Tác động của nhập cư đối với văn hóa và lối sống

.

 

Nhiều nữ lao động phổ thông ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng là người nhập cư.  TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN
Nhiều nữ lao động phổ thông ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng là người nhập cư. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN

1. Ngày 30 và 31-10-2014, hội thảo quốc tế chủ đề “Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị ở các nước tiểu vùng sông Mekong” do Trường Đại học Khoa học Huế và Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á được tổ chức tại thành phố Huế nhằm thảo luận về vấn đề nóng này. PGS. Bùi Thị Tân và nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền của Trường Đại học Khoa học Huế đã trình bày “quan điểm về giới trong lao động di cư từ nông thôn ra thành thị ở miền Trung Việt Nam”. Họ nhấn mạnh rằng, có một xu hướng ngày càng tăng trong lao động nữ di cư từ miền Trung Việt Nam, đặc biệt là trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các yếu tố chính dẫn đến tình trạng này là nghèo, vì hầu hết phụ nữ rời khỏi quê hương với ước muốn nâng cao mức sống. Những phụ nữ này thường có ít sự lựa chọn trong công việc và có xu hướng chấp nhận việc làm hợp pháp nhưng lương thấp. Các nhà tổ chức hội thảo sau đó trình chiếu một bộ phim của nhóm nghiên cứu về người di cư Việt Nam tại tỉnh Savannakhet (Lào) bằng cách điều tra một ví dụ điển hình của một lao động di cư nữ.

Xét từ góc độ văn hóa, xu hướng chấp nhận việc làm hợp pháp nhưng lương thấp của số đông lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị ở miền Trung Việt Nam nêu trong tham luận của PGS. Bùi Thị Tân và nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền thể hiện ý thức muốn bảo tồn lưng vốn văn hóa/lối sống cố hương theo tinh thần “giấy rách phải giữ lấy lề” sẵn sàng chấp nhận thu nhập thấp để làm người lao động lương thiện, chứ không chấp nhận thoát nghèo bằng những việc làm có khả năng tổn hại nhân phẩm. Đây là tác động tích cực của hầu hết lao động nữ nhập cư đối với văn hóa và lối sống của cư dân bản địa.

2. Nhìn từ góc độ giới, tác động của nhập cư trong nước đến văn hóa và lối sống của cư dân Đà Nẵng trước hết thể hiện ở tinh thần bình đẳng giới trong lao động. Hầu hết người nhập cư trong nước là nữ vào Đà Nẵng đều là người lao động: công chức/viên chức ở công sở, là lao động kỹ thuật hoặc lao động phổ thông ở doanh nghiệp... Chính sự bình đẳng giới trong lao động sẽ dẫn đến bình đẳng giới trong thu nhập, từ đó có thể hạn chế bất bình đẳng giới trong gia đình - và đó chính là một nét son trong văn hóa và lối sống.

Những tác động tích cực của nhập cư trong nước nói chung - nhìn từ góc độ bình đẳng giới - đối với văn hóa và lối sống của cư dân bản địa có sự đóng góp rất lớn của người nhập cư là nữ. Chỉ xét riêng về văn hóa trong các gia đình nhập cư, có thể thấy vai trò của phụ nữ nhập cư. Nói đến vai trò của người phụ nữ đối với quá trình xây dựng văn hóa gia đình, trước hết là nói về việc người phụ nữ - trong đó có phụ nữ nhập cư - đã góp phần hình thành môi trường gia đình văn hóa như thế nào. Có nhiều chuyện cần làm để có môi trường gia đình văn hóa, như sự gương mẫu của người lớn, hoặc việc xây dựng nền nếp gia phong, hay việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Cùng với cộng đồng làng xã, gia đình từ bao đời nay vẫn luôn là nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Và phụ nữ có vai trò quan trọng hơn cả trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở từng gia đình. Dẫu thời nào và ở nơi đâu - nông thôn hay thành thị, bên vành nôi tre hay bên vành nôi sắt - mọi trẻ thơ đều đắm mình trong lời hát ru của mẹ, của bà. Hồn dân tộc, chất dân tộc quyện trong lời hát ru êm ái - cùng với dòng sữa mẹ ngọt ngào - sẽ làm tâm hồn trẻ thơ trở nên cứng cáp mà mềm mại, đúng hơn là mềm mại mà cứng cáp, đủ để sau này lớn lên có thể có được lòng khoan dung về văn hóa.

3. Cũng có ý kiến cho rằng, đúng là phụ nữ - do đặc trưng giới tính - có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng sống ở một thành phố mà tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt như Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XXI, thì phụ nữ ngày nay - trong đó có phụ nữ nhập cư - khó có thể đảm đương nổi vai trò quan trọng ấy. Dường như cách nghĩ này xuất phát từ sự đồng nhất giữa văn hóa dân tộc với văn hóa cổ truyền. Thật ra, nếu hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, những giá trị tinh thần cao quý của nền văn hóa Việt Nam không chỉ tồn tại trong quá khứ - tức là bản sắc văn hóa cổ truyền, mà còn đang hình thành ngay trong hiện tại và cả trong tương lai thì quá trình đô thị hóa lại là bối cảnh hết sức thuận lợi để phụ nữ Đà Nẵng ngày nay - trong đó có phụ nữ nhập cư -  đóng góp xứng đáng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, lao động nữ nhập cư ở Đà Nẵng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, từ đó tạo nên một loại tác động tuy mang tính thụ động, không xuất phát từ sự cố tình/có ý thức của người nhập cư nhưng lại là loại tác động trực tiếp, tiêu cực và phổ biến nhất đối với văn hóa và lối sống của cư dân Đà Nẵng. Đó chính là sự thiếu hụt về mức độ thụ hưởng văn hóa tinh thần của bản thân những người nhập cư trong nước, nhất là những người ngoại tỉnh là nữ lao động phổ thông ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: do phải tất bật mưu sinh, lại bận bịu trong việc chăm sóc con cái, họ không còn thời gian thụ hưởng văn hóa tinh thần, không có thời gian để đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, xem một cuốn phim..., không có thời gian để lo chuyện phải chuyện không, thậm chí không có thời gian để giao tiếp với láng giềng... Đây là một trong những vấn đề cần được quan tâm trong việc xây dựng diện mạo văn hóa và lối sống của cư dân Đà Nẵng.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.