Làm gì để ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em?

.

Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được đưa ra ngày 27-5 cho biết trong 4, 5 năm, cả nước phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em các loại, trong đó có tới 6.432 vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Con số trên làm chúng ta giật mình, lo lắng. Nguyên nhân dẫn tới các hành vi XHTDTE thì rất nhiều, cần xem xét cả khách quan lẫn chủ quan.

Về mặt khách quan, khi nước ta ở quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh các mặt tích cực được du nhập từ bên ngoài, ở trong “luồng gió” mở cửa ấy cũng mang theo hơi hướng của lối sống buông thả, tự do, tùy tiện, thích hưởng thụ đã làm đạo đức xã hội nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội, đã tạo ra kẽ hở khá lớn để các ấn phẩm xấu xa, đồi trụy, rất lạ lẫm với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta len lỏi, xâm nhập vào đời sống các tầng lớp xã hội, gây lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ người dân.

Về chủ quan, có thể nói, việc tuyên truyền phòng, chống XHTDTE; phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác trang bị kiến thức giới tính, cách tự phòng vệ cho trẻ em khi bị đối tượng xâm hại tình dục còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, có những nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình như sự quan tâm, giáo dục, quản lý trẻ em còn lơi lỏng; vẫn còn nhiều trẻ bỏ nhà lang thang, lao động sớm, nghiệm ma túy, giao du, tiếp xúc với đối tượng xấu.

Hơn nữa, nhận thức của gia đình cũng như bản thân các em về hành vi XHTDTE chưa cao, chưa biết cách đề phòng, thiếu kiến thức và khả năng tự vệ mỗi khi bị xâm hại. Gia đình được xem là nơi an toàn nhất, nhưng các vụ XHTDTE gia tăng trong thời gian qua lại do chính những người có mối quan hệ như ruột thịt, thân thích hay người quen biết với trẻ…

Hiện nay, công tác phát hiện, tố giác loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự hợp tác tích cực từ gia đình và nạn nhân. Một số vụ việc - nhất là nạn xâm hại tình dục - được thỏa thuận giải quyết riêng giữa gia đình nạn nhân với đối tượng xâm hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Việc thi hành pháp luật trong bảo vệ trẻ em cũng còn không ít hạn chế, bất cập, chưa có sự quan tâm đúng mức về vị trí, vai trò và quyền của trẻ em. Các hành vi XHTDTE đã để lại hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần, như thương tật suốt đời, sinh con, làm mẹ khi tuổi còn là trẻ em…

Nhằm kéo giảm các vụ XHTDTE xuống mức thấp nhất, thiết nghĩ, trước hết ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình phải thường xuyên quan tâm, sẻ chia với con cháu của mình, để từ đó kịp thời nhận biết những thay đổi tâm sinh lý cần thiết của các em.

Ngoài ra, cha mẹ cần trang bị cho con biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý đồ thực hiện hành vi đồi bại. Để làm được điều này, không chỉ gia đình mà cả xã hội phải xắn tay vào cuộc. Các ngành chức năng nên mở những buổi ngoại khóa, tập huấn để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn về kinh tế.

Tuyệt đối không để trẻ em ở nhà một mình khi người lớn đi vắng, không để trẻ em bước ra khỏi nhà đến những nơi vắng vẻ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại thì người thân trong gia đình, những người biết rõ vụ việc phải nhanh chóng trình báo, tố cáo với cơ quan công an nơi gần nhất, tránh tình trạng che giấu hành vi XHTDTE vì bất cứ lý do gì. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” - đừng để câu này đơn thuần chỉ là khẩu hiệu!

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.