Tôi gọi Châu bằng thằng, vì nó học cùng lớp tôi; nhưng gọi bằng anh cũng được, vì nó học cùng anh kế hơn tôi hai tuổi; mà gọi bằng… em cũng chẳng sai, vì nó tiếp tục lưu ban, học cùng em gái út của tôi. Nhưng thôi, cứ gọi nó bằng “thằng”, xưng hô theo kiểu “mi, tau” cho khỏe. Nó lưu ban nhiều như vậy, không phải vì học dốt, mà chỉ mỗi cái tội ham đánh lộn, gãy tay suốt. Nó nhập viện thường xuyên, phải bỏ học cả tháng trời mỗi năm nên không được lên lớp…
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Khi tôi lên lớp 5, cô giáo xếp tôi với nó là “đôi bạn cùng tiến”. Tôi không hiểu lắm về chuyện “cùng tiến”, chỉ biết mỗi khi làm bài kiểm tra, nó ngồi chơi gần như suốt tiết; đến khi tôi làm xong là đẩy bài qua cho nó chép vội chép vàng. Đến giờ ra chơi, nó trả công bằng việc nhận tôi vào làm quân phe nó để đánh lộn. Thời trường làng, mái tranh cột sắt và sân đầy cát, không có gì thú vị với bọn con trai bằng việc chia phe đánh lộn vào giờ ra chơi. Cột cờ là “cứ điểm”. Phe nào đánh chiếm được và giữ đến khi kẻng vô tiết học là chiến thắng. Tôi thích theo phe thằng Châu, không phải vì nó lớn tuổi, mà vì độ liều của nó. Khi “quân địch” chiếm được cột cờ là nó hùng hục tìm mọi cách xông lên giành cho bằng được, dù có sứt đầu mẻ trán. Vì vậy mà cái tay gãy của nó, từ lớp 4 đến lớp 5, cộng thời gian lưu ban nữa là 6 năm - chẳng bao giờ kịp lành.
Có hai người phụ nữ cũng khóc theo miết với Châu - đó là mẹ nó và cô giáo. Thời đó chưa có bệnh thành tích, học trò lưu ban không là vấn đề, nhưng cô giáo không bao giờ can được nó khỏi đánh nhau - vậy là bị mẹ nó cằn nhằn, chửi suốt. Còn mẹ nó mỗi lần nghe nó đánh nhau gãy tay là bỏ vội gánh cá, tất tả chạy vô trường hay xuống trạm xá, tùy lúc bà nhận được tin. Những người bán cá đi thật sớm, thường bảy, tám giờ đã thấy quảy lên xóm tôi để bán; nhưng bà thì túc tắc đi đến 9 giờ rưỡi mới về, mà lại toàn bán cá thính, cá khô…
Ban đầu thấy kỳ, nhưng sau mới biết, bà canh giờ đó về ngang trường là lúc ra chơi để biết tin thằng Châu có bị gãy tay không. Và bà chỉ bán cá thính cá khô, bởi có bỏ ngang đó chạy vô trạm xá chăm con thì hôm sau bán cũng được, chẳng sợ ươn. Bà nhìn bộ quần áo rách tươm, lấm đầy bụi hòa trong máu bầm đen rồi nước mắt ràn rụa, lần nào cũng như lần nấy. Nhưng thằng Châu thì bất cần: Gãy miết mà, hơi mô mệ lo! Nó gọi mẹ bằng “mệ”, không giống cách người Huế xưng hô trong hoàng tộc, mà từ giọng nằng nặng của quê tôi mà ra…
*
Ám ảnh mãi trong tôi cái thân hình còm nhom, bọc trong mớ áo quần rách rưới dính đầy máu và đất cát, nên tôi sững người khi nó đứng trước mặt tôi, gần cổng chợ thị trấn: Mi vô đây với tau, làm ly bia cho đã! Tôi nhìn nó đầy… ngưỡng mộ, bởi vẻ rắn rỏi cùng bộ đồ bảnh bao. Chỉ có nước da mai mái, lành lạnh. Tôi chưa kịp lắc đầu, nó kéo tôi xoành xoạch vô quán rồi sành điệu kêu hai chai bia lạnh. Cô phục vụ mang cho nó bia lạnh và dĩa mồi; nó bật hai ngón tay tanh tách, cô phục vụ cười lỏn lẻn. Lát sau hai cô gái cũng mát lạnh ngồi xuống bên hai đứa tôi. Tôi nóng bừng mặt, không phải vì có hai cô gái, mà vì lần đầu tiên được uống bia. Hồi học phổ thông, tôi cũng vài lần thử rượu gạo, chứ chưa bao giờ chạm tới thứ xa xỉ này. Thằng Châu thì giống như đã thành thói quen. Còn tôi sượng trân nhấp bia và nghe nó thuyết giảng:
- Tau thấy mi cũng chẳng khác chi xưa hỉ! Cứ sợ sợ cái chi đó? Đời mà mi, cứ xông tới rồi được hết, đừng sợ mất vì có chi mà mất!
