KHỞI NGHIỆP TRẺ

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

.

Thay vì bằng lòng với một công việc ổn định, nhiều thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp để tìm kiếm cơ hội thành công.

Anh Hứa Văn Hiếu (SN 1993) thành lập Công ty TNHH TM&DV 3 Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vào cuối năm 2020, chuyên in, thiết kế đồng phục, áo thun theo yêu cầu. Trong ảnh: Anh Hứa Văn Hiếu đang giám sát quy trình in họa tiết để ép lên áo. Ảnh: M.H
Anh Hứa Văn Hiếu (SN 1993) thành lập Công ty TNHH TM&DV 3 Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vào cuối năm 2020, chuyên in, thiết kế đồng phục, áo thun theo yêu cầu. TRONG ẢNH: Anh Hứa Văn Hiếu đang giám sát quy trình in họa tiết để ép lên áo. Ảnh: M.H

Để tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian qua, Thành Đoàn cùng các Quận, Huyện Đoàn trên địa bàn thành phố đã có nhiều chương trình, hành động thiết thực, đồng hành, hỗ trợ thanh niên.

Mạnh dạn làm giàu

Sau khi tốt nghiệp THPT, Hứa Văn Hiếu (SN 1993, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) trải qua nhiều nghề rồi mạnh dạn thành lập Công ty TNHH TM&DV 3 Cường (đóng trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc) chuyên in, thiết kế đồng phục, áo thun theo yêu cầu vào cuối năm 2020.

Hiếu cho hay, anh từng đặt mục tiêu thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) nhưng không đậu. Năm 2019, Hiếu bén duyên với nghề in, thiết kế thời trang, theo học nghề 1 năm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Song song đó, Hiếu xin làm thêm ở những công ty chuyên in, thiết kế đồng phục để trau dồi kỹ năng.

Về Đà Nẵng, Hiếu bày tỏ ý định mở công ty chuyên in, thiết kế đồng phục, áo thun; trong gia đình anh có người ủng hộ, có người không. Nhưng rồi Hiếu dần thuyết phục được gia đình. Anh lập công ty bằng chính số tiền tích cóp được sau nhiều năm đi làm và một phần được gia đình hỗ trợ.

Đến nay, sau hơn 1 năm, doanh thu của công ty tăng gấp 3 lần so với thời gian đầu. “Từ những đơn hàng đầu tiên do người thân, bạn bè ủng hộ, công ty của tôi hiện vẫn ở quy mô nhỏ nhưng có lượng khách hàng tương đối ổn định. Đoàn phường Hòa Cường Bắc đã hỗ trợ rất nhiều khi kết nối giúp tôi nhiều đơn hàng lớn; hỗ trợ, động viên tôi trong những ngày việc kinh doanh bị ảnh hưởng Covid-19. Tôi dự kiến 3 năm nữa sẽ mở rộng kinh doanh, trang bị thêm máy in, máy ép, máy vi tính để phục vụ những doanh nghiệp lớn hơn, hướng đến sự chuyên nghiệp hơn”, Hiếu chia sẻ.

Còn Nguyễn Thành Cảnh (SN 1987, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), chọn khởi nghiệp với mô hình nuôi tôm sú giống vào giữa năm 2017 khi nhận thấy địa phương có thế mạnh về điều kiện tự nhiên, phù hợp với mô hình này. Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng.

Trong 2 năm đầu, Cảnh thuê kỹ thuật viên về hỗ trợ. Sau hơn 4 năm, hiện trang trại của Cảnh có 12 bể nuôi, 4 bể ươm và cho tôm đẻ trứng với sản lượng trung bình 15 triệu con tôm giống/năm. Cảnh luôn đặt vấn đề xử lý môi trường bể nuôi lên hàng đầu; nhờ đó, tôm giống phát triển khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao.

“Tuy trang trại của tôi còn khá nhỏ nhưng được nhiều người tin tưởng tìm đến mua tôm giống và hợp tác lâu dài. Doanh thu trung bình hằng năm từ 100-200 triệu đồng. Trong quá trình nuôi tôm giống, đôi lúc tôi gặp rủi ro vì bị động nguồn nước biển. Thời gian tới, tôi dự kiến vay thêm vốn để đầu tư nguồn nước biển độc lập cho trang trại và đầu tư thêm kỹ thuật nuôi tôm giống”, Cảnh cho biết.

