Đà Nẵng cuối tuần

CHỢ ĐÔ THỊ

Hương vị quê giữa chợ

08:22, 22/05/2022 (GMT+7)

Sống giữa thành phố nhưng nhiều gia đình vẫn giữ thói quen đi chợ sớm mua mớ rau, con cá hoặc những loại rau củ mang hương vị quê nhà. Cứ thế, tình cảm của bao người con xa xứ dành cho món ăn ngày thơ bé đã giúp những chuyến hàng từ quê về phố đều đặn mỗi ngày.

Nhiều người tìm đến chợ Hàn để mua những món ăn mang hương vị quê nhà. Ảnh: V.L
Nhiều người tìm đến chợ Hàn để mua những món ăn mang hương vị quê nhà. Ảnh: V.L

Ở chợ, những mẹt hàng quê vẫn đủ đầy quả ớt sừng trâu, vài bó rau sam, rau cải, rau mồng tơi, quả cà tím… hái từ vườn nhà. Giữa không khí thân tình đó, người bán hàng sẵn sàng giúi vào tay bạn một nhúm lá nén, nếu biết rằng hôm nay bạn vừa mua được mớ cá cấn tươi ròng…

1. Để có mặt tại chợ Đầu mối Hòa Cường 5 giờ 30 hằng ngày, chị Võ Thị Phương (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thức dậy từ 3 giờ sáng và vượt chặng đường hơn 40 cây số với chiếc xe máy chất đầy rau củ.

Chất quê trên xe hàng của chị Phương đến từ mớ rau xanh, rau gia vị, bắp nếp, ớt sừng trâu, búp chuối sứ, khoai lang khô, đu đủ, hành, nén, chanh… thu mua từ người dân khu vực Bàu Tròn, vùng chuyên canh rau củ lớn nhất huyện Đại Lộc. Thỉnh thoảng có khách quen đặt gà mái tơ nấu mì Quảng, chị nhiệt tình mua từ quê mang ra.

Những bó rau được chị Phương cột bằng dây chuối, xếp chồng lên nhau. Mỗi thứ một ít nhưng phong phú, đủ đầy. Chị cho hay, người sành ăn, có kinh nghiệm lội chợ nhìn qua sẽ biết đó có phải rau quê hay không. “Lá của rau quê nhỏ, thơm và tươi do mới hái từ chiều hôm trước để mang ra chợ sáng hôm sau. Rau tươi sẽ giữ được vị giòn ngọt, ăn ngon và giàu dinh dưỡng hơn”, chị Phương cho hay.

Cách đó không xa, gian hàng của chị Trần Thị Hồng (quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bày bán gừng, nghệ, khoai lang, bắp nếp, bánh ít lá gai, cà tím, bí đao, mướp hương, nấm rơm… Chị Hồng cho biết, hàng hóa được chị thu mua hằng ngày từ phiên chợ nông sản thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) chở ra đây bán. Hết buổi chợ, chị thu dọn hàng hóa, chạy xe mấy chục cây số trở về nhà.

Ngày cuối tuần, những sạp hàng quê của chị em tiểu thương tỉnh Quảng Nam chộn rộn người mua, kẻ bán. Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) nói để mua được đồ quê ngon, chị phải đi chợ từ 7 giờ sáng. Để có nồi cá cấn kho “đúng điệu”, chị Hồng Thu tìm thêm bó nén còn nguyên lá, củ và một vài lá nghệ từ những gánh hàng quê. Thường những bữa ăn như vậy, chị sẽ chiêu đãi cả nhà thêm đĩa rau sam, rau dền luộc chấm mắm nêm.

Ở chợ, những quầy rau xanh vẫn đủ đầy quả ớt sừng trâu, vài bó rau sam, rau cải, rau mồng tơi, quả cà tím… hái từ vườn nhà. TRONG ẢNH: Một quầy hàng tại chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà.Ảnh: T.Y
Ở chợ, những quầy rau xanh vẫn đủ đầy quả ớt sừng trâu, vài bó rau sam, rau cải, rau mồng tơi, quả cà tím… hái từ vườn nhà. TRONG ẢNH: Một quầy hàng tại chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà.Ảnh: T.Y

2. Là người Huế, mỗi khi thích ăn cơm hến hay canh chua nấu trìa, anh Trần Văn Ngọc (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) qua tận chợ Đống Đa để mua. Theo anh Ngọc, tại Đà Nẵng, chỉ có chợ Đống Đa mới bày bán đầy đủ gia vị và rau thơm xứ Huế. Ví như với món cơm hến, anh có thể mua tại đây tất tần tật nguyên liệu từ hến, sả, gừng, ruốc, tóp mỡ, rau thơm, dọc mùng đến giá đỗ. Giá đỗ làm theo công thức người Huế khá ngắn, mập tròn, ăn giòn ngọt. Chưa kể thẩu ruốc ăn cơm hến phải là ruốc Huế, nếu không sẽ mất đi hương vị đặc trưng, quen thuộc của món ăn này.

Chợ Đống Đa có gần 40 tiểu thương gốc Huế bày bán các mặt hàng mang hương vị quê nhà. Bà Nguyễn Thị Hạnh buôn bán tại chợ này gần 30 năm nay, sạp hàng vẫn bình dị với rổ hến đầm phá Tam Giang, mấy bó nén, thẩu dưa, tôm chua, me đất, rau thơm Huế lẫn thau trìa, dưa môn vàng ươm.

Sinh ra tại xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Hạnh nói nết ăn uống của người Huế dù xa quê mấy chục năm vẫn không bỏ được. Như ăn thịt heo luộc, người Quảng Nam, Đà Nẵng có thể ăn với rau sống chấm nước mắm nhưng người Huế nhất định phải ăn kèm với quả vả, kẹp rau thơm chấm mắm tôm hoặc mắm rò.

