Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Đông y điều trị các chứng đau hầu họng

15:39, 27/11/2015 (GMT+7)

Hầu họng hay yết hầu có 2 bộ phận, tuy vị trí liền kề nhưng tác dụng khác biệt: yết thuộc ống tiêu hóa, thuộc vị; hầu thuộc hệ hô hấp, thuộc phế.

Theo Đông y, do các tạng can thận có quan hệ và kinh lạc tuần hành đi qua hầu họng, nên khi chúng hoạt động thất thường cũng dẫn đến bệnh tật ở hầu họng. Đau hầu họng, nguyên nhân bên ngoài phần lớn là do phong nhiệt, nguyên nhân bên trong chủ yếu là do âm hư dương vượt lên, đàm hỏa xông bốc.

1. Viêm họng cấp (khẩn hầu phong):

Chứng này do ăn quá nhiều thức cao lương béo bổ, dẫn đến phế vị tích nhiệt, lại mắc phải phong tà, phong và nhiệt cùng công kích làm ủng tắc hầu họng sinh bệnh.

Chủ chứng: Hầu họng sưng đau, tiếng nói khó, đàm tắc, khàn giọng, bệnh phát rất nhanh, cần điều trị gấp.

Trị liệu: Bệnh mới phát, nên chích lể huyệt Thiếu thương (mé ngoài ngón tay cái) cho ra một ít máu đen để tả bớt nhiệt, bên trong cho uống bài Thanh yết lợi cách thang : Ngưu bàng tử, Liên kiều, Kinh giới, Phòng phong, Sinh chi tử, Kiết cánh, Huyền sâm, Hoàng liên, Kim ngân hoa, Hoàng cầm, Bạc hà, Cam thảo, Đại hoàng, Mang tiêu, Trúc diệp, mỗi thứ 3g. Sắc uống cách xa bữa ăn.

2. Viêm họng mạn (mạn hầu phong):

Chứng này phần lớn thấy ở người thể tạng hư nhược, hoặc do nội thương thất tình, hoặc do ăn uống quá nhiều thức cay dẫn đến.

Chủ chứng: Bệnh phát từ từ, hầu hơi sưng nhẹ, sắc nhạt, họng ráo, hơi đau, rêu lưỡi trắng bóng, đại tiện lỏng, mạch 6 bộ vi tế (nhỏ, yếu).

Trị liệu:

- Nếu đau trước trưa, dùng Bổ trung  ích khí thang gia vị : Nhân sâm 3g, Đương quy 3g, Sinh hoàng kỳ 6g, Bạch truật 3g, Thăng ma 2g, Trần bì 2g, Sài hồ 2g, Cam thảo chích 3g, Mạch môn  3g, Kiết cánh 3g, Ngưu bàng tử 3g, Gừng tươi 3 lát, Đại táo 2 quả. Sắc uống nóng, lúc bụng đói.

- Nếu đau sau trưa và khát, mình nóng, chân lạnh, nên uống bài Thiếu âm cam kiết thang: Kiết cánh 6g, Sinh cam thảo 9g, Xuyên khung 2g, Hoàng cầm 2g, Trần bì 2g, Huyền sâm 2g, Sài hồ 2g, Khương hoạt 2g, Thăng ma 2g, Hành trắng 1 nhánh. Sắc uống cách xa bữa ăn.

- Nếu mặt đỏ, họng khô khát, kèm mạch hư đại, dùng bài Cam lộ ẩm: Thiên môn, Mạch môn, Hoàng cầm, Sinh địa, Thục địa, Tỳ bà diệp (chích mật), Thạch hộc, Chỉ xác (sao), Nhân trần, Cam thảo, đều 6g, sắc uống.

3. Chứng tắc hầu họng (hầu bế thống):

Hầu bế hay còn gọi hầu tý là do can phế hỏa thịnh, lại gặp phải phong hàn công kích mà thành bệnh.

Chủ chứng: Hầu họng sưng đau, mặt đỏ má sưng, nặng thì sưng đến sau cổ, trong họng có khối như nắm tay nhỏ, uống nước không nuốt được, không nói được, người phát nóng lạnh.

Trị liệu: Cấp tốc chích lể huyệt Thiếu thương, hoặc châm huyệt Hợp cốc để khai thông hầu họng. Bệnh mới phát dùng Kinh phòng bại độc tán (Kinh giới, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt, Sài hồ, Tiền hồ, Kiết cánh, Xuyên khung, Chỉ xác, Phục linh mỗi thứ 3g, Nhân sâm, Cam thảo mỗi thứ 1,5g, Gừng tươi 1 lát) để sơ tán tà độc, khi cơn nóng lạnh đã lui thì đổi dùng bài Thanh yết lợi cách thang (xem mục viêm họng cấp).

4. Họng khô đau rát (yết hầu can thống):

Do thời tiết hanh khô, lâu ngày không mưa, hoặc do ca hát diễn thuyết quá nhiều, hầu họng mất sự nhuận dưỡng  mà cổ họng khô rát.

Trị liệu: Trứng gà 1 quả đập bỏ vỏ, quấy đều, chế nước sôi cho chín, cho thêm 30g mật ong, vài giọt dầu thơm, uống ngày 1 lần trước khi đi ngủ, rất hiệu quả, hết bệnh thì thôi dùng.

5. Viêm amidan (nhủ nga trướng thống):

Chứng nhủ nga trướng thống, tương tự như viêm Amidan trong y học hiện đại, theo Đông y là do các nguyên nhân ngoại cảm lục dâm, nội thương thất tình, uất lâu hóa hỏa dẫn đến.

Chủ chứng: Hạch amidan sưng đỏ, hình như quả nhãn hoặc hay ngài, họng đau lan ra vùng tai, khi nói hoặc nuốt thì đau tăng, thường kèm theo các chứng ớn lạnh phát sốt, đầu căng đau nhức.

Trị liệu: Cấp tốc lể nặn máu huyệt Thiếu thương, trong cho uống Gia vị Thanh yết lương cách thang: Bạc hà 3g, Tang diệp 6g, Ngưu bàng tử 9g, Ngân hoa 9g, Liên kiều 9g, Xích thược 9g, Xạ can 5g, Bạch cương tàm 6g, Mã bột 3g, Chi tử 9g, Sinh cam thảo 3g, Rễ sậy tươi 30g. Sắc uống.

6. Họng đau do hóc dị vật (ngạnh thống):

Dị vật hóc cổ họng gây sưng đau khó chịu, thuộc phạm vi chứng cấp cứu, trẻ con rất dễ mắc phải. Nếu chưa tiện dùng thủ thuật giải quyết, có thể sử dụng một số phương pháp trị liệu sau, đôi khi cho hiệu quả tốt.

- Hóc xương cá: Mài hạt trám (cảm lãm hạch) lấy nước nuốt từ từ, một lát sau xương cá theo đàm khạc ra ngoài.

- Hóc xương gà: Sơn tra sắc lấy nước đặc uống.

- Hóc dằm tre gỗ: Quả mướp già (lão ti qua) thiêu lấy tro, mỗi lần uống 10g với rượu.

- Hóc đầu thóc lúa: Lòng trắng trứng gà cho vào một ít đường cát ngậm nuốt.

- Hóc mạt vụn thủy tinh: Đậu đỏ, Đại hoàng sắc lấy nước đặc uống, sau lấy xác đậu nuốt vào, mạt vụn sẽ theo xác đậu xổ ra ngoài.

PHAN LANG dịch

(Theo Phương đáo thống trừ, NXB Trung y cổ tịch, Bắc Kinh)

.