Năm nay mùa đông đến muộn. Cứ nhớ tầm này mọi năm thì trời đã rét lâu lâu rồi. Bao nhiêu khăn áo đã phải lục ra bằng hết. Năm nay, thu cứ dài mãi. Những ngày tới từ miền Bắc vào đến Trung Trung Bộ sẽ đón một đợt rét mới, dự báo mưa rào và dông nhiều nơi, nhiệt độ sẽ giảm sâu. Đêm thức khuya không ngủ được, không phải vì uống trà buổi tối, cũng không phải vì bận tâm quá nhiều vào một việc gì đấy, mà là vì bồi hồi chờ đợi những ngọn gió đầu tiên từ phương Bắc tràn về.
Phố những ngày cuối thu. Ảnh: Huy Hà |
Gió mùa, vì một lý do nào đó của thiên nhiên, thường tràn về vào ban đêm. Khi cả thành phố đang ngủ chỉ còn dòng sông Cái lặng lẽ chảy, thì gió sẽ về. Những ngọn gió đầu tiên cất lên những tiếng rít khe khẽ, rụt rè, quệt vào những ngọn cây và lay rơi những chiếc lá.
Thành phố này có rất nhiều cây cổ thụ. Nghe gió chạm vào cành lá ngoài phố, nhớ biết bao những mùa đông năm nào. Những mùa đông xửa xưa luôn rét lắm. Ông trời vốn rét, và cái nghèo cũng khiến người ta rét hơn. Sáng sáng, mẹ tôi luộc một nồi khoai lang. Khoai hoàng long, thu hoạch từ lâu và để trong gầm giường, vàng như đỗ xanh, bở tơi và rất thơm. Mẹ rang thêm một chảo cơm. Tối hôm trước nấu nhiều lên để sáng ra có cơm nguội mà rang. Thỉnh thoảng trong liễn mỡ còn sót lại một hai miếng tóp bé tí xíu, lẫn vào cơm rang. Ôi chao! Sao mà nó ngon đến thế. Ngon tới mức chỉ ước gì nhai mãi mà nó không tan trong miệng. Nhưng cũng có những ngày liễn mỡ khô cong, nhà không còn chút mỡ nào. Mẹ sẽ rang chay, không có mỡ.
Chúng tôi ngồi bên bếp ăn sáng.
Gió rít bên ngoài mạnh đến nỗi tôi cảm thấy nó bào mòn cả vách bếp bằng đất trộn rơm và làm những tàu lá cọ trên mái dựng ngược lên. Mặt ao nổi váng. Những tảng váng xuất hiện một cách khó hiểu, không biết từ đâu ra, nhưng giống như có một tấm mạng nhện rất to từ đâu rơi xuống và phủ kín cả mặt nước. Mẹ tôi nói khi ao nổi váng kiểu ấy là trời sẽ rất rét. Cực kỳ rét. Trên nhà, chiếc nhiệt kế màu xanh cũ kỹ bố tôi treo tường dừng ở vạch mười độ.
Trong nhà mười độ thì ngoài trời chỉ bảy tám độ thôi. Rét nữa thì không biết tới đâu. Mẹ tôi hỏi: Nhà mình còn củi không nhỉ? Anh cả tôi đáp: Còn ba bốn bó mẹ ạ. Củi ấy hai anh tôi lấy từ rừng về. Chốc nữa hai đứa ra mang về đây kẻo mai mưa lại ướt hết không có gì mà đun. Là mẹ nghe đài báo đợt rét mới sắp về. Rét ở rừng luôn kèm theo mưa. Cứ bắt đầu một đợt rét mới có mưa kèm theo. Để chống chọi với nó, chúng tôi phải có thật nhiều củi khô.