Trong khi đó, Lê Bá Tánh (SN 1995, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) chọn khởi nghiệp từ niềm đam mê quay phim, nhiếp ảnh. “Tôi có ý định khởi nghiệp khi còn là sinh viên thiết kế đồ họa. Tôi thường xuyên trau dồi thêm kỹ năng quay, chụp, chỉnh sửa hình ảnh...”, Tánh cho hay.

Ban đầu, Tánh làm freelancer (làm việc tự do), đến giữa năm 2020 mở Leeta Studio (đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu). Hiện thu nhập của anh khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Trong chặng đường lập nghiệp của anh có sự đồng hành, hỗ trợ của Đoàn phường Hòa Khánh Bắc và Quận Đoàn Liên Chiểu. Các đơn vị này đóng vai trò “bà đỡ” bằng việc mời Leeta Studio quay, chụp những sự kiện, hoạt động Đoàn...

Nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên

Đồng hành đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong lập thân lập nghiệp, thời gian qua, Quận Đoàn Liên Chiểu thường xuyên phối hợp Phòng Kinh tế quận tổ chức các buổi trao đổi định hướng nghề nghiệp, việc làm cho ĐVTN khu dân cư nhằm từng bước thiết lập các tổ học nghề, tổ chức giới thiệu việc làm ngành nghề theo sở thích để mở lớp tập huấn cho phù hợp với từng đối tượng.

Bên cạnh đó, Quận Đoàn phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận giới thiệu hơn 1.500 ĐVTN vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn quận. Định kỳ Quận Đoàn làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội quận về việc tín chấp, giới thiệu, hướng dẫn cho ĐVTN được vay vốn để sản xuất, chăn nuôi...

Ngoài ra, tổ chức cho ĐVTN tham gia học nghề, tham quan các lớp dạy nghề tại Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu, hội chợ việc làm; thành lập và duy trì CLB Khởi nghiệp; tổ chức lớp khởi sự doanh nghiệp hằng năm. Quận Đoàn cũng đăng tải, chia sẻ thông tin về nghề nghiệp, việc làm, hội chợ việc làm... qua fanpage của Quận Đoàn; xây dựng bảng thông tin hỗ trợ, tư vấn việc làm tại các trường THPT trên địa bàn quận; cung cấp thông tin về tuyển sinh, tư vấn việc làm cho ĐVTN.

Anh Huỳnh Thanh Bình, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu nhìn nhận: “Có thể nói, phong trào thanh niên khởi nghiệp hiện nay được các ĐVTN quan tâm và bước đầu đạt kết quả tốt. Nhiều mô hình hay với mức đầu tư thấp, lợi nhuận cao được các bạn tìm hiểu, học tập và sáng tạo. Các mô hình tạo ra nguồn thu nhập chính đáng, đồng thời giải quyết nhiều công việc cho lao động, thanh niên địa phương”.

Tại quận Hải Châu, phong trào thanh niên khởi nghiệp cũng được Ban Thường vụ Quận Đoàn quan tâm, khuyến khích và đồng hành. Để phong trào thanh niên khởi nghiệp lan tỏa và có chất lượng hơn, theo anh Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu: “Yếu tố quan trọng đầu tiên là kiến thức. Cần trang bị cho ĐVTN kiến thức về khởi nghiệp, kiến thức chuyên môn liên quan ngành nghề khởi nghiệp và những kỹ năng cần thiết… Thứ hai là vốn. Cần hỗ trợ vốn cho ĐVTN để họ có thêm điều kiện yên tâm khởi nghiệp và mở rộng mô hình khởi nghiệp. Thứ ba là cần kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi về chính sách như giấy phép, thuế, nguồn lực lao động..., để các mô hình phát triển”.

Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành Đoàn nhìn nhận: “Phong trào khởi nghiệp của thanh niên tiếp tục có những bước chuyển mình với những đề tài, dự án được áp dụng thực tế. Thời gian đến, các cấp bộ, ngành cần tổ chức thêm nhiều sân chơi hơn để các dự án khởi nghiệp có cơ hội cọ xát, hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm nhiều khóa đào tạo cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm cần mở rộng các khóa ươm tạo cho các dự án thanh niên, sinh viên đã hình thành, giúp các dự án hoàn thiện hơn về mặt công nghệ và kinh doanh, cũng như hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư”.

Trong 5 năm (2016-2021), Thành Đoàn đã hỗ trợ 46 dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên; Quận Đoàn Liên Chiểu hỗ trợ 8 dự án khởi nghiệp của thanh niên; Quận Đoàn Hải Châu và các cơ sở đoàn trên địa bàn quận hỗ trợ hơn 100 dự án khởi nghiệp của thanh niên.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.