, dù và ghế nhằm chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh vào tháng 5 tới.
Cùng với đó, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương, giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án nâng cấp, cải tạo các khu nhà tắm nước ngọt ven biển như khu nhà tắm nước ngọt số 1, số 2 thuộc bãi tắm Phạm Văn Đồng và khu nhà tắm nước ngọt thuộc bãi tắm Sao Biển.
Cụ thể, đơn vị này sẽ nâng cấp, thay mới các vòi tắm nước ngọt, xây dựng mới bể nước ngầm đủ lưu lượng cung cấp nước ngọt trong mùa du lịch cao điểm, cải tạo cảnh quan bãi tắm, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật toàn bộ các khu nhà tắm nước ngọt, dự kiến hoàn thành vào ngày 30-5-2019.
Theo Quyết định số 32/QĐ-SDL ngày 30-1-2019 của Sở Du lịch, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch đang tích cực triển khai kêu gọi xã hội hóa 4 nhà VSCC đặt tại khu vực vỉa hè bãi biển Mỹ Khê, T20, T18; triển khai việc chỉnh trang, sửa chữa vỉa hè bãi biển Mỹ Khê nhằm bảo đảm mỹ quan; yêu cầu tổ kinh doanh dịch vụ, các bãi tắm công cộng lắp đặt thùng rác tại khu vực kinh doanh. BQL cũng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 4 khu nhà tắm nước ngọt gồm khu nhà tắm số 1 (bao gồm bãi tắm 1, 2, 3), bãi tắm Phước Mỹ, Tân Trà, Thanh Khê và tại tổ kinh doanh dịch vụ số 5.
Nói về xu hướng xã hội hóa cơ sở vật chất tại bãi biển, chị Tán Thị Cầu, Phòng Quản lý và khai thác du lịch, thuộc BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cho hay, thực hiện đề án Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020, BQL đã chủ động kêu gọi 4 dịch vụ xe đẩy thức ăn, 4 tổ kinh doanh dịch vụ giải khát, 1 đơn vị tham gia khai thác dịch vụ thể thao giải trí biển và 2 đơn vị tham gia khai thác dịch vụ chất lượng cao, tập trung thành cụm dịch vụ tổng hợp.
Năm 2019, BQL tiếp tục triển khai kêu gọi xã hội hóa các hạng mục, cơ sở vật chất như 15 bảng cổng chào tại các bãi tắm, 100 hệ thống bảng biểu, 2 trạm cứu hộ, 4 nhà VSCC, 23 camera tại bãi biển, hệ thống điện chiếu sáng, các bãi tắm đêm, khu sinh hoạt cộng đồng, phát triển du lịch cộng đồng khu vực bãi biển Mân Thái - Thọ Quang cũng như tích cực hình thành cụm dịch vụ lưu động ẩm thực lưu niệm, trung tâm thể thao giải trí biển...
Bài và ảnh: T.YẾN