Đà Nẵng cuối tuần

Ban thưởng "người tốt việc tốt" dưới thời nhà Nguyễn

08:44, 16/01/2022 (GMT+7)

* Ban thưởng “người tốt việc tốt” dưới thời nhà Nguyễn được quy định ra sao và cho các trường hợp cụ thể như thế nào? (Hoàng Văn Nam, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Hoành phi 4 chữ vàng Thiện tục khả phong tại gian giữa Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: V.T.L
Hoành phi 4 chữ vàng Thiện tục khả phong tại gian giữa Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: V.T.L

- Sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 13 Giáo hóa, có chép lời dụ của nhà vua khi trấn thần tỉnh Quảng Nam là Đặng Chương vào tâu: “Các ngươi có trách nhiệm chăn dân, nên nghĩ đến việc tuyên dương giáo hóa, dạy trước điều lễ nhượng, bảo rõ việc nên ưa nên ghét để làm hưng khởi phong tục tốt đẹp, tinh túy. Người xưa làm cho dân giàu rồi sau dạy dân, là như thế đó. Nên làm việc giáo hóa nhân dân, sửa sang phong tục trong lúc bình thời”.

Theo dụ chỉ này, các địa phương đã trình lên danh sách những “người tốt việc tốt” để vua ban thưởng. Ngoài bạc, vải, lụa, mỗi người còn được ban một tấm biển ngạch khắc 4 chữ Hán đại tự, tùy theo “việc tốt” của mỗi người.

Hiếu hạnh khả phong ban cho người con có nết hiếu, phẩm cách khá. Hiếu thuận khả phong ban cho cháu có nết hiếu thuận, phẩm cách khá. Hạnh nghĩa khả phong ban cho người chồng có nghĩa kiêm con hiếu. Trinh tiết khả phong ban cho người tiết phụ, phẩm cách khá…

Những cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt được vua ban tặng một danh hiệu riêng. Tỉnh Cao Bằng được vua ban tặng 4 chữ Hiếu nghĩa tri phương (Ham nghĩa biết đạo). Tiết phụ Nguyễn Thị Ngữ người dinh Quảng Bình được tặng Đồng quản phương tiêu (đàn bà giỏi, đức hạnh tốt). Những người sống lâu trên trăm tuổi được tặng Cao thọ phiền hi (Tuổi cao, phúc tốt).

Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên, Đệ tứ kỷ, quyển 56, vào năm Tự Đức thứ 29 (1876), nhà vua thêm một lần định lệ thưởng thọ quan, thọ dân và các thần dân là con hiếu, cháu thảo, chồng có nghĩa, vợ giữ tiết hạnh. Mỗi người nêu gương hiếu hạnh này được thưởng 30 lạng bạc, 2 tấm sa nam (một loại vải tơ tằm dệt thưa, để thứ dân may làm lễ phục, hoặc quan chức may mặc làm lễ thường triều) và 1 tấm biển vua ban.

Định lệ này được ban ra vào năm 1876, nhưng đến tháng 9 năm Quý Mùi (1833), sau khi lên ngôi, vua Hiệp Hòa có định lệ lại, thay đổi ít nhiều so với thời Tự Đức. Ngoài biển ngạch vẫn được trao đều cho các hạng, thì các hiếu tử, thuận tôn, nghĩa phụ, tiết phụ được chia ra làm các hạng: ưu, bình, thứ, và số bạc được thưởng có giảm.

Hạng ưu chỉ được 15 lạng bạc, được Nhà nước làm nhà để treo biển ngạch. Riêng tiết phụ mà là vợ thứ, vợ lẽ thì chỉ thưởng 10 lạng bạc, 1 tấm sa nam, không được Nhà nước làm nhà để treo biển ngạch. Hạng bình chỉ được 10 lạng, 1 tấm sa nam; vợ thứ, vợ lẽ chỉ có 8 lạng bạc. Hạng thứ chỉ được thưởng 8 lạng bạc, nếu là vợ thứ, vợ lẽ chỉ được 6 lạng bạc. Định lệ này kéo dài đến thời Bảo Đại.

Ở Đà Nẵng, làng An Hải (bao gồm các phường An Hải Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc thuộc quận Sơn Trà ngày nay) dưới triều Tự Đức đã được vua ban Thiện tục khả phong (phong tục tốt lành đáng khen). Bức hoành phi có 4 chữ vàng này hiện được treo tại gian giữa thờ Tiền hiền của Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu; hai bên tả, hữu thờ các vị Hậu hiền có các bức hoành Công trấn sơn hà (bên phải); Quân ân tạo hải (bên trái).

ĐNCT

.