Đà Nẵng cuối tuần

CHỢ ĐÔ THỊ

Đi chợ trực tuyến

14:01, 22/05/2022 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm dịch bệnh, người tiêu dùng dần thay đổi cách mua hàng truyền thống sang hiện đại bằng hình thức trực tuyến (online). Nhiều siêu thị, cửa hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bằng việc xây dựng các trang web, app, fanpage, lập các nhóm zalo… để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng.

Nhân viên siêu thị Danavi Mart tổng hợp các đơn đặt hàng trực tuyến.  Ảnh: THANH TÌNH
Nhân viên siêu thị Danavi Mart tổng hợp các đơn đặt hàng trực tuyến. Ảnh: THANH TÌNH

Với việc đi chợ trực tuyến, người tiêu dùng chỉ cần nhấp chuột hoặc một vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động thì có thể dễ dàng mua sắm những thứ cần thiết, thanh toán đơn hàng mà không phải chi trả tiền mặt.

Thay đổi thói quen

Hơn 2 năm nay, chị Trần Thị Cẩm Uyên (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thành thạo việc mua sắm trực tuyến. Với chị Uyên, 80-90% các mặt hàng thiết yếu hằng ngày được chị mua qua mạng, 10-20% còn lại chị tranh thủ mua lúc ra ngoài giải quyết công việc. “Việc mua hàng trực tuyến không những nhanh gọn mà giá cả còn rẻ hơn so với mua tại các siêu thị, cửa hàng, nhờ tôi “săn” được nhiều mã giảm giá. Ngoài ra, chúng tôi thường được nhân viên giao hàng tận nơi mà không mất phí. Việc đi chợ trực tuyến còn giúp những bà mẹ bỉm sữa như tôi tiết kiệm thời gian để ở nhà chăm sóc con nhiều hơn”.

Cũng theo chị Uyên, việc mua sắm trực tuyến rất đơn giản, người mua chỉ cần vào các trang mua sắm trên sàn thương mại điện tử hoặc các trang web, app, fanpage của các siêu thị, cửa hàng để chọn những thứ mình cần rồi bấm nút đặt hàng/đặt mua. Có thể tham khảo các đánh giá của khách hàng đã mua trước đó, nếu lượt đánh giá cao, có nhiều “sao” thì có thể an tâm chọn.

Chị Ngô Thị Quỳnh Nga (quận Hải Châu) trước đây thường chọn mua hàng tại các chợ truyền thống. Khi lập gia đình, có con, chị Nga bận rộn hơn nên chọn đi chợ trực tuyến qua các trang Shopee, Lazada; có khi chị đi chợ bằng việc chọn hàng và nhắn tin qua Zalo của Co.opMart Đà Nẵng.

Trong khi đó, chị Phan Nguyệt Anh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) thường đi chợ trực tuyến trên ứng dụng Grab rồi thanh toán qua ví điện tử Moca. Khi thanh toán còn được cộng điểm thưởng, đổi ưu đãi nhờ GrabRewards (dịch vụ tích điểm thưởng).

Đón đầu xu hướng, đáp ứng nhu cầu khách hàng

Bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Danavi Mart cho hay, đi chợ trực tuyến là xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn. Vì thế, siêu thị không ngừng chú trọng đầu tư các kênh bán hàng trực tuyến như xây dựng trang web bán hàng, hình thành E-shop qua nền tảng zalo, mở các fanpage, đặt hàng qua điện thoại... Trên các kênh bán hàng này, Danavi Mart thường xuyên cập nhật các bài viết về sản phẩm mới; xây dựng các chương trình khuyến mại tri ân khách hàng; hỗ trợ phí giao hàng; tặng quà, giảm giá khi mua hàng... để thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm.

