Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Một con đường, một lối đi

.

Nguyễn Nhật Ánh đã tìm cho mình một con đường riêng trong văn chương: viết cho trẻ em. Lối đi ấy manh nha từ những tác phẩm đầu tay, càng ngày càng định hình rõ, và đến nay thành một lối đi riêng, một thương hiệu riêng.

1. Một ngày đầu tháng 12 se lạnh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có mặt trong buổi lễ sinh nhật bộ sách Kính vạn hoa tròn 25 tuổi ở Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (người ngồi, phải) và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường ký tặng bạn đọc trong sự kiện kỷ niệm 25 năm Kính vạn hoa ra tập đầu tiên.  Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (người ngồi, phải) và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường ký tặng bạn đọc trong sự kiện kỷ niệm 25 năm Kính vạn hoa ra tập đầu tiên. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Lâu rồi, chuyện độc giả xếp hàng từ rất sớm, tạo thành một hàng rất dài, để đợi xin chữ ký của Nguyễn Nhật Ánh đã thành quen thuộc. Nhà văn xứ Quảng này cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để ký tặng cho bất cứ độc giả nào còn đứng đợi, bất kể đã quá giờ của Ban tổ chức đề ra. Thậm chí, đầu sự kiện, ông còn đến bắt tay những độc giả xếp hàng từ sớm như bày tỏ sự tri ân.

Ở Việt Nam, ít có nhà văn nào tạo được sức hút như Nguyễn Nhật Ánh. Giữ được độ bền như ông lại càng không có. Vậy điều gì đã khiến Nguyễn Nhật Ánh làm được điều đó?

Trả lời câu hỏi ấy, xin bắt đầu bằng việc mượn chiếc kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, lắc một cái, trở về 25 năm trước.

Đó là năm 1995. Khi ấy, Nguyễn Nhật Ánh tròn 40 tuổi. Thời điểm ấy, thị trường sách thiếu nhi bắt đầu có tình trạng sách ngoại lấn át sách nội. Cơn sốt của những bộ sách dài kỳ Tứ quái TKKG (Đức), truyện tranh Doremon (Nhật Bản) khiến ông Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng lúc đó phải nghĩ ngợi. Với suy nghĩ của người bán sách, cứ chạy theo nhu cầu độc giả là “thắng”. Nhưng cái tâm của người làm sách lâu năm, lại “cầm cương” một NXB lớn nhất cho thiếu nhi ở Việt Nam, đòi hỏi ông Nguyễn Thắng Vu phải tìm một cánh cửa khác. Ông nghĩ đến một bộ sách “made in Vietnam”. Ông nhanh chóng bàn bạc trong nội bộ để tìm kiếm, đặt hàng một nhà văn viết bộ truyện thiếu nhi “thuần Việt”. Và Nguyễn Nhật Ánh được mời viết cho NXB Kim Đồng.

2. Bây giờ, Nguyễn Nhật Ánh ở tuổi 65. Khi trò chuyện, chính ông cũng thừa nhận, thời gian đủ để ông quên nhiều kỷ niệm, quên nhiều chi tiết thú vị quanh việc viết và xuất bản bộ sách dài kỳ Kính vạn hoa.
Nhưng khi ký ức được khơi gợi, những chuyện xưa như cuộn phim được tua lại. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể, khi nhận lời viết một bộ sách dài kỳ cho thiếu nhi Việt Nam, ông nghĩ đó như một cuộc dạo chơi nho nhỏ. Ban đầu, ông viết liền 5 tập gửi ra in để NXB “thẩm định” trước; rồi sau đó, cứ mỗi tuần viết 1 tập, ròng rã 7 năm. “Tôi đâu hình dung viết Kính vạn hoa lại nhiều áp lực lớn đến thế. Nhiều lần tôi đã tính bỏ cuộc”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.

Áp lực đầu tiên mà Nguyễn Nhật Ánh đối diện, đó là sự định kỳ của bộ sách. Mỗi tuần, dù bận gì, sức khỏe thế nào, cảm xúc ra sao, ông vẫn phải hoàn thành 1 tập. Mà một tập Kính vạn hoa không thể dài hơn, không thể ngắn hơn, cứ đúng 10 chương, khoảng 190 trang in khổ nhỏ.