- Bữa ni mi làm chi rồi? - Tôi xưng hô với nó “mi - tau” cho ra vẻ bình đẳng, để khỏa lấp sự lép vế vì kiểu ăn chơi sành điệu của nó.
- Tau đãi vàng!
- Tau cũng đãi vàng, mà… - Tôi bỏ chừng câu, vì tự ái. Học xong phổ thông, trầy trật miết không học được lên nữa, tôi bon chen theo các anh trong xóm đi đãi vàng, nhưng sức yếu nên chỉ dám mò đến sông Ly gần nhà, xoay cái bồn đãi cát. Ngụp lặn dưới nước cả ngày, oằn lưng đãi không biết bao nhiêu cát để cuối ngày lọc ra chén quặng đen thui, lấp lánh những hạt óng vàng bé li ti. Có bữa được vài dem(1), bán ngay tại chỗ cho “cò con” kiếm mấy đồng về đưa cho mẹ mua gạo; lâu lâu sướng lên thì đi cùng đám bạn xuống thị trấn ăn bữa cà-rem đá cho đã đời rồi về. Chớ mô được ngồi uống bia lạnh với gái như nó…
- Đãi vàng kiểu nớ thì mông ngâm nước xám ngoét cho cá rỉa chớ được chi! - Châu cười ha hả - Chơi vàng phải chơi lớn, như tau ri nề. Được ăn cả, ngã về… mo(2)!
Chơi lớn, như nó nói, tôi cũng đã nghe trong những câu chuyện kể của người làng tôi đi làm trên núi cao về. Một vùng thâm sơn cùng cốc, nhưng oái ăm ông trời lại ban cho cái thứ kim loại quý giá ma mị, làm mờ mắt bao nhiêu người với những giấc mơ đổi đời. Đó là vàng! Vàng - như lời đồn, cứ việc khoét hầm vô núi, chịu khó xúc đất đá đổ vô máy là vàng tự ào ra (?!) Thế nên, giang hồ tứ chiếng đổ về, chen lấn, giành giật nhau bạt núi phá rừng, đào hầm xuyên núi xuyên đồi như ma trận…; bất chấp đất lở đá lăn chôn vùi thân xác. Máy móc nổ ầm vang cả ngày lẫn đêm, xay đá thành bột, trộn lẫn với đất đổ xuống theo dòng nước trong lòng máng…, lắng thành quặng rồi chuyển đi sơ chế bằng thủy ngân, cyanur…; mặc cho nước xả vào suối sông chảy về đồng bằng.
