Đà Nẵng cuối tuần

Lụt "Hăm ba tháng Mười"

14:54, 02/12/2018 (GMT+7)

* Dân gian có câu “Ông tha mà bà chẳng tha/ Bà cho cái lụt Hăm ba tháng Mười”. Xin cho hỏi, vì sao miền Trung nhiều lũ lụt và vì sao lại lấy mốc 23 tháng 10 để nói về thiên tai này? (Trần Mạnh, Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Lụt tháng 11-2017 băng qua quốc lộ 14B đoạn giáp ranh giữa xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Ảnh: V.T.L
Lụt tháng 11-2017 băng qua quốc lộ 14B đoạn giáp ranh giữa xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Ảnh: V.T.L

- Đó là câu ca dao miền Trung, nơi hằng năm phải gánh chịu nhiều cơn bão, lụt nhất so với hai đầu đất nước. Miền Trung mưa lũ thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm.

Về nguyên nhân gây nên mưa lớn, ngập lụt trong diện rộng ở miền Trung, bài viết Lý giải nguyên nhân lũ lụt ở miền Trung đăng trên Báo Dân Sinh (Cơ quan của Bộ LĐ-TB&XH) ngày 15-10-2016, cho biết như sau:

Theo các chuyên gia đài khí tượng, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi hình thế thời tiết điển hình của mùa bão lũ miền Trung: phía Bắc có không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc tăng cường, phía Nam là rãnh thấp đi qua nam Trung Bộ nối với một vùng áp thấp hình thành ngay trên vùng biển ngoài khơi rồi di chuyển dọc theo ven biển miền Trung.

Đặc biệt, khi vùng áp thấp di chuyển lên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi thì đã có vùng mây đối lưu rất mạnh ngay trên khu vực bắc đèo Hải Vân, mưa như trút nước cả ngày đêm.
Do vậy, khi có bão ảnh hưởng trực tiếp, hoặc do áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về, thì dải đất hẹp miền Trung thường xảy ra mưa lớn. Khi mưa từng đợt liên tiếp trên lưu vực sông, sẽ làm cho nước sông từng đợt nối tiếp nhau dâng cao, tạo ra những trận lũ trong sông, suối. Vào mùa mưa có các trận mưa lớn, cường độ mạnh, nước mưa tích lũy nhanh, nếu đất tại chỗ đã no nước thì nước mưa đổ cả vào dòng chảy, dễ gây ra lũ lụt lớn.

Vì sao dân gian lại lấy mốc 23 tháng 10 để nói hạn cuối cùng của lũ lụt hằng năm thì chưa có một nghiên cứu nào giải thích. Chỉ biết rằng lụt lội đến liên tục khiến người dân thấy được quy luật, cứ hết ngày 23 tháng 10 âm lịch thì xem như chấm dứt mùa lụt, và trong dân gian có câu “Ông tha mà bà chẳng tha/ Bà cho cái lụt Hăm ba tháng Mười”. Nghĩa là, dù có mưa gió, bão bùng trước đó bao nhiêu trận đi nữa, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm nếu như chưa qua ngày 23 tháng 10 âm lịch.

Gần như năm nào cũng vậy, hễ đến ngày “ông tha mà bà chẳng tha” đó, thế nào trời cũng lụt, nước các sông dâng lên ít nhất là báo động 1. Có lẽ dựa vào quy luật của thiên nhiên từ ngàn đời nay mà ông bà ta mới đúc kết nên câu ca trên đây chăng?

Tuy nhiên, những năm gần đây “quy luật” này đã bị phá vỡ chứ không bất biến như người xưa đã nghĩ. Có những năm đã qua 23 tháng 10 nhưng “bà” vẫn còn làm cho lụt lên lụt xuống. Đó là lời cảnh báo cho những nhà quản lý, nhà khoa học về hiện tượng biến đổi môi trường, tình trạng chặt phá núi rừng và những việc làm không thuận theo trời đất.

Việc “mặc định” sau ngày 23-10 âm lịch hằng năm là hết lũ đã gieo không ít chủ quan vào tâm lý người dân. Không những thiệt hại về hoa, hàng ngàn gia đình cũng đã bị nước lũ làm hỏng các loại giống cây trồng để trả giá cho sự chủ quan đó.

Cứ ngỡ sau 23 tháng 10 âm lịch là người dân sẽ được sống yên lành, không lo sợ chuyện lũ lụt nữa. Thế nhưng, có những trận lụt đã “xé rào” những quy luật trước đó. Vì thế, người dân miền Trung đã phải trả “học phí” không hề rẻ cho sự chủ quan của mình.

ĐNCT

.