Xong mỗi tập, chưa kịp thở phào, phải nghĩ ngay ra cái tên tập tiếp theo và nội dung chính để giới thiệu ở bìa 4.

Chính Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận, vì không chuẩn bị tâm lý về bộ sách kéo dài tới 7 năm với nhiều áp lực “không có trong kịch bản”, nên hơn một lần ông định dừng lại. Khi viết đến tập 25, ông đã chuẩn bị sẵn lời tạm biệt bạn đọc để đính vào bìa 4 bản thảo gửi đi, thay cho lệ thường là lời rao cho tập kế tiếp. Thế nhưng, vì thấy bạn đọc đang đón đợi, ông cất đi lời tạm biệt đó. Rồi còn một vài lần tương tự như thế.

Ở thời điểm ra mắt, Kính vạn hoa đã tạo nên hiện tượng có một không hai trong làng xuất bản, phá vỡ nhiều kỷ lục: bộ truyện của tác giả Việt Nam nhiều tập nhất, tái bản nhanh nhất, có số lượng phát hành nhiều nhất, có nhiều nhân vật nhất (khoảng 200 nhân vật), thư bạn đọc gửi cho tác giả nhiều nhất (trên 10.000 bức thư)… Sức nóng của bộ sách cao đến mức nhà văn Nguyễn Nhật Ánh định “gác bút” từ tập 45, đã viết cả lời chia tay độc giả, nhưng cuối cùng lại chấp bút viết tiếp cho đến tập 54.

3. Một chi tiết khác cho thấy nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thái độ làm nghề chuyên nghiệp. Vào những năm 1990, trong khi đa số các nhà văn vẫn quen với viết tay, Nguyễn Nhật Ánh trực tiếp viết bằng máy chữ. Chiếc máy đánh chữ và bản thảo bộ Kính vạn hoa với những bút tích của nhà văn, của người biên tập đến nay vẫn được lưu giữ cẩn thận.

Có một chi tiết mà nhà văn Lê Phương Liên - cựu biên tập ở NXB Kim Đồng tiết lộ, để giữ chân Nguyễn Nhật Ánh, ông Nguyễn Thắng Vu đã đi đến một quyết định “ngoại lệ”: Tạm ứng cho Nguyễn Nhật Ánh 50 triệu đồng để ông yên tâm sáng tác Kính vạn hoa. Và ngay từ lần in đầu tiên, Kính vạn hoa đã được dán mác “Tủ sách vàng” - vốn dành cho những tác phẩm đã nổi tiếng của các nhà văn tên tuổi như: Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Đất rừng phương nam (Đoàn Giỏi), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Sao khuê lấp lánh (Nguyễn Đức Hiền)... Đây cũng là một “ngoại lệ” mà hồi đó đã xuất hiện những ý kiến băn khoăn. Nhưng đó là một thái độ, một cách ứng xử được cho là khôn khéo và tài tình của ông Nguyễn Thắng Vu.

Trước và sau Kính vạn hoa, Nguyễn Nhật Ánh còn rất nhiều tác phẩm khác. Đặc biệt là những năm gần đây, thị trường xuất bản lúc thịnh lúc suy nhưng tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh vẫn đều đặn ra mắt, năm nào cũng in lần đầu trên 100.000 bản, luôn đứng đầu danh sách best seller (bán chạy nhất). Trong đó, Kính vạn hoa vẫn là bộ sách để lại một dấu ấn đậm nét của Nguyễn Nhật Ánh. Đây là bộ sách có tính kiến tạo và định hình phong cách rất riêng của Nguyễn Nhật Ánh. Nói cách khác, trên con đường văn chương của Nguyễn Nhật Ánh không thể thiếu Kính vạn hoa.

"Trong tình hình các em chơi nhiều hơn đọc, đọc truyện tranh nhiều hơn truyện chữ, đọc truyện dịch nhiều hơn truyện trong nước, tôi nghĩ nhà văn viết cho thiếu nhi phải cố viết sao để thu hút các em đến với sách, đến với truyện chữ, đến với văn học Việt Nam. Tôi tin rằng, đó là một cuộc chiến đấu mang ý nghĩa xã hội, một cuộc chiến đấu không cân sức nhằm thử thách tinh thần, trách nhiệm của nhà văn".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

HOÀNG THU PHỐ

;
;
.
.
.
.
.