Đà Nẵng cuối tuần

CHỢ ĐÔ THỊ

Phát triển chợ truyền thống thành điểm đến du lịch

08:18, 22/05/2022 (GMT+7)

“Đi chợ truyền thống không chỉ lựa chọn những mặt hàng quê ưa thích với giá rẻ mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của địa phương”, chị Nguyễn Hiền Anh - du khách đến từ Quảng Bình chia sẻ khi tham quan, mua sắm tại chợ Cồn.

Khách du lịch đã bắt đầu trở lại mua hàng nhộn nhịp ở chợ Cồn. Ảnh: Đ.H.L
Khách du lịch đã bắt đầu trở lại mua hàng nhộn nhịp ở chợ Cồn. Ảnh: Đ.H.L

Hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng đã xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách nhờ giữ gìn uy tín và chất lượng các mặt hàng đặc sản địa phương; đồng thời xây dựng cung cách phục vụ khách hàng văn minh, lịch sự.

Giữ chân khách nhờ chất lượng sản phẩm

Chị Nguyễn Hiền Anh trở lại chợ Cồn sau khi tình hình dịch bệnh bắt đầu ổn định. Quầy Hồng Nga là nơi chị Hiền Anh thường xuyên ghé qua mua quà mỗi khi đến Đà Nẵng bởi nơi đây bán nhiều hải sản khô có chất lượng và giá cả phù hợp. Chị Hà Cẩm (chủ quầy Hồng Nga) cho biết, sau đợt dịch, quầy bắt đầu đông khách trở lại, nhất là khách nội địa.

Để thu hút khách, việc xây dựng thương hiệu là một trong những tiêu chí quan trọng mà Ban quản lý (BQL) chợ Cồn đang hướng tới. Quầy Hồng Nga là ví dụ điển hình của lợi ích có được từ uy tín về chất lượng sản phẩm. Cách đây 2 năm, chị Hà Cẩm đã mua lại quầy Hồng Nga của chị dâu với giá 500 triệu đồng nhưng giá sang thương hiệu “Hồng Nga” là 1 tỷ đồng. Dù thay đổi chủ, nhưng khách quen từ các tỉnh, thành khác vẫn thường xuyên đến quầy mua hàng tấp nập mỗi ngày.

Nhiều du khách khi đến chợ Cồn cũng đã quen thuộc với thương hiệu Nghi Hà về sản phẩm chế biến sẵn từ tôm, cá, mực. Chị Lê Thị Nở (quầy lô 146 đình 6, chợ Cồn) cho biết: “Tôi bán mặt hàng này ở chợ Cồn đã hơn 10 năm. Bây giờ, mùa du lịch nên khách nội địa nhiều và họ rất chuộng mặt hàng này. Sản phẩm của cơ sở Nghi Hà rất chất lượng và được bỏ mối ở nhiều tỉnh, thành phố như Móng Cái, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội… Trong đợt dịch vừa qua, nhiều quầy ở chợ lấy hàng của cơ sở Nghi Hà giao cho các nơi khác như mực rim, cá bò, cá thiều, cá thu, cá chỉ vàng, tương ớt…”.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng BQL chợ Cồn cho biết, hiện chợ Cồn có khoảng 1.700 hộ kinh doanh cố định và 400 hàng rong. Chợ Cồn vẫn giữ nét buôn bán truyền thống, là nơi buôn sỉ và lẻ đa dạng các mặt hàng nên khách rất đông. Nhiều du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé chợ tham quan và mua sắm nhờ giá cả phải chăng, một số mặt hàng địa phương được nhiều du khách ưa chuộng như khô mè bà Liễu, chè sâm dứa Đà Nẵng, bánh đậu xanh Hội An, bánh Tam Kỳ, mực câu, tôm rim…

Đặc biệt, sau dịch, chợ Cồn bắt đầu buôn bán sôi động trở lại. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua có khoảng 5.000-6.000 khách/ngày. Vào buổi chiều, cùng với khu ẩm thực của chợ Cồn thì chợ hàng rong trên tuyến đường nội bộ Hùng Vương - Ông Ích Khiêm cũng thu hút du khách đến thưởng thức ăn uống, mua sắm tấp nập. Nhiều mặt hàng được người mua giới thiệu cho bạn bè, người thân nhờ bảo đảm uy tín chất lượng sản phẩm trong nhiều năm qua.

Buôn bán văn minh, lịch sự

Mặc dù siêu thị ngày càng mọc lên nhiều, nhưng người Việt vẫn có thói quen đi chợ truyền thống, bởi họ có thể vừa tham quan, vừa mua sắm, nhất là các mặt hàng quê, đặc trưng, đặc sản… mà tại siêu thị, trung tâm thương mại không có. Bên cạnh đó, đi chợ truyền thống cũng là một nét văn hóa để du khách có thể giao lưu với người dân bản địa qua việc mua bán. Vì vậy, việc xây dựng chợ văn minh thương mại (VMTM) là rất quan trọng trong việc thu hút du khách và người tiêu dùng.

