Báo Đà Nẵng nhận phản ánh của bạn đọc trên địa bàn phường Mân Thái (quận Sơn Trà) thắc mắc về các khoản thu hiện nay tại địa phương. Bạn đọc này bày tỏ: “Tôi nghe thông tin Đà Nẵng vừa bỏ các khoản thu Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ vì trẻ em, chỉ duy trì thu Quỹ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, UBND phường hiện vẫn triển khai xuống tổ dân phố thu các khoản này, như vậy là đúng hay sai?”
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường Mân Thái cho biết, địa phương không nhận được công văn nào của thành phố yêu cầu dừng thu các loại quỹ trên nên vẫn tiếp tục thu theo quy định. “Phường Mân Thái có khoảng 500 hộ nghèo, trong đó nhiều gia đình neo đơn, không có khả năng cải thiện kinh tế gia đình. Do đó, các nguồn quỹ như: Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ vì trẻ em… được phường sử dụng hỗ trợ gia đình khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, trao học bổng, quà cho người già neo đơn trên địa bàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”, ông Hà cho biết.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 27-11-2019, cử tri Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét bỏ những khoản thu như Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi… Thông tin này khiến không ít người dân nhầm tưởng Đà Nẵng đã bỏ các khoản thu trên.
Với đề nghị nói trên, Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng như sau: Quỹ phòng chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập dựa trên Điều 10 Luật Phòng chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai. Nguồn thu của Quỹ phòng chống thiên tai là khoản đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, mức đóng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP. Mục đích thành lập quỹ để hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai. Hiện nay, quỹ được thành lập ở nhiều địa phương, việc bãi bỏ khoản thu này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ngày 22-10-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; trong đó, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý và xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với Quỹ phòng chống thiên tai của Đà Nẵng (do UBND thành phố quản lý), trên cơ sở kết quả rà soát và thực tế hoạt động của quỹ, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố xem xét, xử lý theo quy định.
Đối với Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở địa phương hoạt động theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25-11-2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Về nguyên tắc, khoản đóng góp cho các quỹ này trên tinh thần tự nguyện, tùy theo quy mô, phạm vi hoạt động của quỹ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp giấy phép hoạt động.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các phường được phép giữ lại 100% Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ vì trẻ em... để hỗ trợ lại các trường hợp khó khăn.
Riêng với Quỹ phòng chống thiên tai, địa phương được giữ lại 3% chi hỗ trợ người đi thu, 97% còn lại nộp về ngân sách quận và giữ lại một phần chi cho công tác phòng chống thiên tai tại phường. Để minh bạch các khoản thu này, hằng năm UBND phường đều phải lập kế hoạch gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, chờ phê duyệt thu, chi ngân sách các loại quỹ rồi mới triển khai thu.
Tùy tình hình, số lượng hộ nghèo, người già neo đơn, địa phương tính toán về kinh phí các khoản thu, nhưng tổng các loại quỹ này thường dao động trên dưới 150.000 đồng/hộ/năm. Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa có văn bản nào yêu cầu địa phương dừng thu các loại quỹ trên.
Theo Điều 18 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền: cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Nguồn: Bộ Tài chính |
HUỲNH LÊ