Đà Nẵng cuối tuần
Bác sĩ trẻ tình nguyện chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19
Từ ngày 9-12-2021, sau khi Trạm Y tế lưu động phường Thanh Bình (quận Hải Châu) được thành lập thí điểm cũng là lúc bác sĩ Trần Đức Khánh (27 tuổi), Khoa Nội Tổng hợp - Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu được điều động, tăng cường hỗ trợ trạm. Từ đó đến nay, bác sĩ Khánh đã tận tình điều trị, chăm sóc y tế, hỗ trợ tinh thần cho các bệnh nhân Covid-19 tại nhà trên địa bàn ổn định.
Bác sĩ Trần Đức Khánh, Khoa Nội Tổng hợp - Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu, kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Ảnh: THANH TÌNH |
Ca bệnh Covid-19 tại nhà bác sĩ Khánh điều trị đầu tiên là vào ngày 10-12-2021 (một ngày sau ngày thành lập Trạm Y tế lưu động phường Thanh Bình). Thời điểm Khánh nhận ca bệnh vào khoảng 22 giờ. Trước đó, một đội y tế đến thẩm định gia đình bệnh nhân đủ điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà bác sĩ Khánh mới thực hiện thăm khám.
Sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân
Bác sĩ Khánh cho biết: “Đầu tiên, tôi khám các dấu hiệu “sống” của bệnh nhân như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở… Nếu tất cả thông số ổn định, tôi sẽ khám tiếp xem bệnh nhân có bệnh nền không. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, chúng tôi đề nghị hỗ trợ chuyển cấp cứu. Sau khi thăm khám, tôi hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc, điều trị tại nhà, cách thở, cách ho hữu hiệu để tống đàm/dịch (nếu có) trong phổi ra. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn bệnh nhân cách vận động để tăng sức đề kháng, cách uống nước, bổ sung vitamin, các chế độ ăn, cách đo máy SpO2… Đi cùng tôi có một y sĩ hỗ trợ hướng dẫn bệnh nhân khai báo thông tin sức khỏe lên hệ thống”.
Theo bác sĩ Khánh, bác sĩ điều trị tại nhà đối với các bệnh nhân Covid-19 hầu hết là người trẻ, sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh, nên công tác tư vấn, hỗ trợ điều trị diễn ra thuận lợi. Quá trình điều trị hầu hết qua trực tuyến, nếu có triệu chứng bất thường, bác sĩ Khánh yêu cầu bệnh nhân báo cáo cụ thể để xem xét, quyết định đến nhà khám trực tiếp hay hỗ trợ trực tuyến cũng như quyết định kê các loại thuốc điều trị phù hợp, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Khánh, khi đến nhà thăm khám cho bệnh nhân, một trong những khâu cực kỳ quan trọng là vấn đề rác thải y tế. Vì vậy, dù tổ y tế thẩm định đã hướng dẫn kỹ cho bệnh nhân và người nhà, nhưng bác sĩ Khánh luôn cẩn thẩn dặn dò lại bệnh nhân các bước xử lý rác, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thân thiết như người nhà
Sau mỗi lần thăm khám bệnh nhân, bác sĩ Khánh cùng đội ngũ y tế lưu động phường Thanh Bình về lại trạm, thiết lập nhóm zalo gồm các thành viên của trạm y tế và bệnh nhân để dễ quản lý, trao đổi thông tin.
“Mỗi tin nhắn cảm ơn của bệnh nhân là động lực để tôi và đội ngũ y tế tiếp tục nỗ lực. Mỗi ngày, khi bệnh nhân báo tình hình sức khỏe, chúng tôi luôn thả các hình trái tim động viên, thậm chí bệnh nhân muốn ăn gì, uống gì chúng tôi cũng hết lòng hỗ trợ. Từ khi có các nhóm zalo, bác sĩ và bệnh nhân quan tâm nhau và thân thiết như người nhà”, Khánh chia sẻ.
Khánh là bác sĩ trẻ, từng hai lần được giao nhiệm vụ tăng cường cho Bệnh viện Phổi điều trị bệnh nhân Covid-19. Thời điểm đó, bác sĩ Khánh gặp rất nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nhân phải thở máy. Có những ngày liên tục Khánh và ê-kíp bác sĩ chỉ ngủ 2-3 giờ, còn lại túc trực hỗ trợ cứu chữa bệnh nhân. Mặc dù đã được đào tạo quy trình chăm sóc, điều trị nhưng thời điểm đó do chưa phủ vắc-xin phòng Covid-19, bệnh nhân trở nặng nhanh khiến Khánh và các bác sĩ rất áp lực. Hai đợt tăng cường cho Bệnh viện Phổi thì một lần Khánh đi liên tục 14 ngày, một lần 35 ngày, sau khi từ viện về Khánh thực hiện cách ly thêm 14 ngày nữa mới về nhà.
Nói về bác sĩ Khánh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường kiêm Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động phường Thanh Bình Dương Thị Luyn Đa nhìn nhận: “Khánh là bác sĩ tâm huyết, luôn ứng xử nhẹ nhàng với bệnh nhân và tận tụy trong công việc. Đối với bệnh nhân Covid-19, Khánh luôn tận tình giải thích, hướng dẫn. Nhờ có Khánh và các bác sĩ trẻ tăng cường, từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, Trạm Y tế lưu động an tâm và chưa gặp khó khăn lớn nào”.
ĐAN TÂM