Rà soát cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

.

Hiện nay, trên địa bàn các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Thanh Khê… có khá nhiều cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư (KDC) gây ô nhiễm. Công tác quản lý của địa phương đối với các cơ sở này cũng gặp không ít khó khăn.

Xưởng mộc của ông Trần Văn Tỵ ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) bị người dân than phiền vì gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi. Ảnh: HUỲNH LÊ
Xưởng mộc của ông Trần Văn Tỵ ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) bị người dân than phiền vì gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi. Ảnh: HUỲNH LÊ

Mong ổn định sản xuất

Là Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí xây dựng Gia Hưng Phát trên đường Đá Mọc 4, KDC Hòa Minh 5 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), ông Ông Ích Trinh cho biết, hơn 2 năm nay, công việc làm ăn của công ty liên tục bị ảnh hưởng do chưa tìm được mặt bằng phù hợp.

Theo ông Trinh, từ năm 2013, khi ông dựng xưởng cơ khí, tuyến đường Đá Mọc 4 chưa có hộ dân nào sinh sống, việc gia công, hàn sắt diễn ra thuận lợi, có thời điểm xưởng của ông có hơn chục nhân công. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, ông thường xuyên nhận phản ánh của người dân và chính quyền địa phương liên quan việc xưởng sản xuất gây tiếng ồn. Để duy trì công việc, bản thân ông Trinh nhiều lần viết cam kết hoạt động đúng theo nội quy giấy phép đăng ký kinh doanh, khi gia công sẽ có biện pháp che chắn, giảm tiếng ồn… “Gia công sắt mà yêu cầu giảm tiếng ồn là rất khó”, ông Trinh bày tỏ.

Theo ông Trinh, bản thân ông khá lúng túng trong việc lựa chọn vị trí để đặt xưởng cơ khí. Ông nói: “Tôi không muốn đầu tư một nhà xưởng bài bản, tốn nhiều kinh phí rồi đến lúc dân cư đông lại phải dọn đi. Tôi mong mỏi thành phố sẽ nhanh chóng hình thành cụm công nghiệp (CCN) nhỏ và siêu nhỏ, có yếu tố pháp lý để các cơ sở sản xuất như tôi có điều kiện phát triển; đồng thời quan tâm hỗ trợ các xưởng nhận gia công theo từng phần việc, vừa bảo đảm nguồn thu nhập, vừa tăng tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực gia công cơ khí”.

Việc cho tồn tại những xưởng gia công cơ khí trong KDC đang gây khó khăn cho cả người sản xuất lẫn cuộc sống của người dân xung quanh. Ở góc độ quản lý địa phương, đối với những xưởng cơ khí có giấy phép hoạt động như Gia Hưng Phát, UBND phường Hòa Minh chỉ có thể yêu cầu đơn vị ký cam kết hoạt động theo đúng nội dung đã được cấp phép; khi gia công cơ khí hàn gò, có biện pháp che chắn và hạn chế tối đa tiếng ồn; chỉ hoạt động trong giờ hành chính; không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; không gây ô nhiễm môi trường...

Trên địa bàn phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có hàng chục xưởng cơ khí nhỏ lẻ đang hoạt động tại KDC khiến người dân bức xúc, lãnh đạo địa phương đau đầu. Từ tháng 3 đến nay, UBND phường Hòa An tiếp nhận gần 10 phản ánh của người dân liên quan các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, như xưởng cơ khí ở địa chỉ 57 Ngô Nhân Tịnh, xưởng mộc của ông Trần Văn Tỵ ở 33 đường Hòa An 21, xưởng cơ khí của Công ty TNHH dịch vụ cơ khí Thống Nhất tại ngã tư Đinh Liệt - Phan Khoan…

Trong đó, đáng chú ý là xưởng cơ khí của Công ty TNHH dịch vụ cơ khí Thống Nhất có quy mô lớn, hoạt động cả ngày lẫn đêm, sửa chữa cần cẩu, thải nhớt tại bãi đất trống bên cạnh gây nhếch nhác, mất mỹ quan. Ngoài ra, xưởng này còn thường xuyên sơn mới cần cẩu, mùi sơn, gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An liên tục cử lực lượng kiểm tra, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết tuyệt đối không phun sơn tại cơ sở và khi sửa chữa, gò hàn thì hạn chế thấp nhất tiếng ồn. Nếu không khắc phục, UBND phường sẽ xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Văn Sử cho biết: “Qua quá trình làm việc, chủ một số cơ sở than khó và mong muốn được tạo vị trí thuận lợi để duy trì cũng như mở rộng quy mô, phạm vi sản xuất kinh doanh”.

Rà soát, đưa vào quy hoạch

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện có hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ đang hoạt động sản xuất trong các KDC, gây ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, cần di dời vào các CCN. Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình hoạt động sản xuất trực tiếp nhưng chưa được các địa phương rà soát, thống kê đầy đủ.

Từ năm 2013, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát các quy định về bảo vệ môi trường; bổ sung, điều chỉnh ngành nghề hoạt động liên quan đến cơ sở cơ khí, gara ô-tô và các ngành nghề khác gây ô nhiễm môi trường vào các ngành nghề không được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không điều chỉnh cấp phép đầu tư trong KDC; đồng thời, yêu cầu UBND các quận, huyện tổng kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn đối với các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ gây ảnh hưởng môi trường, trong đó chú ý về hồ sơ môi trường, các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, chương trình giám sát môi trường định kỳ…

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các địa phương xử phạt theo quy định và yêu cầu khắc phục đối với các cơ sở không bảo đảm về hồ sơ môi trường hoặc thực hiện không đúng nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Những trường hợp vượt quá thẩm quyền, địa phương tổng hợp báo cáo cơ quan cấp trên xem xét, xử lý cụ thể.

Trên cơ sở này, năm 2019, UBND thành phố công bố quy hoạch và có quyết định đầu tư, xây dựng 4 CCN gồm CCN Hòa Nhơn, CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Khánh Nam và CCN Hòa Hiệp Bắc, với tổng diện tích đất khoảng 88ha.

Ông Nguyễn Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cho biết, việc xây dựng các CCN tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ, siêu nhỏ giải quyết khâu mặt bằng, ổn định sản xuất, nhưng đến nay vẫn phải chờ vì việc đầu tư chưa đâu vào đâu.

Được biết, theo quyết định của UBND thành phố, các CCN nói trên được kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư (đối với CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn) và hình thức 100% vốn nhà đầu tư (đối với CCN Hòa Khánh Nam, CCN Hòa Hiệp Bắc). Do đó, ngoài khó khăn về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa, đền bù đang gặp không ít trở ngại.

Dù mong muốn có mặt bằng trong CCN để ổn định sản xuất nhưng ông Ông Ích Trinh băn khoăn bởi nếu tham gia CCN, doanh nghiệp của ông phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, chi phí đẩy lên cao, chưa kể đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là điều chưa phù hợp đối với những xưởng cơ khí nhỏ, siêu nhỏ, quy mô hộ gia đình đang tồn tại trong KDC.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, ở lĩnh vực liên quan, đơn vị này đang tiếp tục tham mưu, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời mong muốn các địa phương tiếp tục rà soát, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người dân để đưa ra những phương án phù hợp nhất.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.