Bà Yến cũng nhìn nhận, hàng hóa trên nền tảng trực tuyến chưa phong phú bằng mua sắm trực tiếp tại siêu thị, việc giao hàng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về thời gian…, nhưng khi mua hàng trực tuyến, khách hàng tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian và có thể so sánh giá cả trên thị trường. Trong thời điểm dịch bệnh, có ngày Danavi Mart nhận và giao từ 1.000 - 2.000 đơn hàng.

Là thương hiệu nước mắm lâu đời, Hương Làng Cổ chỉ tập trung bán hàng tại các tạp hóa và chợ truyền thống. Song, những năm gần đây, Hương Làng Cổ chú trọng việc thay đổi cách thức kinh doanh sang hình thức trực tuyến.

“Chúng tôi mua tên miền, phát triển trang web và fanpage để phục vụ khách hàng đặt hàng trực tuyến. Nếu trước đây khách hàng của Hương Làng Cổ chủ yếu là khách quen tại các chợ thì nay lượng khách hàng phát triển mới qua các kênh trực tuyến tăng trên 50%. Từ khi triển khai bán hàng trực tuyến, bình quân mỗi ngày thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ nhận và giao hơn 300 đơn hàng”, ông Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) bày tỏ.

Hương Làng Cổ cung cấp thông tin về thương hiệu và sản phẩm trên trang web; có nhân viên trực trả lời tin nhắn, điện thoại của khách hàng và giao hàng kịp thời cho khách trong thành phố trong thời gian 24 giờ. “Việc bán hàng trực tuyến giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng nhanh hơn, cung cấp đầy đủ thông tin cũng như dễ chăm sóc khách hàng hơn. Tuy nhiên, với phương thức bán hàng, việc tiếp cận khách hàng lớn tuổi còn hạn chế; việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành tốn chi phí nhiều và mất thời gian hơn. Dù vậy, đây vẫn là cách thức, xu thế được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn”, ông Phú bộc bạch.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (quận Cẩm Lệ) có thương hiệu từ rất lâu đời và được người dân địa phương cũng như du khách thập phương tin tưởng. Song song với phương thức kinh doanh truyền thống, cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua hình thức trực tuyến. Ông Huỳnh Đức Sol, quản lý cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ nhìn nhận: “Từ khi bán hàng trực tuyến, khách hàng biết đến sản phẩm bánh khô mè nhiều hơn, từ đó giúp gia tăng nhận biết thương hiệu đến đông đảo khách hàng, được người tiêu dùng cả nước biết đến và thường xuyên đặt hàng. Hiện cơ sở thường xuyên chuyển hàng đi các tỉnh, thành trong cả nước thông qua các dịch vụ chuyển phát của Viettel, Bưu điện…”.

Theo cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, việc kinh doanh trực tuyến hiện chiếm khoảng 20% số đơn hàng tại cơ sở. “Khi bán hàng trực tuyến, chúng tôi quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến được nhiều đối tượng hơn, đa dạng sản phẩm, thời gian giao hàng và các hình thức thanh toán cũng linh hoạt hơn tùy yêu cầu của khách. Để kích cầu tiêu dùng, cơ sở hiện áp dụng giảm giá 10% cho khách hàng đặt hàng qua trang web. Ngoài ra, với các khách hàng trong địa bàn thành phố, cơ sở miễn phí vận chuyển”, anh Sol cho biết.

Báo cáo hằng năm “SYNC Southeast Asia” (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ) công bố hồi tháng 11-2021 cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, cứ 10 người tiêu dùng thì có 7 người truy cập kỹ thuật số và có 53 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số vào cuối năm 2021. Số danh mục hàng hóa được người mua sắm trực tuyến Việt Nam mua trong năm 2021 tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam tăng 40% so năm 2020. Mức mua sắm trực tuyến cho từng nhóm hàng cũng tăng gần gấp đôi, đặc biệt nhóm hàng Chăm sóc cá nhân và Làm đẹp đạt hiệu quả thâm nhập thị trường trực tuyến gấp 3 lần.

THANH TÌNH

 

.