Năm nay là năm thứ 7 chợ Cồn đạt chuẩn chợ VMTM cấp thành phố. Để có được kết quả này, thời gian qua, BQL chợ Cồn đã đẩy mạnh tiêu chí an toàn thực phẩm, thực hiện niêm yết giá bán, bán theo giá niêm yết và buôn bán văn minh, lịch sự. Nếu vi phạm, lực lượng bảo vệ chợ sẽ chụp ảnh, lập biên bản xử lý phạt hành chính, tạm dừng hoạt động kinh doanh quầy nên việc chèo kéo, tranh giành khách giảm.

Bên cạnh đó, BQL chợ còn hướng dẫn tiểu thương chuyển đổi hình thức bán hàng qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng chợ 4.0 bán hàng qua sàn thương mại điện tử và chuyển khoản. Tiểu thương đăng ký các mặt hàng qua sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch sẽ giới thiệu sản phẩm. Sau khi mua, hàng hóa sẽ được trung chuyển qua Viettel Post.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng BQL chợ Hàn cũng cho biết, năm nay là năm thứ 9 chợ Hàn đạt chuẩn chợ VMTM cấp thành phố. BQL chợ thường xuyên nhắc nhở bà con chỉnh trang quầy kệ, bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, có QR Code; đồng thời tập huấn về thái độ phục vụ và vận động bà con học thêm tiếng nước ngoài để phục vụ du khách thuận lợi hơn.

“Hiện chợ Hàn đã triển khai thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt, bán hàng chuyển khoản. Đối với mô hình chợ 4.0, BQL chợ Hàn phối hợp với Viettel làm trang web giới thiệu hàng và bán hàng trên các trang thương mại điện tử của thành phố, Lazada, trang facebook của công ty lập. Đến nay, chợ Hàn có 800 hộ kinh doanh chủ yếu các mặt hàng phục vụ du lịch như lưu niệm, thực phẩm, may đo, hải sản… Bây giờ, khách hàng bắt đầu tăng 30% so với thời điểm dịch. Vào cuối tuần, chợ thu hút khoảng 1.000 khách/ngày. Tuy nhiên, so với thời điểm trước khi chưa xảy ra dịch là khoảng 6.000-10.000 khách/ngày”, ông Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.

Với sự phát triển của thương mại điện tử, chợ truyền thống hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là đa số người trẻ chủ yếu mua sắm qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…. Người tiêu dùng hầu như ngại và ít đến chợ truyền thống vì họ có thể ngồi một chỗ và đặt mua bất cứ món hàng nào sau khi Covid-19 xảy ra. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật của chợ truyền thống vẫn còn yếu kém.

“Hiện cơ sở hạ tầng chợ Cồn xuống cấp, một số khu vực chưa đáp ứng kinh doanh, buôn bán. Trong khi đó, thành phố đang có chủ trương xây dựng mới nên việc xin vốn nâng cấp chỉnh trang gặp khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng việc triển khai buôn bán không dùng tiền mặt do chưa có wifi. BQL chợ Cồn đang phối hợp với Viettel 3 đưa hệ thống wifi phục vụ cả người mua lẫn người bán, đồng thời hình thành trạm giao nhận hàng qua Viettel Post”, ông Nguyễn Đắc Hùng cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu mua bán ngày càng cao trong xã hội hiện đại, các chợ truyền thống không chỉ tăng cường vận động tiểu thương thay đổi cung cách phục vụ; tham gia thực hiện chương trình kích cầu mua sắm mà còn đa dạng hóa các mặt hàng. Song song đó, đẩy mạnh quảng bá chợ truyền thống trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… nhằm xây dựng thương hiệu chợ truyền thống ngày càng có uy tín đối với du khách trong và người nước.

"Đà Nẵng hiện có 4 chợ loại 1 với khoảng 5.000 hộ kinh doanh. Ngoài ra, còn có các chợ loại 2, 3 thuộc cấp quận, huyện, phường, xã. Đây là lợi thế tiềm năng để thành phố phát triển du lịch mua sắm. Do đó, ngay từ bây giờ, thành phố cần có chính sách quy hoạch, quản lý bài bản, bảo đảm văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, nâng cấp cải tạo những chợ truyền thống lâu đời nhưng phải gìn giữ được bản sắc chợ truyền thống, để từ đó thu hút du khách vừa kết hợp mua sắm vừa khám phá.

Sở Công Thương đã tham mưu thành phố đề án phát triển chợ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng cũng đã đề xuất nâng cấp chỉnh trang chợ Hàn để phục vụ du lịch và xây dựng chợ Cồn là chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại”

Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.