Đan Mạch có kế hoạch tiêu hủy 17 triệu con chồn sau khi chủng đột biến của Sars-CoV-2 được tìm thấy trên động vật này lây sang người.
Ngày 4-11, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo quyết định tiêu hủy khoảng 17 triệu con chồn ở nước này sau khi phát hiện chủng đột biến của SARS-CoV-2 ở các trang trại nuôi chồn và đã lây sang người. Thủ tướng Frederiksen nói rằng, việc phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 đặt ra yêu cầu tiêu hủy ngay toàn bộ chồn nuôi. Nếu không làm như vậy thì có thể có nguy cơ làm giảm kháng thể với vắc-xin ngừa Covid-19 sắp tới được tiêm chủng.
Kể từ sau thông báo của Thủ tướng Frederiksen, các nhà chức trách Đan Mạch đã tiêu hủy tổng cộng 2,4 triệu con chồn. Cảnh sát Đan Mạch ước tính, việc tiêu hủy toàn bộ chồn sẽ kéo dài vài ngày. Người nuôi chồn sẽ được đền bù tổng số tiền gần 800 triệu USD.
Đan Mạch, nơi sản xuất lông chồn lớn nhất thế giới, có từ 15 -17 triệu con trong khoảng 1.100 trang trại. SARS-CoV-2 bắt đầu lây nhiễm tại các trang trại nuôi chồn từ tháng 6. Đến đầu tháng 10, dịch bệnh lan tới gần 50 trang trại và hiện có hơn 200 trang trại bị lây nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5-11 thậm chí cảnh báo rằng chồn dường như là “ổ chứa lý tưởng” của SARS-CoV-2. Theo WHO, trong một số trường hợp, những con chồn lây bệnh từ người đã truyền virus cho người khác, tức chồn là vật trung gian lây bệnh.
Chính phủ Đan Mạch cũng áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mới ở miền bắc nước này. Trong khi đó, Anh áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với các du khách đến từ Đan Mạch, ngoại trừ các phương tiện vận tải và vận chuyển hàng hóa.
Đan Mạch, nơi sản xuất lông chồn lớn nhất thế giới, có từ 15 -17 triệu con chồn trong khoảng 1.100 trang trại. Ảnh: Reuters |
Theo hãng AFP, một số gia đình nông dân nuôi chồn khỏe mạnh đã phản đối lệnh tiêu hủy nói trên và cho rằng, chính phủ không có cơ sở pháp lý để giết chết những động vật có vú ăn thịt.
Đến ngày 10-11, Thủ tướng Frederiksen lên tiếng xin lỗi và thừa nhận chính phủ không có thẩm quyền hợp pháp để ra lệnh tiêu hủy hàng loạt chồn như vậy.
Theo luật hiện hành, chính phủ chỉ có quyền đề nghị những nông dân ở những khu vực bị ảnh hưởng tiêu hủy chồn. Và Bộ trưởng Nông nghiệp Đan Mạch Mogens Jensen thúc giục tất cả nông dân nuôi chồn tiêu hủy chồn để phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Ngày 9-11, WHO cho biết, thế giới ghi nhận 6 quốc gia xảy ra các trường hợp bệnh nhân Covid-19 liên quan các trang trại nuôi chồn hương. Các nước được xác nhận của WHO bao gồm: Mỹ, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Đan Mạch. Ngoài Đan Mạch, tại 5 quốc gia còn lại, vẫn chưa rõ SARS-CoV-2 từ chồn hương lây sang người có phải là loại virus đột biến hay không.
Tại Mỹ, các bang Utah, Wisconsin và Michigan, nơi ghi nhận tình trạng chồn chết hàng loạt vì Covid-19, cho biết họ không có kế hoạch tiêu hủy động vật và đang theo dõi tình hình ở Đan Mạch. Mỹ có gần 360.000 con chồn hương được nuôi để gây giống và sản xuất ra 2,7 triệu bộ lông trong năm 2019. Wisconsin là bang sản xuất chồn lớn nhất, tiếp đó là Utah.
HOÀNG ĐẶNG (tổng hợp)