Đà Nẵng cuối tuần
Tản mạn chuyện cưới ngày nay
Cưới xin là chuyện trọng đại, đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự chuyển sang giai đoạn mới trong cuộc đời của mỗi người. Vì vậy, bất cứ thời đại nào, gia đình nào cũng quan niệm phải tổ chức sao cho chu đáo về mọi mặt.
Cứ ngỡ thời phong kiến hôn nhân mới nặng nề thủ tục, song thời hiện đại, cùng với sự phát triển của kinh tế, sự giao lưu rộng rãi về văn hóa, những hủ tục xưa chưa hẳn đã mất đi mà còn gánh thêm nạn “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhân năm Văn hóa, Văn minh đô thị đang được triển khai ở thành phố Đà Nẵng xin có đôi dòng tản mạn về chuyện cưới ở ta thời nay.
Món quà cưới dành cho cô dâu luôn được những bà mẹ chồng trao tặng đầy ý nghĩa trong ngày hôn lễ. Ảnh: V.V |
Đa số quan niệm tổ chức đám cưới là việc chung của hai gia đình, cùng nhau góp sức, chung lòng chăm lo cho hạnh phúc của con cháu. Nhưng vẫn còn không ít người, nhất là những gia đình khá giả về kinh tế coi đám cưới còn là bộ mặt của nhà trai với nhà gái và ngược lại, là thước đo giá trị đối với hai họ, với bạn bè chòm xóm láng giềng cho nên họ yêu cầu sui gia phải có đủ các bước nghi lễ theo phong tục của địa phương từ xưa để lại cho thêm phần trịnh trọng.
Nhiều gia đình còn có tâm lý “Nuôi con gái hơn hai chục năm chẳng lẽ cho không” nên yêu cầu nhà trai phải đáp ứng đủ các thủ tục, lễ vật, chứng tỏ độ trân trọng của nhà trai đối với nhà gái vừa thể hiện sự tốt phước của cô dâu. Khổ nhất là những nhà trai phải đón cô dâu người khác tỉnh mà phần lớn bà con đang còn ở quê.
Do quan niệm về đẳng cấp nên cái thiệp mời cũng là vấn đề, ngày nay công nghệ in ấn đã rất hiện đại nên tấm thiệp mời cũng phải tính. Có cặp vợ chồng trẻ chuẩn bị đám cưới phải tốn cả tuần lễ đi nhiều cơ sở lựa chọn so đo vẫn chưa xong tấm thiệp.
Có người còn in cả tiếng Anh trên thiệp, trong khi khách mời toàn là người Việt. Còn khách mời là cả một vấn đề hệ trọng của hai gia đình. Có nhà quan niệm khách càng đông càng trịnh trọng cho nên cứ mời thoải mái. Thậm chí có người còn coi đám cưới của con như một phi vụ làm ăn, lại có người không được mời cũng đi để tạo “quan hệ”.
Ảnh cưới bây giờ cũng là chuyện lớn. Những ai chưa qua khâu này đều không thể tưởng tượng được việc chụp ảnh cưới là nhẹ nhàng mà lại vô cùng vất vả. Để có được một bộ ảnh cưới ưng ý có khi mất cả tháng, nào là phải đưa nhau ra ngoại cảnh, phải thuê váy áo, chọn ngày đẹp trời, có khi cô dâu phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng để trang điểm, rồi ảnh chụp trong lễ thành hôn giữa hai họ, ảnh chụp ở hôn trường mà lại phải dìu nhau đi hết lượt từ bàn này đến bàn khác, không được sót bàn nào. Nhà khá giả không nói gì chứ nhà khó khăn thì là cả một vấn đề, mà phim ảnh cưới có mấy khi xem, mấy ai xem, có cặp cưới xong là lo làm ăn tất bật, ảnh cưới, phim cưới để đâu quên mất.
Do ai cũng chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới nên có ngày tất cả các nhà hàng đều tổ chức, có nhà hàng tổ chức cho hai, ba thậm chí bốn đám cưới cùng một lúc, vì vậy, có người đi đám cưới nhà A lại nhầm sang nhà B, thế là có vấn đề, lấy ra thì không được chẳng lẽ lại đi tay không vào đám cưới con bạn mình, thật rắc rối.