Tương tự, với món bún bò Huế, khi nấu nước dùng nhất định phải là cây sả tím, thân nhỏ, thơm và chén nước ruốc theo công thức Huế; rau sống phải có rau má, giá nù và rau thơm trồng ở các dải đất dọc khu vực đầm phá Tam Giang. Đó cũng là lý do người Huế thường gắn chữ “Huế” vào mỗi món ăn hay gia vị để phân biệt rạch ròi với vùng miền khác, như bún bò Huế, ruốc Huế, mắm rò Huế, rau thơm Huế…

Hàng hóa bày bán ở sạp hàng bà Hạnh đều lấy từ Huế. Bà nói, loại trìa ở đầm phá Tam Giang kích thước nhỏ, màu vàng ươm, người gốc Huế thường ghé mua về nấu canh chua hoặc cháo, xào lá lốt. Cận Tết, bà lấy thêm mứt gừng, mứt nghệ, mứt hạt sen và các loại nước mắm, mắm cá rò, kiệu, ớt bột để làm phong phú gian hàng. Đến mùa, Huế có thứ gì ngon là bà Hạnh mang vào Đà Nẵng thứ đó. “Mấy thứ ni ngó rứa mà ăn hao cơm lắm. Có người chỉ chờ đến mùa kiệu Huế để mua, họ nói kiệu ni bụng chắc, thơm giòn chứ không to mềm như những giống kiệu cao sản”, bà Hạnh bộc bạch.

Hơn 10 năm rời Huế vào Đà Nẵng định cư, anh Ngọc xem ngôi chợ này là nơi giúp mình hoài niệm những món ngon xứ Huế. “Chợ Đống Đa như một góc thu nhỏ của người Huế xa quê. Ở ngoài đó có chi, trong ni có nấy. Mỗi khi mua đồ chua ở đây tôi lại nhớ thẩu dưa chua mạ tôi thường muối phục vụ bữa ăn gia đình. Đó còn là hình ảnh bà ra vườn hái trái bầu, xắt mỏng, phơi qua lần nắng rồi ngâm với nước muối pha loãng, sau hai ba hôm sẽ chuyển chua. Thẩu bầu muối nấu canh trìa hoặc canh cá rất ngon, dai, giòn và có độ chua vừa phải”, anh Ngọc chia sẻ.

3. Hương vị quê nhà phảng phất trong những bó rau, củ, gia vị hay vài nguyên liệu đặc trưng là lý do khiến những góc hàng quê tại chợ đô thị được nhiều người yêu thích. Bà Trần Thị Hồng Hạnh (quê quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hiện sinh sống tại phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết mỗi khu chợ đều có vài ba gian hàng người gốc Bắc bán cà pháo, mắm tôm, dưa cải muối chua, khuôn đậu. “Trời mùa hè, ăn bát canh rau đay cua đồng kèm chén cà pháo chấm mắm tôm thì còn gì bằng”, bà Hồng Hạnh hồ hởi nói.

Sinh sống ở Đà Nẵng 7 năm, bà Hồng Hạnh vẫn giữ nết ăn uống của người Hà Nội. Cuối tuần, kiểu gì bà cũng chiêu đãi người thân trong gia đình món bún đậu mắm tôm, bún chả hoặc heo giả cầy, lòng dồi nướng… Muốn thế, bà cất công đi chợ Cồn, chợ Hàn (quận Hải Châu) mua rau kinh giới, mắm tôm, củ riềng và lựa chọn dồi ngon. Hôm nào không thích vào bếp, bà đi thẳng qua chợ Chiều (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) để mua dồi nướng và heo giả cầy làm sẵn. Theo bà, tại khu chợ này có gia đình bán dồi lòng nướng và heo giả cầy sạch sẽ, thơm ngon, đúng vị Bắc.

“Vợ chồng bán hàng này cũng là người Bắc nên nêm nếm vừa miệng, không quá ngọt cũng không quá cay như cách nấu ăn của người miền Trung. Thưởng thức những món này tôi như thấy lại quãng thời gian mình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội”, bà chia sẻ thêm.

Mỗi món ăn vùng miền đều có gia vị và công thức riêng. Theo thời gian, xu hướng tiêu dùng có thể khác đi, nhưng với người xa quê như bà Hồng Hạnh, chợ là nơi bà “gặp lại” những hương vị quê nhà, không chỉ trong ẩm thực, mà còn trong giọng nói vùng miền. Có thể nói, chợ - dẫu xưa và nay - có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại, với nhu cầu người tiêu dùng; song chưa khi nào vắng cảnh góc này người ta bày bán những bó rau quê trồng ở cánh đồng huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), góc kia bán mấy trái vả, rau thơm mang hương vị xứ Huế, và một góc khác dành cho người gốc Bắc mê cà pháo mắm tôm hay dưa cải dầm chua…

Cứ thế, chợ trở thành nơi giao thoa văn hóa vùng miền. Người đến chợ thời gian dài có thể biết thêm vài ba “món tủ” của người vùng khác, biết rau này nấu thế nào cho ngon, cá kia kho thế nào cho chuẩn vị. Với người bán hàng, lời lãi mỗi ngày còn được tính bằng niềm vui họ nhận lại khi bán đi những vị quê cho người-xa-quê.

“ Chợ Đống Đa như một góc thu nhỏ của người Huế xa quê. Ở ngoài đó có chi, trong ni có nấy. Mỗi lần mua đồ chua ở đây tôi lại nhớ thẩu dưa chua mạ tôi thường muối phục vụ bữa ăn gia đình…”

Anh Trần Văn Ngọc, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà

TIỂU YẾN

.