Trở về làm một đứa trẻ

.

Tôi tham gia lớp học Yoga từ hơn một năm trước, dù ban đầu đã từng nấn ná không ít. Không thường vận động nên mấy ngày đầu, tôi luôn ở trong trạng thái mình mẩy nhức mỏi, chẳng muốn làm gì. Qua thời gian, khi cơ thể dần quen với việc vận động, với các động tác giúp giãn cơ, tôi bắt đầu cảm nhận những dịch chuyển đầy tích cực: linh hoạt hơn, khoan khoái hơn. Niềm yêu thích Yoga cũng được nhen lên từ đó. 

Tư thế em bé trong Yoga. Ảnh: webthethao.vn
Tư thế em bé trong Yoga. Ảnh: webthethao.vn

Mới bắt đầu nên tôi được khuyến nghị học trình độ Hatha, được xem là nền tảng của tất cả các môn Yoga, sau một thời gian có thể chuyển qua những trình độ cao hơn. Ở trình độ Hatha, có một tư thế mà tôi thực sự thích thú, đó chính là tư thế em bé. Tư thế này diễn ra trong vòng 1-3 phút; sau khi đã trải qua các tư thế như chiến binh, tấm ván ngược, chó cúi đầu…, người tập ngồi xuống sàn, gập chân lại với nhau và ngồi lên gót chân.

Đến lúc cảm thấy thoải mái nhất thì mở rộng đầu gối và hông, hít thở đều; sau đó gập người về trước giữa hai đùi và thở ra, đồng thời vươn thẳng tay qua đầu, thẳng hàng với đầu gối. Lúc này, người tập sẽ thả lỏng vai trên sàn.

Tôi làm theo hướng dẫn của huấn luyện viên, hoàn toàn không có ý niệm gì về nó. Nhưng rồi, chính trong lúc thực hành tư thế em bé, tôi bỗng nhiên cảm thấy khoan khoái và dễ chịu. Sự nhức mỏi sau quá trình giãn cơ đã dịu xuống. Sau này, qua tìm hiểu, tôi biết thêm, tư thế này giúp người tập giải tỏa căng thẳng, thư giãn ngực, lưng và vai.

Kết thúc tư thế em bé, tôi đã sẵn sàng để quay lại những động tác vừa trải qua với tinh thần thật sự tươi mới và thoải mái. Và chính ý nghĩ trở về làm một đứa trẻ lóe lên trong tâm trí tôi ngay lúc đó. Phải rồi! Chẳng phải trước khi trở thành người lớn, ai cũng đã từng là những đứa trẻ đó sao. Trong tác phẩm Hoàng tử bé của nhà văn Antoine De Saint-Exupéry (bản do Bùi Giáng dịch) có câu: “Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con, (nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia)”.

Tôi đã không ghi nhớ, và nhiều người chắc hẳn cũng không nhớ việc mình từng là đứa trẻ hồn nhiên, vô tư. Đã từng là những đứa trẻ có thể cười to một cách thích thú mà không phải kiêng dè. Đã từng là những đứa trẻ thoải mái bày tỏ sự yêu, ghét mà không phải đắn đo, nghi ngại. Là trẻ con nên chỉ biết đúng, sai; không phán xét, không định kiến.

Chúng ta đã từng là những đứa trẻ như vậy, trước khi trở thành một người lớn mà vì rất nhiều lý do, đã phải mang trong mình biết bao thương tổn, bao muộn phiền và mỏi mệt. Để rồi, không biết bao lần ta thầm ước “giá mà được chết đi một lúc”(*), hay đôi lần phải trốn phố đi đâu đó, những mong có thể rũ bỏ những ồn ào, đua chen.

Trong truyện ngắn Tâm hồn mẹ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Chuyện của trẻ con thì người lớn không nên cắt nghĩa vì logic của trẻ con là thứ logic huyền thoại không tiền khoáng hậu. Người lớn bị thực tế khắc nghiệt làm mất đi sự mong manh của logic huyền thoại, thay vào là thứ logic xám xịt, rạch ròi”. Thực vậy, chúng ta ai cũng từng là một đứa trẻ; lớn lên, chỉ vì “thực tế khắc nghiệt” của đời sống mà quên mất điều này. Là người lớn, chúng ta mải mê kiếm tiền, mải mê đuổi theo những danh vọng, kiếm tìm cho mình một vị trí trong xã hội. Đến chừng phải nhìn lại, phải nghĩ suy thì người lớn chúng ta cũng chỉ biết vận dụng bằng “thứ logic xám xịt, rạch ròi”. Để rồi, tự chúng ta làm khổ mình mà không hay biết!

Cũng là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi không nhớ đọc được ở đâu, hay trong một truyện ngắn nào đó mà tôi đã quên tên, có lần nói: “Sống dễ lắm. Cứ nhìn vào mắt trẻ con mà sống”. Dù muốn dù không, đứa trẻ nào rồi cũng sẽ thành người lớn. Đó là một sự thật hiển nhiên mà không ai có thể “cãi lại” tiến trình đó, ít nhất là đến lúc này. Có điều, bên trong chúng ta đã có sẵn một đứa trẻ. Vậy nên, bất kể giá nào, bất kể hoàn cảnh nào, nếu chúng ta cố gắng giữ lại và khơi dậy đúng lúc đứa trẻ trong mình; khi đó, chẳng cần phải nhìn vào mắt trẻ con làm gì, chúng ta vẫn có thể “sống dễ lắm”!

HỒ HUY SƠN

(*) Tên một bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

 

;
;
.
.
.
.
.