Cái chết cứ hiển hiện trước mắt từng ngày, trong những xác thân lấm lem bùn đất, máu trào ra mũi ra miệng vì đất đá lấp do sập hầm; trong những mình mẩy te tua của cuộc thanh trừng tranh giành lãnh địa hay những vụ “lật kèo”; trong những thân tàn ma dại dặt dẹo vì nghiện rượu, ma túy… Rồi những câu chuyện về chất độc từ thủy ngân, cyanur ngấm vào máu từ đời cha sang đời con… Nhưng thôi cứ làm đi, đổi đời thì mình biến, chớ có ăn đời ở kiếp đất ni mô?
Đang miên man trong giấc mơ vàng theo kiểu “được ăn cả…”, tôi giật mình khi Châu chụp cánh tay tôi, nắn nắn:
- Đãi vàng miết chân tay cũng cứng cáp hơn hồi đi học đó chớ! Ri là đủ sức leo núi rồi. Đợt ni tau về, dẫn bà già lên chơi, mi theo tau làm chuyến thử sức. Được thì đi với tau, đãi vàng chuyên nghiệp luôn, chớ chơi lẻ tẻ biết khi mô giàu - Nó không gọi mẹ là “mệ” nữa, mà nói “bà già” - Bà già tau nằng nặc đòi lên chơi cho biết tau làm chi mà giàu, bả tưởng tau đi ăn cướp ăn trộm! Tau nghĩ bả đi được thì mi đi chắc cũng được. Rứa hỉ, làm chuyến nghe, biết mô đổi đời?
Tôi nổi tự ái, nhưng lại rụt rè đợi cái hẹn của nó…
*
Không chỉ dẫn mẹ và tôi, Châu còn đưa theo vài người trong xóm nữa. Để cõng chuyến - nghĩa là mang hàng nhu yếu phẩm tiếp tế cho thợ đãi vàng. Chúng tôi đón xe đò, đi hết một ngày thì tới thị trấn phố núi. Ở đó nghỉ một đêm, đợi xe chở hàng tập kết. Để mẹ lại nhà trọ, nó dẫn tụi tôi đi làm một chầu bia. Quán phố núi, nồng nặc mùi mồ hôi người cùng những tiếng cười nói bỗ bã rần trời của những tay làm vàng từ trên núi xuống và của đám từ dưới chuẩn bị cõng hàng và đưa người lên thay thế.
Châu chọn bàn, ngồi dạng chân và ngửa mặt tu bia ừng ực. Chốc lát, có vài tay - chắc lẳn có, gầy tong teo có, nhưng có một điểm chung là nước da mai mái, tới cụng ly với nó và nhìn tụi tôi với vẻ dè chừng… “Người quen của tao đó! Đi thử chuyến đầu!”, nó xưng hô “tao - mày” với tụi kia. “Đại ca cú ni có trúng như đợt trước thì nhớ đàn em với nghe!”, tụi kia giả lả, rồi cụng ly chan chát. Tôi uống không được, cũng cầm ly lên cụng, rồi nhìn chăm chắm dĩa thịt khô sấy đang có mấy con ruồi vo ve…
Sáng hôm sau, tợp thêm ly rượu trong bữa ăn sáng, cả nhóm lên đường. Những gùi hàng được chằng buộc đầy lên những chiếc xe Minsk, rồi nhét người vào giữa. Cả lái xe lẫn khách. Năn nỉ “bà già” ở lại thị trấn không được, thằng Châu ngồi với mẹ nó, còn tôi ngồi với Năm Vàng. Tôi bị ép xẹp lép sau tay thồ kềnh càng, đen nhẻm và nồng nặc mùi mồ hôi trộn lẫn với nắng khét lẹt. Xe phành phạch nổ máy rồi lao đi, qua khỏi lối đường bằng là bắt đầu vào những khúc quanh thắt ngặt, ngược ngửa lên trời. Đất đỏ trơn trượt vì cơn mưa đêm trước; bánh xe quấn xích sắt đánh toe bùn đất ra hai bên, hùng hục bò lên trong tiếng máy gầm và khói đen kịt... Tôi không nhớ đi bao lâu, qua những miền rừng núi nào, bởi đầu óc trở nên váng vất vì cái mùi mồ hôi của tay lái xe ngày càng bốc lên nồng nặc, vì con đường ngày càng thắt chặt lại với vách đá và đất đỏ và cây cối loang loáng trôi đi trôi đi…
Chừng mặt trời quá trưa, xe dừng. Người dỡ hàng, người bóc vội miếng lương khô, người ngửa mặt tợp nước từ những bình bi-đông treo bên hông... Chưa kịp định thần, thằng Châu ra lệnh: Gùi hàng lên, cuốc bộ hỉ! Tôi cúi mặt khoác ba lô, lầm lũi theo đoàn. Đường dốc hẹp, bùn quánh đặc đôi giày. Dốc thẳng đứng dần. Tôi ngửa mặt đớp đớp không khí, vừa cố gắng rút bàn chân chừng như mỗi lúc một gắn chặt xuống đường. Tôi không nghĩ, không thấy gì nữa. Mồ hôi vã ra đầm đìa, tim nghẹn lại, mũi như sập xuống nghẹt kín trong khi chiếc ba lô trì nặng trên lưng… Lầm lũi lê từng bước chân, tay đẩy cây gậy rướn từng chút về phía trước. Khi tôi tưởng chừng không thở được nữa, muốn quỵ xuống thì bỗng bừng lên một khoảng trời xanh. “Tới rồi!”, thằng Châu lựa chỗ tảng đá bằng phẳng, ghé lưng đặt mẹ nó ngồi xuống. Tôi bật cười thầm. Vậy mà từ nãy tới giờ, tôi cứ nhủ phải ráng, vì mẹ thằng Châu đi được mà mình không bò theo nổi cũng kỳ…
Tới, nhưng chỉ mới tới trạm dừng thôi. Cả đoàn xúm xít chất đồ thành đống, rồi ngồi tụ lại dưới lán trại dựng tạm ăn trưa, dù trời đã xế chiều. Tôi nuốt không nổi, cứ nhấp từng ngụm nước nhỏ. Thằng Châu với mấy người kia chuyện trò tếu táo. “Tui đố mấy ông, vì răng họ kêu cái dốc mình vừa qua đó là dốc Sa-tanh?”, thằng Châu lên tiếng. Không có ai trả lời, chỉ nghe tiếng nhai thức ăn và vặn lưng rôm rốp.
Tôi nghĩ, chắc Châu nói sai, Sa-tăng là chỉ tên của một trong 3 đồ đệ của Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh trong bộ phim Tây du ký mà tụi tôi chực chờ dán mắt mỗi đêm trên tivi; chớ làm chi có Sa-tanh… Tôi vừa lên tiếng về thắc mắc của mình, thằng Châu bật lại: “Mi chữ nghĩa nhiều quá mà! Sa-tanh là sa-tanh, là vải may quần đàn bà đó cha nội!” Rồi nó kể: “Năm trước, có thằng cha cõng chuyến lần đầu tiên vượt dốc ni, đến giữa dốc, mệt quá, hắn nói giỡn chừ mà có con mô mặc cái quần sa-tanh đi trước mặt, nhìn cái mông láng coóng của nó mới bước nổi mấy cha ơi! Rứa mà lên gần đến đỉnh dốc, nó đứt hơi, gói hàng trên lưng giật rơi bật ngược xuống dốc, chết tươi! Vì rứa dân cõng chuyến đặt tên là dốc Sa-tanh đó mấy cha nội!”
