1. Đã là 21 năm ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn về với cát bụi. Biết bao bài báo và sách viết về Trịnh và nhạc Trịnh. Mỗi thế hệ có cách cảm nhận về âm nhạc của thời mình, nhưng với Trịnh, âm nhạc ấy là mẫu số chung.
Một quán cà phê tại Đà Nẵng tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn nhân 21 năm ngày mất của ông 1-4-2001 - 1-4-2022. |
Khi mỗi người trong ta có nhau, dễ dàng tìm thấy trong Trịnh biết bao điều da diết. Hình như Trịnh nói hộ lòng ta hết thảy những yêu thương, ngợi ca và trăn trở. Có chút buồn nhưng không bi ai, có niềm vui nhưng không dễ dãi cảm xúc. Có thể đông người và cũng có thể chỉ một mình trong im lặng, ta càng hiểu hơn “Vì em đã mang lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia...”. Trịnh đã như nắng mưa bốn mùa ân cần cho mỗi tâm trạng, cho mỗi tấm lòng, cho sự khát khao và cả điều day dứt. Có ai cùng thời mà chưa một lần thấy lòng mình thênh thang khi thầm thì một đôi lời của Trịnh. Trịnh có cho tất cả và Trịnh cũng dành riêng cho mỗi người. Năm 2000, khi con người bước vào thiên niên kỷ mới, đài truyền hình NHK của Nhật phát ca khúc Diễm xưa của Trịnh trong giây phút giao thừa. Không biết người ta dịch lời của Diễm xưa ra tiếng Nhật như thế nào, nhưng ai cũng cảm được sự gần nhau của lòng bao dung bởi âm nhạc, đã nối lại những con người, dù xa lạ món ăn, giấc ngủ.
Thật lạ lùng bởi nhạc Trịnh da diết như một xúc động tự nhiên cho lòng biết yêu thương hơn cuộc sống này. Những năm gần đây “Đóa hoa vô thường” còn hơn một bản nhạc, một dấu ấn nội tâm, nhiều người đã nghe và xem không biết bao nhiêu lần, hình ảnh những hạt sen tinh khôi kết thành chuỗi, chiếc thuyền con trong sương sớm với những sen hồng từng nụ như sự chắt lọc tinh khiết ngưng tụ của đất trời, từng giọt sương long lanh đọng trên từng lá sen xanh biếc để con người biết sự có và không của cuộc đời. Để con người được “Tìm ngày tinh khôi/ Tìm chim trong đàn/ Ngậm hạt sương bay/ Tìm lại trên sông/ Những dấu hài”.
Trịnh để lại hơn 600 bài hát. Nhiều, ít? Điều này có lẽ chẳng quan trọng, bởi Trịnh là cả một tâm trạng, một sự có mặt, một sự sẻ chia. Chân thành với cuộc đời như với chính số phận mình.
2. Những ngày này, giới mộ điệu lại bồi hồi ngóng chờ những đêm nhạc Trịnh. Hai mươi mốt năm nhạc sĩ tài hoa đã bỏ cuộc chơi ở nơi trần thế và thong dong tự tại ở một cõi thức nào đó để tự ru cho mình những bản tình khắc khoải. Bài hát nào của ông, cho dù giai điệu có ngân nga, vang lên thánh thót vẫn rơi rớt đâu đó giữa chừng ca từ thấm đẫm nỗi buồn, cô đơn của những phận đời nhỏ nhoi, lặng lẽ.
Những ca khúc của ông đều mang màu sắc của tình yêu bên cạnh những thân phận người rất đáng để suy ngẫm. Nếu ai đã từng đọc qua những bức thư tình ông viết cho Dao Ánh sẽ thấy điều này. Cái cách mà ông cư xử với tình yêu của mình, thật lạ lùng, kỳ lạ nhưng thao thiết đến quặn đau. Nó chất chứa trong mình một phần của lo toan, một phần ích kỷ. Nhưng là cái ích kỷ ông nhận về mình, còn lại, bao yêu thương đong đầy là thì trao hết cho người. Ông chỉ “xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài”... Chỉ đôi lúc, ông thốt lên tiếng thở than, như để tự ru mình trong sự hoang hoải bời bời của thứ tình được ông xếp vào hàng nhất của cuộc đời mình.“Em đi bỏ lại con đường/ Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em/…/Bỏ mặc vui buồn, bỏ mặc ai/Bỏ mặc chân không, bỏ mặc người/ Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé/Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi”. Trịnh từng ví mình chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo. Có lẽ vì vậy mà những ca từ cất lên từ trái tim Trịnh luôn mang màu sắc hiện sinh buồn bã. Người ta nhìn thấy nỗi buồn man mác hư vô của những Jean Paul Sartre, Albert Camus trong giai điệu trầm buồn, nhưng thấp thoáng vẫn có những niềm hân hoan khó tả “có người lòng như khăn mới thêu”…
Ai rồi cũng có lúc phải đi “theo lời thiên thu gọi”. Ai rồi cũng có lúc cất tiếng ru cho đời đã mất. Những ý niệm về đời sống vô thường luôn hiện hữu trong những ca từ hư hao gầy guộc nhưng vô cùng độc đáo của Trịnh. Chất thiền, tư tưởng thiền định cũng ít nhiều góp mặt trong những lời ca về cuộc đời, nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng đầy tính suy ngẫm, nghe là thấm cả một đời. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” Sau bao nhiêu thập kỷ, người ta nghe Trịnh, quý Trịnh bởi những ca khúc đầy tính nhân văn của ông. Hơn nữa, nhân sinh quan trong mắt nhìn cuộc đời của ông phù hợp với số đông và các tầng lớp trí thức lẫn bình dân đều có thể cảm thụ được.
Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã rong chơi xứ khác hơn hai mươi năm. Dòng sông của Trịnh đã qua đời. Nhưng dòng sông ấy vẫn chảy len lỏi trong từng huyết mạch của những người yêu nhạc Trịnh. Những đêm nhạc của ông vẫn đều đặn diễn ra hằng năm, kéo dài từ tháng có sinh nhật ông đến đầu tháng Tư, kỷ niệm ngày ông mất.
Triệu trái tim tha thiết rơi lệ ru người. Đã có lúc ông tỏ ra lo lắng “nghe tên mình vào quên lãng”. Nhưng không, dù ông đã in dấu chân lên chốn địa đàng, nhưng tin rằng, ông vẫn ngồi đâu đó góc này, góc kia để khoan thai cất lời ru tình, ru người, ru đời.
Ru cho trăm năm, ru mãi ngàn năm…
THU TRẦN - HUYỀN TRANG