Mỹ đặt mốc 8 tháng phải tiêm mũi tăng cường

.

ĐNO - Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường diện rộng cho những người đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 của hai hãng Pfizer, Moderna nhằm ứng phó với biến thể Delta.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23-8 cấp phép hoàn toàn vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên. Ảnh: AFP/Getty Images
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23-8 cấp phép hoàn toàn vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên. Ảnh: AFP/Getty Images

Từ ngày 20-9-2021, Mỹ sẽ bắt đầu chương trình tiêm mũi bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin của Pfizer và Moderna.

Trong khi đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh khoa học vẫn chưa khẳng định cần mũi tiêm tăng cường và việc bảo đảm cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp nhận được vắc-xin là quan trọng hơn nhiều.

Cấp phép hoàn toàn cho Pfizer

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23-8 cấp phép hoàn toàn vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên. Đây là loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên nhận được sự phê duyệt hoàn toàn của FDA.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là “cột mốc quan trọng” trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời kêu gọi nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc cho người lao động.

Theo các hướng dẫn của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, những người đã tiêm 2 liều vắc-xin của Pfizer và Moderna thuộc nhóm cần tiêm mũi thứ ba trong mùa thu năm nay. Mũi bổ sung sẽ tiêm cho những người đã tiêm mũi hai trước đó ít nhất 8 tháng. Danh sách ưu tiên tiêm bổ sung gồm nhân viên nhà dưỡng lão, cư dân tại các cơ sở chăm sóc dài hạn và người lớn tuổi.

“Liên quan đến tình trạng lan tràn của biến thể Delta, chúng tôi đã bắt đầu thấy chứng cứ của việc giảm hiệu quả phòng ngừa các ca bệnh nhẹ và trung bình”, lãnh đạo các cơ quan chức năng Mỹ nêu quan điểm trong một thông cáo.

“Dựa trên đánh giá mới nhất của chúng tôi, việc phòng ngừa hiện nay với các ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong có thể giảm sút trong những tháng tới, nhất là ở những người có nguy cơ cao hơn và những người được tiêm ngừa trong các giai đoạn trước của chương trình tiêm chủng vắc-xin”, thông cáo nêu tiếp.

Với những người đã tiêm vắc-xin loại một liều của Johnson & Johnson, nhà chức trách nói rằng sẽ chờ thêm các kết quả nghiên cứu đánh giá để quyết định có cần tiêm mũi tăng cường không. Hiện chỉ khoảng 14 triệu người Mỹ đã tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson.

Về tổng thể, tới nay hơn 90 triệu người Mỹ đã tiêm đủ liều vắc-xin Pfizer và hơn 64 triệu người đã tiêm đủ liều vắc-xin Moderna.

Tuy nhiên, còn khoảng 40% dân số Mỹ chưa tiêm mũi nào, đây lại là vấn đề lớn khác mà chính quyền của ông Biden cần giải quyết bên cạnh kế hoạch tiêm mũi tăng cường.

Vì sao 8 tháng?

Khoảng thời gian 8 tháng mà giới chức y tế Mỹ đưa ra làm mốc căn cứ tiêm nhắc lại dựa trên các kết quả nghiên cứu, đánh giá của nước này và một số quốc gia khác, đặc biệt là Israel, về hiệu quả vắc-xin có thể duy trì bao lâu và các vắc-xin có chống chịu nổi biến thể Delta không.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm y tế Mayo (Mayo Clinic, Mỹ) nhận thấy hiệu quả phòng ngừa biến thể Delta ở những người tiêm vắc-xin Moderna và Pfizer đã giảm lần lượt còn 76% và 42%.

Bác sĩ Abinash Virk - chuyên gia bệnh nhiễm tại Mayo Clinic cho biết nhóm của ông đang cố gắng giải đáp vấn đề việc giảm sút phản ứng miễn dịch này là do hiệu quả vắc-xin giảm hay do biến thể Delta nguy hiểm hơn. Biến thể này hiện chiếm gần 100% số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ.

Nghiên cứu tại Israel - một trong những nước đầu tiên tổ chức tiêm chủng diện rộng trên thế giới và gần như chỉ dùng vắc-xin của Pfizer/BioNTech - chắc chắn có tác động đáng kể tới mốc thời gian 8 tháng được CDC Mỹ nêu ra.

“Các dữ liệu cho thấy những người đã tiêm vắc-xin đủ liều hồi đầu tháng 1 năm nay đang có tỷ lệ tái nhiễm cao hơn những người đã tiêm đủ liều trong tháng tư”, bác sĩ Sankar Swaminathan, Trưởng khoa Bệnh nhiễm tại Đại học Y tế Utah (Mỹ) nói.

Dữ liệu công bố trên trang web của Bộ Y tế Israel cho biết, các vắc-xin đã tiêm cho những người trên 65 tuổi trong tháng 1-2021 lúc này chỉ còn hiệu quả phòng bệnh nặng khoảng 55%. Tỷ lệ này là đáng lo ngại, nhất là khi nhìn vào mức độ lây nhiễm của biến thể Delta, theo chuyên gia bệnh phổi và chăm sóc tích cực, PGS. Benjamin Singer tại Trường Y khoa Feinberg, Đại học Northwestern (bang Illinois, Mỹ).

Vì sao mũi tăng cường được khuyến nghị tiêm vào thời điểm ít nhất 8 tháng sau mũi thứ hai? PGS. Benjamin Singer lý giải: “Việc này cũng không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có thể do sự kết hợp giữa tình trạng giảm miễn dịch theo thời gian và thực tế các biến thể đang lây lan nhanh hơn, dễ hơn”.

Dù vậy, dữ liệu từ Israel vẫn đặt ra những vấn đề chưa được làm rõ. Bác sĩ Sankar Swaminathan cho rằng, những người được tiêm vắc-xin sớm nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tức họ thuộc nhóm dễ có nguy cơ tái nhiễm đột phá (nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin) hơn những người khác.

Do đó, chưa rõ nguy cơ tái nhiễm và nhập viện của họ sau 8 tháng có tương đương mức độ nguy cơ này ở các nhóm dân số nói chung với nguy cơ thấp hơn không.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo New York Times, Atlantic, NBC News)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích