Đà Nẵng cuối tuần
Về tên họ hai Bà Trưng và chồng bà Trưng Trắc
* Tôi nghe nói các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số cứ liệu chứng minh rằng tên họ hai Bà Trưng và cả chồng bà Trưng Trắc thực tế không như cách trước đây ta thường biết. Xin quý báo nói thêm về vấn đề này. (Trần Hoàng Trang, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Về tên họ hai Bà Trưng, tác giả bài viết Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Hai Bà Trưng làm gì có họ” đăng trên http://giaoduc.net.vn (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) ngày 20-8-2014 đã dẫn lời PGS.TS Phạm Quốc Sử - nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đang công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như sau:
“Các nhà dân tộc học cho rằng từ Trưng là từ “trứng” mà ra. Trứng chắc là loại trứng tốt, trứng nhị ở đây là “nhì” bởi ngày xưa bộ tộc thường hay phân biệt trứng loại A, loại B như ngày nay chúng ta vẫn phân biệt. Do đó tên Trứng chắc và Trứng nhì ra tên Trưng Trắc và Trưng Nhị”.
Cũng bàn về tên của hai Bà Trưng, theo PGS Nguyễn Khắc Thuần trong sách Danh tướng Việt Nam, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là “kén chắc”, tổ kén kém hơn gọi là “kén nhì”; trứng ngài tốt gọi là “trứng chắc”, trứng ngài kém hơn gọi là “trứng nhì”. Do đó, theo sách Danh tướng Việt Nam, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Về tên họ của chồng bà Trưng Trắc, trong sách đã dẫn, PGS Thuần cho rằng: “Tên của ông Thi Sách, theo một số tư liệu Trung Quốc được xác định: chồng bà Trưng Trắc tên là Thi”.
Bài viết Về tên chồng bà Trưng Trắc đăng trên http://www.vusta.vn (Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) ngày 23-2-2011, giải thích cụ thể hơn.
Theo đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư (phần “Ngoại kỷ” quyển 3 tờ 2a), được bộ Việt Sử Thông giám Cương mục dựa vào đó chép lại (phần “Tiền biên”, quyển 2 tờ 10) rằng chồng bà Trưng tên là Thi Sách. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “… tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng, huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Châu Diên”.
Tuy nhiên, sách Thủy Kinh Chú được Lịch Đạo Nguyên (472 - 527) viết sau khi sang đất Việt cổ đến thăm vùng Mê Linh có chép chuyện Hai Bà Trưng: “… Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh Lạc tướng, nữ tử danh Trưng Trắc vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc; Mã Viện tương binh thảo, Trắc Thi tậu nhập Cẩm Khê…” (Nghĩa là: Con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi, hỏi (sách) con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ… (Bà) Trắc là người can đảm, cùng (ông) Thi nổi dậy làm giặc; Mã Viện đem đánh, (ông, bà) Trắc Thi chạy vào Cẩm Khê…”.
Trong câu “… Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh Lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê”. (Con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi, hỏi (sách) con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ), nếu Thi Sách là họ và tên thì vế thứ nhì của câu này thiếu động từ, trở nên tối nghĩa. Tác giả Lịch Đạo Nguyên dùng tên Trắc, vậy chữ Thi theo sau đó cũng phải là tên chứ không thể là họ… Lịch Đạo Nguyên đã đến Mê Linh vào thế kỷ thứ VI và phát hiện tên chồng bà Trưng Trắc tên là Thi, vậy tốt nhất nên trở về đúng tên ban đầu của chồng bà Trưng Trắc, tức là ông Thi.
Lâu nay chúng ta vẫn đinh ninh tên chồng Nữ vương Trưng Trắc là Thi Sách. Sách giáo khoa môn Sử dạy trong các trường học và tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố đều ghi như vậy. Sự thật, đã lâu lắm rồi, nhiều học giả đã phát hiện không phải như vậy. Người đầu tiên đặt nghi vấn này là GS Vương Hoàng Tuyên (Nhà giáo, Nhà dân tộc học). Với những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, nhiều sử gia đã khẳng định chồng bà Trưng Trắc tên là Thi (chứ không phải là Thi Sách).
ĐNCT