Vật liệu xây dựng tràn lan trên vỉa hè

.

Hiện nay, phần lớn các công trình xây dựng đều sử dụng một phần vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và việc này được UBND phường, xã cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, không ít công trình chiếm dụng hoàn toàn diện tích vỉa hè và một phần lòng đường để tập kết vật liệu, trộn vôi, vữa, xi-măng, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến việc lưu thông của người và các phương tiện.

Nhiều công trình xây dựng để vật liệu tràn xuống lòng đường.
Nhiều công trình xây dựng để vật liệu tràn xuống lòng đường.

Dạo quanh một số tuyến đường trên địa bàn các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn như Hồ Nghinh, Hồ Hán Thương, Hoa Lư, Đoàn Hữu Trưng, Trường Chinh, Lê Văn Hiến…, có thể dễ dàng thấy những công trình xây dựng khách sạn, nhà ở để vật liệu xây dựng ngổn ngang trên vỉa hè. Thậm chí, một số công trình còn quây rào tôn trên vỉa hè làm nơi ăn, ngủ cho công nhân trong suốt thời gian xây dựng nhà ở.

Đơn cử, ngay ngã tư đường Hồ Hán Thương - Hoa Lư (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), có 3-4 công trình chiếm dụng hoàn toàn vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng. Đặc biệt, công trình xây dựng nhà ở trên đường Hoa Lư còn để khung tời vật liệu xây dựng lên tầng thượng ngay dưới lòng đường, bên cạnh là những thanh sắt dài nằm ngổn ngang, kéo từ vỉa hè ra một phần lòng đường. Tại một công trình khác nằm trên đường Hồ Hán Thương, công nhân giăng dây phơi phóng quần áo trước khu vực vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị.

Tương tự, khu vực vỉa hè trước căng-tin Trường Cao đẳng Nghề Nguyễn Văn Trỗi (số 69 Đoàn Hữu Trưng, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) bị công trình xây dựng của một hộ dân gần đó chiếm dụng hoàn toàn để tập kết vật liệu và phương tiện vận chuyển.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, công tác tại Trường Cao đẳng Nghề Nguyễn Văn Trỗi cho hay, việc chiếm dụng vỉa hè để vật liệu xây dựng của hộ dân đã diễn ra vài tháng nay, rất nhếch nhác và lộn xộn, chắn hết lối đi khiến căng-tin của nhà trường không thể hoạt động. Nhà trường đã nhiều lần yêu cầu chủ công trình sắp xếp gọn gàng nhưng không hiệu quả.

Nhiều công trình xây dựng khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) như Đà Nẵng Time Square, Chicland… cũng chiếm dụng vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu xây dựng. Trước mỗi công trình, hằng ngày thường xuyên có các loại xe tải, xe ben vào ra, đậu, đỗ để cấp phối bê-tông, cung cấp vật liệu khiến tình hình giao thông tại khu vực diễn ra khá lộn xộn. Điều đáng nói, đây là tuyến đường du lịch biển, vướng vật liệu xây dựng trên vỉa hè nên nhiều du khách trong và ngoài nước phải đi bộ xuống lòng đường.

Địa phương trực tiếp xử lý

Cách đây không lâu, đơn vị thi công công trình xây dựng, sửa chữa Trường Mẫu giáo Tuổi Hoa trên đường Huỳnh Ngọc Huệ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) để vật liệu xây dựng tràn lan trên vỉa hè từ số nhà 85-91.

Trời mưa lớn, nước mang theo bùn cát chảy dọc theo lề đường xuống các cửa thu khiến không ít người dân sống tại đây bức xúc, phản ánh với chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND phường Thanh Khê Đông cử cán bộ quy tắc đô thị đến kiểm tra, làm việc với đơn vị thi công và chủ đầu tư, yêu cầu viết cam kết khắc phục tình trạng trên, thu dọn vỉa hè gọn gàng, chỉ để vật tư trong phạm vi được cấp phép.

Trước thực tế các công trình xây dựng lớn, nhỏ sử dụng 100% vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng an toàn giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung cho biết, theo quy định, công trình xây dựng trên địa bàn nào thì địa bàn ấy trực tiếp quản lý và xử lý nếu có vi phạm xảy ra.

Được biết, từ cuối năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND nêu rõ trách nhiệm, thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng. Văn bản này cũng thống nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng, UBND cấp quận/huyện, phường/xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý.

Văn bản quy định, mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp công trình vi phạm do các tổ chức hay cá nhân phản ánh, sau khi giải quyết, cơ quan chức năng phải thông báo kết quả xử lý đến tổ chức, cá nhân đó để họ tiếp tục tham gia việc giám sát kết quả thực hiện.

Ông Huỳnh Văn Bảy, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho hay, thông thường sau khi phát hiện công trình vi phạm các quy định về tập kết vật liệu trên vỉa hè, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà sẽ lập biên bản với chủ đầu tư công trình xây dựng, đơn vị thi công, yêu cầu di dời toàn bộ vật liệu xây dựng tập kết lấn chiếm vỉa hè đi nơi khác.

Đối với một số trường hợp đang tiến hành thi công, yêu cầu chủ công trình viết cam kết sắp xếp vật liệu gọn gàng, đẩy nhanh tiến độ thi công, không để vật liệu tràn lan trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

Khoản 5, điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đến 12 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức còn phải có các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Để bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình xung quanh, các cá nhân, tổ chức có quyền làm đơn tố cáo gửi tới UBND cấp quận/huyện, phường/xã nơi người có hành vi vi phạm đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.