Đà Nẵng cuối tuần
Xuân về trên phố
Tết năm nay có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất từ trước đến nay bởi người dân thực hiện quy định 5K để phòng Covid-19. Nhưng không vì thế mà không khí đón xuân bớt đi phần vui tươi, háo hức. Phố xá vẫn tràn ngập sắc xuân, có chăng là con người sống chậm hơn, sâu lắng hơn để cảm nhận được ý xuân về trên thành phố.
“Cửa hàng hoa di động” của chị Trần Thị Kim Vinh nổi bật giữa phố thị. Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Sau những ngày mưa dầm dề, nắng tháng Chạp dường như trong hơn, nhẹ hơn, lấp loáng trên những con phố dài sắp sửa bước vào phút giao mùa khoác lên màu áo Tết. Thành phố như một bức tranh đầy sắc màu hòa quyện giữa sự rộn ràng của thanh âm phố xá và sự tịnh yên của dòng sông Hàn lững lờ con nước.
Mấy ngày nay, chị Đào Thị Gái (SN 1968) đã bắt đầu “thương vụ” bán cát lư hương trên chiếc xe bò đậu gần ngã tư Ông Ích Khiêm - Lê Duẩn. Chị Gái bảo: “Mọi năm phải qua rằm tháng Chạp mới nhập cát về. Năm nay bán sớm hơn vì thời tiết thất thường, Covid-19 kéo dài, người đi mua sắm thưa thớt hơn mọi năm nên phải tranh thủ…”. Cùng một “dịch vụ ngày Tết” như chị, nhưng đâu đó trong các con hẻm nhỏ có tiếng rao lảnh lót, ngọt lịm “Ai cát trắng quê hương đây…” như khúc vĩ thanh của những người mang hơi thở mùa xuân về với phố.
Giữa dòng xe cộ hối hả ngược xuôi, chiếc xe máy chở đầy hoa của chị Trần Thị Kim Vinh (SN 1965) trở nên nổi bật giữa phố thị. Chị bắt đầu hành trình bán dạo hoa Tết từ đầu tháng Chạp, chủ yếu là hoa lan và hoa hồng. Một ngày của chị được tính bằng những con đường ngang dọc trong thành phố. Cứ đến ngã ba hay ngã tư đông đúc, chị dừng lại chờ khách mua hàng. Những đóa hồng hàm tiếu, những cành lan mãn khai cười bẽn lẽn trong nắng xuân khiến khách đi đường không cầm được lòng mình…
Chị Vinh cho biết, nhiều người bận bịu, không có thời gian ra các phố hoa mua sắm nên đội quân bán dạo hoa Tết như chị có công ăn việc làm vào dịp cuối năm.
Mấy ngày nay, trời như chiều lòng người. Nắng rắc vàng trên những con phố quen. Tiểu thương các chợ lòng như mở hội vì có thể chưng bày hàng hóa Tết mà không sợ hư hỏng vì ướt. Một góc chợ Cồn góc ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm bừng sáng với các mặt hàng Tết rực rỡ sắc màu. Xe thồ, xe ba gác vận chuyển hàng kìn kịt vào cổng chợ. Người đi mua sắm đã bắt đầu đông đúc.
Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh mặt hàng trái cây cho biết: “Năm nay không dám nhập hàng nhiều vì tiên lượng sức mua giảm. Một phần do dịch giã, một phần do lượng trái cây kẹt biên không xuất khẩu được nên dội về khá cao tạo điều kiện cho đội quân bán trái cây dạo phát triển dày đặc…”.
2. Người ta nói Tết vui nhất những ngày cuối tháng Chạp. Ai đã từng dạo phố đêm Đà thành rộn rã vào quãng thời gian đó sẽ không thể nào quên cái cảm giác sống chậm lại giữa những ngày nhộn nhịp. Chạy xe thật chậm trên ngõ phố thân quen, hòa mình vào dòng xe rộn rã chỉ để biết mình đang sống trong mùa xuân của quê hương.
