Đà Nẵng cuối tuần
Vui với dế quê
1. Tôi về quê trong ngày cuối cùng của mùa lũ lụt. Chạy xe trên con đường làng rợp bóng tre xanh ven sông Thu Bồn, có lúc tôi dừng lại nhìn một số người hì hục đào xới để bắt những con dế cơm, còn gọi là dế mèn mập mạp đang chui rúc trong lòng đất ở khu vực gần bờ sông. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ lại tuổi ấu thơ đầy khó khăn, vất vả.
Dế mèn có thể ăn tất cả các loại cỏ. Ảnh: khoahoc.tv |
Những thanh niên đào bắt dế cơm với mục đích rất khác lũ trẻ chúng tôi ngày trước. Những chú dế đang nằm gọn trong chiếc giỏ của họ sẽ trở thành các dĩa mồi thơm ngậy trong cuộc nâng ly, chuyện trò vui vẻ, chứ đâu như đám trẻ chốn đồng quê chúng tôi ngày trước.
Nhớ lại khi nước lụt đã lui về lòng sông chừng mươi ngày, nửa tháng, lớp bùn non ngà ngà đã sẫm nâu, cỏ dại bắt đầu lún phún thì trong vườn, ngoài nà, thổ cũng xuất hiện các hang hốc to bằng ngón tay út chằng chịt. Đó chính là nơi trú ẩn ban ngày của lũ dế cơm. Khi màn đêm bao phủ làng mạc, xóm thôn, chúng mới bò ra kiếm ăn.
Có những lúc đám trẻ chúng tôi thả trâu ung dung gặm cỏ rồi xách gàu dây ra bến sông múc nước mang lên đổ vào miệng hang của chúng ở những triền dâu. Khi hang bị ngập nước, dế không chịu nổi, phải chui ra ngoài chạy trốn thì bị chộp ngay. Những con to, khỏe được nâng niu, bảo vệ bằng cách cho vào chiếc giỏ tre đựng cá có hom nhọn tha hồ nhảy nhót; còn những chú dế yếu ớt, chân mềm, cánh mỏng thì được xâu ngay vào sợi dây bứt từ đọt cỏ dại. Các xâu dế ấy mang về nướng trên bếp than hồng, bốc mùi khét cháy nhưng thơm đến lạ lùng. Phủi những tàn tro bụi và những vảy than đen trên thân dế rồi bỏ vào miệng nhai thì thật tuyệt.
Không ít lần tôi mải mê bắt dế, để trâu ăn lúa, ăn rau, bị người ta dắt tới tận nhà bắt đền. Thế là các xâu dế bị mẹ quăng ra sân cho bầy gà, vịt chen chúc tranh giành. Bà rút cái roi mây dắt ở tấm phên, bắt tôi nằm úp trên chiếc chõng tre quất mấy cái đau điếng. Tuy đau nhưng tôi vẫn tiếc đứt ruột khi các con dế còn sống để dành trong giỏ được bà đổ ra đất nhảy đi mất tăm.
2. Những con dế cơm được nhốt trong giỏ ấy may mắn hơn so với số phận dế bị xâu bởi chúng không nằm trên lửa. Còn chúng tôi, phía góc vườn nhà đứa nào cũng có hố nhỏ hình chữ nhật bằng quyển vở. Hố thi đấu đào từ đất thịt, chà nhẵn bóng các bờ, ít độ ma sát cho dế không leo lên được. Mỗi đứa bỏ một con dế “võ thuật” của mình vào hố rồi ngồi cổ vũ rất nhiệt tình. Khi hai con dế được bỏ xuống hố, chúng liền xáp vào nhau, bung chân, tung chưởng phát ra âm thanh tanh tách nho nhỏ.
Đôi lúc cả hai con múa máy chân và càng, xòe cánh gườm gừ. Con nào quay đầu bỏ chạy thì coi như bại trận. Phần trả cho đứa có dế chiến thắng là những viên bi bằng thủy tinh tròn vo, trong vắt với nhiều màu sắc long lanh được đúc chìm bên trong. Cũng có khi ham hố với dế quên bữa, mẹ lại cầm roi dí chạy, cái hố đấu trường bị phá bỏ nhưng các cuộc đấu dế vẫn không chừa, thỉnh thoảng chúng tôi len lén sang nhà đứa khác thi dế với nhau.
Sau này đọc truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, tôi càng nhớ lại những tháng ngày chơi dế. Loài dế mèn quả hung hãn được nhà văn Tô Hoài phát hiện và mô tả cực kỳ thú vị. Đó là chú Dế mèn với dáng vóc vạm vỡ, ỷ có đôi càng sắc ngạnh cùng với đôi cánh chắc khỏe nên tự cao tự đại, thích cà khịa, bắt nạt kẻ yếu đuối hơn mình. Với bản tính ngông nghênh, coi thường hàng xóm, Dế mèn đã vô ý gây ra cái chết đối với Dế choắt.
Để dạy bài học, Xiến tóc đã cắt cảnh cáo hai sợi râu của Dế mèn. Dế mèn chợt tỉnh ngộ, quyết tâm phiêu lưu để học hỏi những cái hay, cái tốt và sống có ích với cộng đồng.
Đêm đông, nhà mẹ ở quê thật yên bình, chỉ có tiếng dế ro re êm dịu từ trong lòng đất cho đến lúc mờ sáng mới tắt lịm. Cảnh bắt dế, đá dế trong tôi lại quay về…
THÁI MỸ