Vài tiếng cười vỡ ra, nghe lục bục như mắc nghẹn…
Nghỉ ngơi chừng ráo mồ hôi, thằng Châu gọi mẹ nó và tôi đến bên lán của một cô - xem chừng chủ quán: “Tui gởi bà già với thằng bạn ở đây nghe, mai mốt tui xuống đưa họ về. Nhớ lo cho họ ăn uống ngủ nghỉ đàng hoàng hỉ! Có chi rồi tính!” Tôi nhướng mắt như muốn hỏi nó sao để tôi ở lại, nó lắc đầu: “Mới leo cái dốc thôi mà tau thấy mi chịu đời không thấu, nên thôi ở lại đây cho chắc. Phải đi vài chuyến mới quen được!”. Tôi tiu nghỉu, quẳng ba lô vô góc lán rồi ngậm ngùi nhìn đoàn quân của Châu lầm lũi gùi hàng thẳng tiến vô núi…
*
Đêm. Mưa sùi sụt. Mẹ thằng Châu sau một ngày đường rã rời, đi ngủ sớm. Thấy tôi thơ thẩn trước lán, mấy tay từ trong núi ra hồi chiều, ngoắc: “Vô làm ly rượu cho vui đời!”. Vẫn còn hận thằng Châu chơi xỏ, lại thêm cái lành lạnh của mưa núi buồn buồn, tôi e dè nhập cuộc. Vượt qua mấy ly đầu, mềm môi, tôi uống tới, trong tiếng gõ nồi nhôm và tiếng hát nhạc chế của mấy tay bạn nhậu…, trong tiếng mưa rơi mỗi lúc một dày thêm, ào ạt…
Tôi vùng dậy trong tiếng la ơi ới và tiếng chân chạy thậm thịch ngoài lán. Nhấc chiếc đầu nặng trịch lên, sau một lúc định thần, tôi mới biết mình nằm giữa bộn bề đồ nhậu vương vãi bên cạnh… Lết người ra khỏi lán, đập vào mắt tôi là một cảnh tượng kinh hoàng. Khe suối nhỏ bên lán bị xé toạc; từng mảng đất đỏ lở lói nham nhở. Những thân cây cả người ôm nằm ngả nghiêng vạ vật bên bờ suối, phơi những bộ rễ trắng quấn trong mớ củi khô, dây rừng. Một nhóm người tả tơi, bùn đất đỏ quạch, chạy dọc suối, băng qua trước lán thở hào hển, thảng thốt: “Trôi, trôi hết rồi!”. Mẹ thằng Châu níu áo Năm Vàng, hổn hển: “Thằng Châu, thằng Châu mô rồi chú?”. Năm Vàng mặt tái mét, lắc đầu: “Tui bị cuốn vắt mình trên cây, thấy thằng Châu với mấy đứa nữa chới với trong nước. Lũ qua tui trèo xuống, chạy về đây. Chừ mới đi tìm!”.
Câu chuyện được chắp nối qua mấy lời kể, rằng cả nhóm lên đến nơi đêm qua, mới tảng sáng lên đường vô chưa tới cửa hầm thì nước từ trên núi bục vỡ, ập xuống, cuốn phăng cả người cả cây cả đất đá máy móc trôi tuột xuống… Năm Vàng nói rồi vơ đại cuộn dây thừng, cùng mấy người nữa chạy dọc con suối vỡ toác, đỏ au. Mẹ thằng Châu tất tả chạy theo... Tôi bừng tỉnh, rượt lên dìu một bên bà. Bà nấc lên, những bước chân hụt hẫng nháo nhào trong vô vọng: “Thằng Châu tau mô rồi, đứa mô đánh hắn gãy tay, ác chi ác kinh rứa trời?”. Bà nghiêng mình như trút gánh cá khô cá thính, quáng quàng chạy, như những ngày xưa thằng Châu đánh lộn gãy tay. Nhòe nhoẹt trước mắt bà, thằng Châu nằm đó, xanh xao, áo quần rách rưới quyện đỏ máu bầm, cười tỉnh bơ: Hơi mô mệ lo!
NGUYỄN THÀNH
(1) dem (zem): đơn vị đo trọng lượng của vàng (1 zem = 0,00375 gram).
(2) mo: phiên âm tiếng Việt từ tiếng Pháp (mort), nghĩa là chết. Câu trên nhại thành ngữ “Được ăn cả, ngã về không”.