Giãn cách cuộc sống hằng ngày

.

Dịch bệnh do virus Corona chưa lui. Vaccine phòng ngừa vẫn chưa tìm ra. Lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội ở nhiều nước dần được nới lỏng để cuộc sống trở lại trong sự dè dặt của chính phủ và người dân. Nếu như các nhà khoa học gọi đây là thời kỳ sống chung với virus thì người dân nói đây là giai đoạn “giãn cách cuộc sống hằng ngày”.

Người dân Roma (Ý) đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội trên đường phố.
Người dân Roma (Ý) đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội trên đường phố.

Chuẩn bình thường mới ở châu Á

Chính phủ Hàn Quốc phát hành tập hướng dẫn dài 68 trang cho người dân bước vào giai đoạn sống chung với virus Corona. Một số hành vi cần phải hạn chế như: không la hét trong rạp phim, thay vì ôm đầu thì cúi đầu trong đám tang… Người dân nước này tuân thủ một cách thuần thục khi mọi người chứng kiến trong một nhà thờ ở thủ đô Seoul, những người tham dự hát rất nhỏ những bài thánh ca hay nói “amen” khe khẽ vì sợ văng nước bọt.

Rất nhiều thành phố bắt đầu cho mở cửa trở lại trường học, nhà hàng, rạp phim, thậm chí các địa điểm thể thao đã tạo ra cảm giác bình thường cho người dân vừa trải qua nhiều tuần lễ sống giãn cách xã hội. Tuy vậy, những khuyến cáo về giữ cự ly trong sinh hoạt cộng đồng, tiêu chuẩn vệ sinh gần như được áp dụng trong mọi hoạt động cho tới khi tìm thấy vaccine hoặc phác đồ điều trị thành công virus này.

Các bàn ăn ở nhà hàng Hong Kong (Trung Quốc) đặt cách nhau ít nhất 1,5m và khách hàng được tặng túi cất khẩu trang trong lúc ăn uống. Nhiều quốc gia thực hiện việc đo thân nhiệt tại trường học, bệnh viện. Các bàn ăn trong trường học ở Trung Quốc được ngăn bằng tấm nhựa. Những trận bóng chày ở Hàn Quốc không có khán giả và cầu thủ tuyệt đối không được phun nước bọt xuống sân. Phần lớn người dân cho biết họ không còn sự lựa chọn nào khác bởi đó là cách vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ những người xung quanh dù cảm thấy gò bó. Những lớp khiêu vũ không hướng dẫn điệu nhảy cho các cặp vì lo ngại những người này đã tiếp xúc nhiều người trước đó dẫn tới lây nhiễm.

Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc bắt đầu đón khách trở lại kèm những giới hạn nghiêm ngặt về quy mô đám đông. Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh chỉ cho phép đón 5.000 người/ngày thay vì 80.000 người/ngày trước khi dịch bệnh này bùng phát. Thư viện ở Hong Kong (Trung Quốc) mở cửa trở lại nhưng người vào đây chỉ được một giờ. Tiệm làm tóc ở Sydney (Australia) trang bị sẵn khẩu trang, nước rửa tay và không để báo chí cho khách hàng đọc trong lúc chờ đợi.

Công nghệ giúp cho việc giãn cách cuộc sống hằng ngày trở nên bớt nhàm chán hơn. Một số rạp chiếu phim ở Seoul đặt robot để hướng dẫn đi lại và nhà vệ sinh; đồ ăn nhẹ được cung cấp ở kios tự động thay vì nhân viên. Chính quyền Thẩm Quyến (Trung Quốc) sử dụng các ứng dụng để theo dõi lịch sử đi lại, sức khỏe của cư dân, yêu cầu họ phải hiển thị mã code mới được vào nhà hàng, tòa nhà văn phòng hay khu chung cư. Các đội bóng chày ở Đài Loan (Trung Quốc) chống lại cảm giác trống vắng trên khán đài bằng người giả, một số sử dụng robot để phát tiếng reo hò từ khán đài…

Văn hóa khẩu trang ở phương Tây

Tờ New York Times cho biết, một nhân viên bảo vệ tại của hàng Family Dollar ở Michigan (Mỹ) bị bắn chết sau khi tranh cãi với khách hàng về chuyện đeo khẩu trang như một yêu cầu bắt buộc ở đây. Chính quyền địa phương vẫn chưa xác định thông tin này vì đang truy tìm hung thủ. Anh Ammiel Richards, 27 tuổi cho biết đã hai lần bị từ chối lên xe buýt ở

New York (Mỹ) vì không đeo khẩu trang. Đối với nhiều người ở châu Âu và Mỹ, việc buộc phải đeo khẩu trang như thể vi phạm vào quyền tự do cá nhân của họ. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng phản ứng quyết liệt vì người dân tụ tập đông đúc nhưng không đeo khẩu trang. Họ mô tả việc đeo khẩu trang như một hành động tử tế có ý nghĩa bảo vệ người khác nhiều hơn bảo vệ chính mình.

Những khuyến cáo từ các nhà khoa học dần dần “thấm” vào người dân. Công viên ở Brooklyn (New York) mỗi chiều vẫn đông người song phần nhiều đã đeo khẩu trang. Con đường đi bộ và xe đạp ở Atlanta đầy người với khẩu trang đủ màu sắc như một dạng trang sức. Anh David Johnson ở Atlanta đeo khẩu trang che luôn cả mũi bảo rằng những ngày gần đây đeo khẩu trang trở nên phổ biến hơn, thậm chí ai không đeo trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.

Hơn 12 quốc gia ở châu Âu đã thực hiện nới lỏng phong tỏa hay giãn cách xã hội nhưng các nhà lãnh đạo khuyến cáo là sự bất cẩn có thể tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát trở lại mạnh mẽ hơn. Cô chủ một tiệm sách ở thủ đô Roma (Ý) là Catia Gabrielli đeo khẩu trang màu trắng và găng tay cao su màu xanh để bắt đầu ngày làm việc trở lại sau thời gian phong tỏa. Cô cho biết bây giờ cảm thấy bất an nếu như tiếp xúc với khách hàng không đeo khẩu trang.

Quyết định được mở cửa trở lại được chọn lọc kỹ lưỡng. Các quán bar, cà-phê tiếp tục đóng cửa. Lớp học được bố trí trở lại, một số tiếp tục hoãn tới mùa thu. Các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang. Cô Cristina Cros, chủ cửa hàng nhỏ ở Barcelona (Tây Ban Nha) rất vui khi làm việc trở lại sau 7 tuần nằm nhà. Các khách hàng sẽ phải đứng cách nhau ít nhất 2m và đeo khẩu trang. Tiệm làm tóc phải dọn ghế sạch sẽ sau mỗi khách hàng và chùi sàn nhà 2-3 lần mỗi ngày. Người phụ nữ 48 tuổi Anthoula Paraskeva chờ làm tóc ở Athens (Hy Lạp) vui vẻ nói rằng: “Đeo khẩu trang và găng tay cao su là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe vào lúc này”. Giới chuyên gia y tế nhận định sự thay đổi về văn hóa khẩu trang, tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt sẽ giúp tỷ lệ lây nhiễm virus Corona giảm mạnh để nới lỏng dần giãn cách xã hội ở châu Âu trong những ngày tới.

ANH THƯ (theo New York Times) 

;
;
.
.
.
.
.