Đà Nẵng cuối tuần
Giá dầu từ mức âm đến vượt ngưỡng 100 USD/thùng
Ở thời điểm này, khi giá dầu thế giới duy trì nhiều ngày ở mức hơn 100 USD/thùng, dư luận càng cảm thấy sự trớ trêu của thị trường khi nhớ lại hồi giữa tháng 4-2020, giá một thùng dầu West Texas có lúc ở mức âm vì người bán phải trả tiền để xả bớt hàng.
Giá nhiên liệu hiển thị trên bảng điện tử tại New York (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Ngày 23-2, lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đạt mức 100 USD/ thùng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngày 24-2, giá dầu thế giới đã tăng vượt ngưỡng 105 USD/thùng. Nhìn từ góc độ thị trường dầu mỏ, xung đột Nga - Ukraine là xung đột giữa nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới với một đất nước ở trung tâm của mạng lưới hạ tầng xuất khẩu dầu mỏ. Nỗi lo xung đột quân sự có thể gây gián đoạn nguồn cung, cộng thêm thực tế là nhu cầu năng lượng đã vượt quá khả năng đáp ứng tức thời của nhà sản xuất, khiến giá nhiên liệu tăng lên mau chóng.
Bùng nổ và suy thoái
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ dầu toàn cầu vào năm ngoái đã nhiều hơn nguồn cung khoảng 2,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Năm nay, mức tiêu thụ dự kiến cũng sẽ nhiều hơn so với năm 2019, tức thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Các nhà cung cấp dầu mỏ đang vét cạn nguồn dự trữ để đáp ứng nhu cầu, trong khi nhiều nước mua dầu hối thúc các công ty như Shell tăng thêm nguồn hàng cung cấp.
Thực tế, một chu kỳ bùng nổ và suy thoái như vậy vẫn thường xảy ra trong lịch sử thị trường dầu mỏ thế giới. “Nếu quý vị nhìn lại thời của dầu cá voi (whale oil), dầu đã là câu chuyện của bùng nổ và suy thoái”, ông Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp tại tập đoàn Price Futures tại Chicago (Mỹ) nói. “Đó là một chu kỳ kiểu từ đỉnh cao đến vực sâu và thường khi đã chạm tới đáy vực thì hãy sẵn sàng cho việc đỉnh cao không còn ở xa phía trước nữa đâu”, chuyên gia này nói tiếp.
Lúc làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump lo ngại nguy cơ sụp đổ hoạt động của các hãng khai thác dầu nội địa tới mức trong cuộc điện đàm hồi tháng 4-2020 với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo này đã phát đi “tối hậu thư”: Nếu Riyadh không cắt giảm sản lượng, họ sẽ đối mặt nguy cơ Mỹ rút quân khỏi vương quốc này.
Thực tế, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây phải chật vật ứng phó với tình trạng giá nhiên liệu tăng, đe dọa làm chệch hướng đà vực dậy kinh tế sau hai năm đại dịch.
Tác động của chính sách
Tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới còn có sức ép từ nhà đầu tư và các chính phủ ngày càng tăng với các nhà sản xuất dầu về việc cắt giảm phát thải để chống biến đổi khí hậu. Giữa tháng 5-2021, IEA nói rằng, nếu các chính phủ mong muốn ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng trái đất nóng lên thì không nên đầu tư mới vào các dự án dầu mỏ và khí đốt lớn. Thông điệp này rõ ràng là một sự thay đổi “180 độ” của một tổ chức như IEA vốn lâu nay được nhìn nhận như đơn vị đi đầu trong việc thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch.
Các chính sách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng khiến nhiều hãng dầu lớn của châu Âu ngần ngại hơn khi đầu tư tăng sản lượng. Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (còn gọi là OPEC+) cũng không còn tiền để duy trì hoạt động của các giếng dầu vì Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của họ. Hơn nữa, các nước OPEC+ hiện không thể tăng sản lượng như mong muốn. Trong khi đó, những nước có năng lực sản xuất dầu dồi dào như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng không muốn đi quá giới hạn đã đặt ra trong các thỏa thuận chia sẻ nguồn cung của nhóm OPEC+.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden dù chủ trương chống biến đổi khí hậu, nhưng cũng muốn người tiêu dùng không phải đối mặt với giá xăng dầu tăng quá cao (kéo theo giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng). Washington đang khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng, đồng thời kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu cho thị trường.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Reuters, Financial Times, The Hill)