Một thương hiệu trụ vững qua thời gian

.

Nếu không tính thời gian hơn 4 năm buôn bán bên hông Nhà hát Trưng Vương (cũ) trước khi chuyển về đường Lê Duẩn thì quán chè Xuân Trang đã có khoảng 42 năm buôn bán nơi góc đường ấy, chứng kiến bao điều đổi thay của thành phố.

Ông Mai Sinh, người sáng lập quán chè Xuân Trang. Ảnh: K.Q
Ông Mai Sinh, người sáng lập quán chè Xuân Trang. Ảnh: K.Q

Từ quán chè không bảng hiệu

Ông chủ thương hiệu chè Xuân Trang nổi tiếng - ông Mai Sinh (sinh năm 1936, quê tỉnh Thừa Thiên Huế) có hơn 60 năm chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, song chỉ cần để ý, người đối diện sẽ dễ dàng nhận ra được chất giọng Huế ngọt ngào quê ông.

Thời thanh niên, ông Sinh làm việc ở Sở Hỏa xa Đà Nẵng. Đến năm 1964, ông đem vợ và con vào Đà Nẵng cùng sinh sống.

Năm 1974, sau một lần chẳng may bị tai nạn, ông dần mất sức lao động, không thể làm việc nặng nên ông cùng vợ - bà Võ Thị Kiệt (sinh năm 1945) chuyển sang buôn bán.

Thuê một góc bên hông Nhà hát Trưng Vương (cũ), thời gian đầu, hai vợ chồng ông bán cà-phê. Nhưng thời đó, số người uống cà-phê không nhiều nên được một thời gian thì vợ chồng ông chuyển sang bán nước mía và nấu ít chè đậu đỏ nước cốt dừa để bán thêm.

Ngày nào cũng vậy, bà Kiệt lo nấu chè kiêm đứng bán chính, ông Sinh cùng con, mỗi người một việc, phụ bà một tay. Ngày qua ngày, quán nước mía, chè đậu đỏ nước cốt dừa của vợ chồng ông Sinh bắt đầu ăn nên làm ra, khách hàng nhiều nhất là lứa tuổi học trò, dù quán không bảng hiệu gì.

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, việc lấy mía từ Quảng Ngãi về bán gặp nhiều khó khăn hơn do cây mía chủ yếu được bán cho các nhà máy sản xuất đường, thêm phần xe cộ đi lại cũng ít hơn trước, vợ chồng ông Sinh phải nghỉ bán nước mía, chỉ bán mỗi chè. Đến năm 1978 thì quán chè được chuyển sang đường Lê Duẩn và cũng bắt đầu có bảng hiệu. Cái tên chè Xuân Trang xuất hiện từ đó. Khoảng năm 2000, quán có bán thêm gỏi bò khô, yaourt. Tất cả các món ăn này đều do chính tay bà Kiệt làm.

Gầy dựng thương hiệu chè nổi tiếng

Tuổi mỗi ngày một cao nên khoảng 15 năm nay, bà Kiệt giao việc nấu chè lại cho người con trai thứ 8. Riêng người con trai út - anh Mai Xuân Lợi, thì đảm nhận việc nấu nước cốt dừa. Ngoài ra, để mở rộng việc kinh doanh của gia đình, vợ chồng anh Lợi mở thêm một cơ sở chè Xuân Trang ở đường Kinh Dương Vương.

Theo đó, khoảng 10 năm trở lại đây, thực đơn của chè Xuân Trang dần phong phú lên. Hiện nay, quán có rất nhiều loại chè cũng như những món ăn vặt khác, đáp ứng sở thích của thực khách như: chè đậu xanh, chè thập cẩm, chè thái sầu riêng…

Anh Lợi chia sẻ: “Thấy cha mẹ cũng lớn tuổi rồi nên sau khi tốt nghiệp đại học tôi quyết định về phụ cha mẹ buôn bán. Hồi xưa, chưa có nhiều quán xá như bây giờ nên người ta ghé quán đông lắm, khách du lịch chỉ chiếm số ít thôi. Còn bây giờ thì người địa phương ghé ăn ít hơn trước, chủ yếu là khách du lịch trong và ngoài nước”.

Một góc quán chè Xuân Trang tại 31 Lê Duẩn.
Một góc quán chè Xuân Trang tại 31 Lê Duẩn.

Từ ly chè có giá 1.000 đồng, theo thời gian, ly chè ấy dần tăng lên 1.500 đồng, 2.000 đồng rồi đến bây giờ là 12.000 đồng. Song mùi vị, chất lượng của ly chè gần như không có gì thay đổi. Và với những người là khách quen của quán thì ly chè ấy gần như là một miền ký ức đáng nhớ.

Chị Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1980, ngụ quận Thanh Khê) chia sẻ:  “Khi còn là sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (nay là Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng - PV), tôi và đám bạn cùng lớp thường kéo nhau qua quán chè Xuân Trang ở đường Lê Duẩn vừa ăn chè, vừa tám chuyện. Khi ấy, cầu Sông Hàn chưa làm, đường Lê Duẩn chưa mở rộng, vỉa hè có rất nhiều cây xà cừ to, tỏa bóng xanh mát. Ly chè lúc đó cũng chỉ có 1.500 đồng thôi.

Giờ ăn lại, ngoài vẻ khang trang hơn xưa thì cũng không thay đổi gì nhiều, vẫn cái vị béo nhưng không ngấy của nước cốt dừa, chè thì không quá ngọt, vừa miệng, bàn ghế vẫn ngồi thấp. Cuối tuần, tôi cùng chồng và các con cũng hay ghé đến đây, ba mẹ muốn cho các con xem những kỷ niệm một thời chúng tôi đã trải qua như thế nào”.

“Bật mí” về bí quyết cho ra những ly chè đậu khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi, ông Sinh cho biết: “Các loại đậu đều được cho vào nồi nấu trực tiếp trên bếp củi không ngâm đậu trước với nước. Nếu ngâm đậu trước khi nấu thì lợi củi nhưng như vậy chè sẽ không ngon”.

Ngày nào cũng vậy, khoảng từ 3 giờ sáng, nồi đậu được bắc lên bếp. Đến khoảng 8, 9 giờ sáng mới nấu xong, bắt đầu bán đến tối. Tưởng chừng bán chè đơn giản nhưng có ngồi lâu ở quán mới hay, khách ra vô liên tục nên từ chủ đến người phục vụ lúc nào cũng bận rộn.

Còn thực khách thì ai cũng cảm thấy thoải mái sau khi thưởng thức chè cũng như những món ăn khác. Trẻ con có, học sinh, sinh viên có, người lớn cũng có. Mọi người vừa thưởng thức chè vừa tán gẫu cùng nhau, tạo nên một không gian thật gần gũi, bình dị.

45 năm sau Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975) cũng là chừng đó năm quán chè Xuân Trang trải qua không biết bao nhiêu thử thách để có thể đứng vững nơi góc đường Lê Duẩn ấy và ngày một phát triển hơn. Giờ đây, với người Đà Nẵng, cái tên chè Xuân Trang đã quá quen thuộc còn với những vị khách du lịch thì đó là địa điểm không thể bỏ qua khi ghé đến Đà Nẵng.

KHÁNH QUYÊN

;
;
.
.
.
.
.