Càng mưa rét, càng tốn củi. Bếp cháy cả ngày để giữ ấm. Nhờ giời, củi không phải đi mua. Chỉ nửa ngày lên rừng là mỗi anh tôi đã có thể mang về một bó rất to. Và để dự trữ củi cho mùa đông, cuối thu nào cả làng cũng kéo nhau vào rừng. Hết củi khô thì chặt củi tươi, về dựng góc vườn cho khô dần. Đám thanh niên tự ước lượng xem mấy tháng mùa đông nhà mình sẽ dùng hết bao nhiêu bó củi, rồi theo đấy mà đi lấy về.
Nhà người ta hay làm cái ô bếp sát tường cho tiết kiệm diện tích, riêng nhà tôi bố kê kiềng xa ra, để lấy chỗ rộng rãi cho cả nhà ngồi sưởi.
Mẹ tôi có một cái vại sành để muối dưa cải. Cái vại lúc nào cũng có dưa. Trời lạnh dưa khó chua nên phải vần nó vào gần bếp, lấy cái hơi nóng từ bếp tỏa ra cho dưa nhanh chua. Mấy anh em tôi ngồi với nhau bên bếp cả ngày. Trong góc chạn còn một bó miến nhỏ, chúng tôi lấy ra để nướng. Cời bếp, gắp một ít than ra và đặt những sợi miến bé tí lên đấy, đợi nó phồng lên thì ăn. Trong lúc đấy, mẹ ngồi bóc lạc, khâu chiếc áo bị rách, hoặc đan nốt chiếc mũ len cho anh tôi cũng bằng những sợi len vụn nối vào nhau. Bố thì mang mỏ hàn ra để hàn những thứ bị hỏng. Anh cả tôi kể chuyện ở trường... Tôi thích nhất những lúc cả nhà quây quần như thế.
Trời cứ mưa suốt từ sáng đến tối. Vườn tược chỗ nào cũng lướt thướt. Và buốt giá. Tôi đội nón đi ra vườn chặt mấy củ su hào. Bọn su hào gặp trời lạnh quá, dừng lớn, co ro đứng dưới mưa, những tàu lá nặng trĩu, rũ xuống vì ướt. Thỉnh thoảng có củ nứt toác ra. Tay tôi chạm vào những tàu lá mà cảm giác như cái lạnh xuyên vào tận xương. Su hào ấy gọt ra, xắt con chì và cho vào nồi kho. Su hào kho là món mà anh em chúng tôi ăn suốt mùa đông. Kho mềm với một chút mắm muối, thi thoảng có một ít tóp mỡ, xem xém cạnh, ngả màu vàng nâu.
Ăn nóng với cơm nóng. Mẹ tôi còn có món bánh sắn, mà từ lúc ăn với mẹ tới giờ tôi chưa từng được ăn lại. Sắn luộc lên với một ít muối, rồi mẹ cho vào cối giã. Giã cho thật dẻo rồi ra vườn lấy hành lá về xào lên. Dùng hành xào ấy làm nhân bánh, vo tròn và nướng trên bếp than. Anh em chúng tôi ăn đến no bụng, đến bỏ cả cơm. Mẹ ngồi nhìn chúng tôi ăn và mỉm cười. Mẹ luôn mỉm cười hạnh phúc như thế khi nhìn lũ con ăn những món ngon của con nhà nghèo. Giờ mà kể lại, thế nào mẹ cũng lặng lẽ chảy nước mắt.
Giờ thì mẹ đã yếu rồi. Khi tôi mong những cơn gió mùa về để nhớ nhung căn bếp ấm áp năm nảo năm nào, thì cũng cùng lúc lòng tôi trĩu nặng rằng sáng mai thức dậy, mẹ sẽ phải bước đi những bước rất khó nhọc vì hai đầu gối đau nhức. Cả một cuộc đời lam lũ, cực nhọc, vất vả đã khiến hai chân mẹ yếu đi nhanh chóng lúc tuổi già ập đến.
Người ta có nhiều điều để ước trong đời, nhưng có những điều ước không bao giờ thực hiện được, đấy là quay về những mến thương đã ở lại phía sau.
Thanh Am