Việc quà mừng đám cưới cũng có chuyện, thường thì người ta chọn hình thức trả nợ nhau, tức là anh mừng nhà tôi bao nhiêu thì tôi mừng lại bấy nhiêu, cũng có người lấy mức độ tình cảm với nhau làm tiêu chuẩn để định mức quà mừng, cũng lại có người không dám đi dự vì nhà ấy tổ chức tại khách sạn sang quá mình đi bao nhiêu coi cho được. Niềm vui của người này vô tình là nỗi lo của người khác!
Đi dự đám cưới cũng lắm chuyện, trước hết là giờ giấc, thường là chậm hơn 1 giờ so với thời gian ghi trên thiệp mời, nhiều người khó xử với vấn đề này, cáo từ đi trước thì phật lòng bạn, ngồi lại thì trễ nãi việc khác, nhất là đám cưới vào buổi trưa khổ cho những người còn đang làm việc. Thời gian đã trễ, lễ mễ lại rườm rà.
Nhiều người có kinh nghiệm thường xử lý bằng cách gặp hai bên cha mẹ chúc mừng, gửi quà tặng các cháu rồi cáo từ bằng nhiều lý do chính đáng mà gia chủ không thể trách móc được, trừ những đám quá thân thiết. Phiền lòng nhất là tiếng ồn, không biết vì sao mà nhà hàng nào cũng mở hết công suất của âm thanh, đi dự đám cưới còn có nhu cầu gặp bạn bè cũ, nhất là những người đã nghỉ hưu lâu ngày mới gặp nhau muốn trò chuyện, thăm hỏi nhau nhưng ồn quá phải nói hơi lớn mới nghe nhau được, thế là ồn lại thêm ồn không sao chịu nổi, thật không khác gì bị tra tấn.
Cũng có những đám cưới chỉ mở nhạc nhẹ du dương, nhưng tiếc thay những đám cưới như vậy còn quá ít. Có điều lạ là ai cũng phàn nàn mà rồi ai cũng chấp nhận. Phải chăng cái sự ồn ào, cầu kỳ, rắc rối trong đám cưới đã trở thành trào lưu không thể thay đổi được?
Ăn cưới cũng là một chuyện, ở ta thường quan niệm đi mừng cưới hơn là đi ăn cưới nên cũng nhẹ nhàng, nhưng có đám đến gần trăm mâm mà lại dọn từng món nên thật là khó, xong tiệc thì đã quá trễ, lại thêm vấn đề an toàn thực phẩm bây giờ đang có chuyện nên không phải ai cũng an tâm, phần lớn là thừa, thật phí phạm. Sợ điều tiếng, sợ thua thiệt và bao nhiêu tâm lý khác đã khiến người làm đám cưới và người đi dự đám cưới lần lượt trở thành vừa nạn nhân vừa là thủ phạm.
Hôn nhân là bước mở đầu cho hạnh phúc của cả đời người, vì thế nó nên là sự sẻ chia, thông cảm giữa các bên, nhất là giữa hai họ và các cặp uyên ương. Nếu cả hai bên hiểu biết hoàn cảnh của nhau, nhất là dám vượt qua tâm lý đám đông, không chạy theo trào lưu một cách thụ động để tự quyết định cho mình một đám cưới vừa sức, vừa phải thì đó mới chính là khởi đầu cho một cuộc sống chung nhiều hứa hẹn.
Thước đo của hạnh phúc không phải là việc tổ chức đám cưới to hay nhỏ, hạnh phúc bền chặt hay không chính là do nền tảng tình cảm có vững chắc hay không, chỉ có tình cảm mới quyết định. Việc cưới xin là việc hệ trọng nên ai cũng muốn làm chu đáo, đó là điều tất nhiên, xưa đã thế nay vẫn thế và sau này chắc cũng thế. Nhưng làm thế nào để vừa nghiêm trang chu đáo, vui vẻ, tiện lợi lại là việc cần bàn và cần làm.
LÊ TỰ CƯỜNG