SÁCH MỚI SÁCH HAY

.

1. GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Pháp.

Ông cũng chính là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam... Sinh hoạt của người Việt: Cư trú - kiến trúc - hát đối (NXB Hội Nhà văn, tháng 1-2021) là một trong những công trình luận án xuất sắc ấy. Tập sách là các điều tra, mô tả của ông về các loại hình nhà ở, các kiểu cư trú, vấn đề chi tiêu, ăn uống, cho đến các hoạt động kiện cáo, hát đối đáp, thờ cúng thành hoàng của người nông dân Việt Nam. Dựa trên những khảo tả kỹ lưỡng, kết hợp với phân tích khoa học tinh nhạy, các công trình của Nguyễn Văn Huyên chắc chắn sẽ thúc đẩy những suy tư, kiếm tìm và đối thoại của độc giả về văn hóa, văn minh Việt Nam.

2. Lê Nguyễn Nhật Linh (bút danh khác Linh Kô I) là tác giả 9X, sinh ra ở Hà Tĩnh. Năm 2005, Nhật Linh sang Nhật Bản du học và từ đây, con người, đất nước Nhật Bản trở thành chất liệu văn học để cô sáng tác.

“Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi...” (NXB Trẻ) là cuốn sách dày đặc những tâm trạng sâu kín muốn che giấu của con người, trong đó có sự u uất, sự tuyệt vọng, sự gục ngã, sự dồn tận của cô độc. Hiểu người khác, suy cho cùng cũng là để hiểu chính mình. Hiểu mình hơn, để cảm thông hơn, với ai đó, có cuộc đời đen trắng, hoàn cảnh trải nghiệm, công việc sự nghiệp, kết cục tình cảm... không giống chúng ta.

Hiểu để không một ai phải nói âm thầm khi đã rất tuyệt vọng và cô độc: “Giá ngày tháng ấy, có người hiểu tôi” nhưng chúng ta bỏ qua họ như mây trôi gió thoảng. Hiểu để chúng ta không phải tiếc nuối đau khổ vì mất đi một ai khi họ trầm cảm mà mình vô tâm, đừng đứng giữa một đám tang mới muộn màng cầu nguyện trong sự day dứt.

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.