.
Giới thiệu sách

Quà tặng không bao giờ “miễn phí”

.
Luận về biếu tặng(*) là một tác phẩm nổi tiếng thuộc hàng kinh điển của nhà xã hội học người Pháp, Marcel Mauss (1872-1950) vừa được Nhà xuất bản Tri Thức giới thiệu qua bản dịch của nhà dân tộc học Nguyễn Tùng.
 
Tác giả cuốn sách được coi là “cha đẻ của ngành nhân học Pháp” với tác phẩm này. Những phân tích của Marcel Mauss về ma thuật, sự hy sinh và biếu tặng có nhiều ảnh hưởng đối với nhiều nhà xã hội học, nhà nhân học sau này, đặc biệt là Claude Lévi-Strauss và Florence Weber. Chính Claude Lévi-Strauss nhìn nhận ảnh hưởng của Mauss “không phải chỉ giới hạn trong các nhà dân tộc chí mà không người nào có thể nói rằng mình thoát khỏi, mà còn tác động đến các nhà ngữ học, tâm lý học, sử học về tôn giáo và các nhà Đông phương học...”.

Trong Luận về biếu tặng, M. Mauss nhấn mạnh rằng những món quà không bao giờ “miễn phí”. Lịch sử của con người là lịch sử của những lần trao đổi quà tặng qua lại, nó vượt qua mọi ranh giới giữa vật chất và tinh thần. Món quà, ngoài giá trị của chính nó, còn bao hàm nhiều giá trị khác như danh dự, địa vị, thậm chí còn giống như một sự thách thức đối với người nhận quà. Chính mối quan hệ giữa món quà và người tặng đã tạo ra nghĩa vụ “đáp trả” của người nhận. Tại Pháp, một số nhà nhân học, xã hội học và kinh tế học ngưỡng mộ Marcel Mauss đến mức, vào đầu những năm 1980, đã thành lập một tổ chức lấy tên là “Mouvement anti-utilitariste dans les sciences sociales” (Phong trào chống thuyết vị lợi trong các khoa học xã hội, viết tắt thành MAUSS) và xuất bản một tạp chí cùng tên (La Revue du MAUSS).

Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng du học ở Pháp từ năm 1963. Sau khi tốt nghiệp ngành dân tộc học và triết học tại Đại học Sorbonne, ông được mời dạy về ngôn ngữ và văn minh Việt Nam tại Đại học Paris VII và có thâm niên 40 năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia. Ông là tác giả của nhiều bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về dân tộc học Việt Nam, là chủ biên của cuốn Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2002...
 
Trao đổi với chúng tôi về cuốn sách mà ông đã dành đến 4 năm ròng để dịch sang tiếng Việt này, ông nói: “Chừng nào chúng ta còn chưa dịch phần lớn các cuốn sách quan trọng của thế giới về các ngành khoa học xã hội, thì vẫn không thể nào có được một nền giáo dục đại học đàng hoàng cho các ngành này. Bởi vì bài giảng của các giáo sư thường không quan trọng bằng việc đọc sách. Thế mà phần lớn sinh viên Việt Nam hiện không thể đọc thẳng các sách bằng ngoại ngữ. Một dự án dịch thuật như thế là rất tốn kém, nên chỉ Nhà nước mới có thể làm nổi...”.

Luận về biếu tặng, theo dịch giả không chỉ có giá trị như một tác phẩm kinh điển về xã hội học và nhân học, nó còn mang nhiều ý nghĩa thời sự khác, chẳng hạn “ta có thể liên hệ đến hiện tượng tổ chức đám cưới rất “hoành tráng” từ hơn mười năm nay ở các gia đình Việt Nam: Gia đình có đám cưới, tổ chức thật lớn; người được mời phải tặng tiền vượt quá giá mỗi phần ăn; rốt cuộc là người tổ chức đám cưới dường như thường được lời, nhưng về sau phải đáp trả xứng đáng khi được mời!...

 Không chỉ thế, đọc Luận về biếu tặng, ta lại liên tưởng đến những vấn nạn của “văn hóa phong bì” trên mức tình cảm đang hoành hành đến nhức nhối hiện nay trong đời sống chúng ta.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
(*) Đọc Luận về biếu tặng, Marcel Mauss, Nguyễn Tùng dịch, NXB Tri Thức, 6-2011.
;
.
.
.
.
.