Đêm Đà Nẵng lúc đó duyên dáng đến lạ kỳ với đường Ông Ích Khiêm vắt ngang phố cùng những cửa hàng điện máy rực rỡ sắc xuân. Cửa hàng nào cũng lấp lánh ánh đèn nhiều sắc màu và những dây đèn nhấp nháy như sao sa. Trẻ con xúng xính theo cha mẹ sắm quần áo mới trên phố thời trang Lê Duẩn.
Năm nay, áo dài truyền thống thịnh hành trở lại mang theo thông điệp mùa xuân an yên. Nhiều cửa hàng bán áo quần may sẵn đều chọn trưng bày hàng mẫu là các bộ áo dài trẻ con rực rỡ màu sắc như những cánh bướm xuân. Thời trang áo dài mẹ và bé cũng được các nhà thiết kế khai thác triệt để góp phần làm nên một mùa xuân mang đậm tâm hồn Việt. Tưởng tượng rằng, một sớm xuân đầy nắng, bầy trẻ xúng xính áo dài theo mẹ đi chúc Tết ông bà nội ngoại, đi lễ chùa. Tiếng cười nói rộn ràng khiến bức tranh xuân càng thêm đậm đà màu Tết.
Không khí mua sắm chuẩn bị vui xuân đón Tết không chỉ tràn ngập trên các phố nội thành mà còn lan ra đến vùng ngoại ô. Chị Nguyễn Thị Trang, chủ một sạp quần áo bên hông chợ Cẩm Lệ, vừa nở nụ cười cảm ơn hai mẹ con đã ghé mua một chiếc áo đầm mới cho bé gái tầm 6 tuổi, lại đon đả đón một khách khác đến xem một mẫu áo mới.
Chị “bật mí”: “Khách đến chợ Cẩm Lệ phần lớn là sống ở vùng giáp ranh giữa phố và quê nên mình nhập hàng chi về cũng phải tính đến cái cách chọn lựa của họ để không bị ế”.
Đêm xuân ở thành phố trôi đi thật nhẹ ở đôi bờ sông Hàn. Con đường Bạch Đằng chạy dài đến cuối sông với các chuỗi nhà hàng, cà phê đẹp nền nã đem đến cho dòng sông một vẻ đẹp huyền ảo đến lạ. Tiếng nhạc xuân du dương buông nhẹ theo dòng nước lấp lánh ánh đèn phố thị khiến những ưu tư phiền muộn tan theo bọt nước. Nhiều du khách đến Đà Nẵng trong dịp gần Tết thích thú cho rằng: “Ngắm nhìn sông Hàn vào đêm xuân tịnh yên quả là một trải nghiệm thú vị!”.
3. Đón xuân năm nay, người dân thành phố lại nhận thêm một tin vui khi Vườn tượng APEC mở rộng đưa vào sử dụng. Thêm một điểm nhấn kiến trúc bên dòng sông Hàn thơ mộng, kết nối tuyến phố đi bộ Bạch Đằng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, đường Trần Hưng Đạo với biểu tượng cánh diều bay cao trên bầu trời xanh. Không ít người dân háo hức được trải nghiệm cảm giác hòa mình vào không gian xanh, thân thiện và bình yên đến nao lòng trong một mùa xuân mới đầy hy vọng.
Những ai đã từng ôm vào lòng con sông Hàn đầy kỷ niệm sẽ rất vui khi đón nhận thông tin thành phố tiếp tục triển khai dự án chiếu sáng nghệ thuật ở đôi bờ. Rồi đây, con sông Hàn chảy giữa lòng thành phố đêm đêm sẽ hóa thân thành dòng sông ánh sáng lung linh huyền ảo đầy khát vọng, để thương để nhớ cho bao người.
Tết năm nay người dân thực hiện quy định 5K để phòng Covid-19. Nhưng không vì thế mà không khí đón xuân bớt đi phần vui tươi háo hức. Phố xá vẫn tràn ngập sắc xuân, có chăng là con người sống chậm hơn, sâu lắng hơn để cảm nhận được ý xuân về trên thành phố.
NHƯ HẠNH