Đấu tranh với các hoạt động chống phá bầu cử

.

Từ đầu tháng 3 đến nay, các cơ quan chức năng của cả nước ta đang tích cực tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp đến. Đây được xem là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước ngay sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp vào đầu năm 2021.

Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá bầu cử, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị… đã và đang tiến hành nhiều hoạt động tinh vi với tính chất hết sức quyết liệt. Trong đó nổi lên một số vấn đề cần quan tâm như sau:

Một là, các đối tượng phản động, chống đối hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử.

Để thực hiện mục đích này, trước hết các đối tượng đã xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với công tác bầu cử. Thậm chí, các đối tượng xấu trong và ngoài nước còn đưa ra hàng loạt luận điệu xuyên tạc hết sức sai lệch và thâm hiểm trên các trang điện tử, các trang mạng xã hội. Dựa vào những nhận định sai lầm, phiến diện và đầy kích động, các đối tượng xấu đi đến quy kết rằng: Cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, ngăn cản quyền bầu cử tự do, dân chủ của công dân.

Rõ ràng, những luận điệu, nhận định mà các đối tượng đã và đang rêu rao như đã nêu trên là hoàn toàn sai sự thật. Chúng ta đều biết rằng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong đó, tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ ràng rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nên việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Ở một phương diện khác, chúng ta đều thấy rằng: Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý đối với đội ngũ đại biểu; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mặt khác, Đảng lãnh đạo bầu cử không phải là làm thay, không bao biện trong bầu cử. Ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nêu rõ những vấn đề cụ thể về công tác bầu cử. Đây được xem là nhân tố cốt lõi cho sự ổn định của đất nước, nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng Cộng sản, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước.

Những bài học nhãn tiền từ một số quốc gia đã và đang xảy ra nhiều biến cố vô cùng phức tạp, thậm chí là dẫn đến biểu tình, bạo loạn... mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác bầu cử tạo ra, càng làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta càng nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời vạch trần và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, với những toan tính đen tối của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về công tác bầu cử của nước ta trong thời gian đến.

Hai là chiêu trò “tự ứng cử” của một số nhân vật với nhãn mác “nhà dân chủ” để gây tiếng vang, đánh lạc hướng sự chú tâm của người dân về công tác bầu cử.

Chiêu thức này thực ra không lạ lẫm gì với nhân dân ta trong suốt những năm qua. Được các lực lượng chống phá từ bên ngoài “hà hơi, tiếp sức”, một số phần tử bất mãn chế độ trong nước cổ xúy, kích động, nên một số nhân vật vốn từng bị loại khỏi bộ máy công quyền do những sai lầm, vi phạm pháp luật đã nhảy ra tung hô về “dân chủ, nhân quyền” và “tự ứng cử” nhằm mục tiêu gây nhiễu loạn cuộc bầu cử là chủ yếu.

Ba là nhắm vào người được đưa ra các hội nghị hiệp thương để chọn lựa vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Để thực hiện mục đích này, các thế lực thù địch đã cố tình tung ra những thông tin mơ hồ, sai lệch, thậm chí là vu cáo về những người nằm trong danh sách để bầu cử, mà chủ yếu là tiêu cực, tham nhũng. Họ cố tình bôi xấu một cách trắng trợn, gây sự hoài nghi trong nhân dân nhằm làm mất uy tín của Đảng trong công tác chọn lựa cán bộ, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân cũng như các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Do vậy, việc làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, ý nghĩa của cuộc bầu cử, cũng như những toan tính đen tối của các thế lực thù địch chống phá để không ngừng nêu cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi phá hoại là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị nước ta.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.