Không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh, sinh viên phì phèo thuốc lá nơi công cộng. Tại các quán cà phê gần cổng trường sau giờ tan học có một số học sinh vẫn cố nán lại tụ tập, có em hút thuốc lá.
Thực tế, nhiều em ở tuổi vị thành niên đã nghiện thuốc lá. Có muôn vàn lý do dẫn các em tới con đường nghiện thuốc lá, như lầm tưởng rằng hút thuốc lá thể hiện sự phong trần, sành điệu, chứng tỏ mình đã... lớn; trong gia đình có người hút thuốc và đến nay không bệnh tật gì; giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ…
Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định hành vi sử dụng, mua bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng, nhưng cuộc chiến chống thuốc lá đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn bởi lợi nhuận từ sản xuất và buôn bán thuốc lá rất cao, trong khi thanh-thiếu niên chưa nhận thức đúng và đầy đủ những nguy cơ do thuốc lá mang lại. Thực tế, việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá đối với người chưa đủ 18 tuổi đang là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.
Theo BS Nguyễn Hoàng Việt (Khoa Nội, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng), hút thuốc lá trong thời thơ ấu và giai đoạn tuổi vị thành niên gây ra các vấn đề sức khỏe tức thì, cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển của các bệnh nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành, bao gồm gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các bệnh hô hấp, giảm thể lực, ảnh hưởng tiềm tàng đến sự phát triển và chức năng của phổi. Những người trẻ tuổi hút thuốc có nhiều khả năng suy giảm sức khỏe so với những người không hút thuốc.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người hút thuốc lá khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Đối với hầu hết các bệnh ung thư liên quan đến hút thuốc, nếu tiếp tục hút thuốc thì nguy cơ sẽ tăng. Thanh-thiếu niên hút thuốc bị khó thở gần gấp 3 lần so với thanh thiếu niên không hút thuốc và tiết ra đờm nhiều hơn 2 lần so với thanh-thiếu niên không hút thuốc. Thanh-thiếu niên hút thuốc có nguy cơ sử dụng rượu cao gấp 3 lần so với người không hút thuốc, sử dụng cần sa cao hơn 8 lần và nguy cơ sử dụng cocaine cao gấp 22 lần. Hút thuốc có liên quan một loạt hành vi nguy cơ khác, chẳng hạn như đánh nhau và quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Sử dụng thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể ngăn ngừa được ở nhiều quốc gia, mục tiêu của kiểm soát thuốc lá toàn diện là giảm tác hại của nó cho xã hội. Giúp những người hút thuốc bỏ thuốc lá là không đủ - điều quan trọng là ngăn những người trẻ tuổi hít phải điếu thuốc đầu tiên. Việc tăng độ tuổi sử dụng thuốc lá cũng là một trong những biện pháp làm giảm khả năng học sinh trung học có thể mua các sản phẩm thuốc lá hợp pháp.
Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) là “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”. WHO cũng khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức. Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã mang thông điệp của WHO kêu gọi thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine. Thế hệ trẻ cần cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá gây nhầm lẫn cho người sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Không ai có thể lường hết được những tác hại do thuốc lá gây ra, đặc biệt đối với thanh-thiếu niên. Bởi vậy, để hạn chế hiện tượng hút thuốc lá nói chung và sự gia tăng hút thuốc lá trong giới trẻ nói riêng, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đòi hỏi các ngành chức năng phải có những biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, hạn chế việc sản xuất và nhập khẩu thuốc lá. Ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá trong thanh-thiếu niên là việc làm cấp bách của mọi gia đình và xã hội trước khi những hiểm họa lớn có thể xảy ra.
HẢI ÂU