Đà Nẵng cuối tuần
Bìa sách đẹp: Chinh phục độc giả từ cái nhìn đầu tiên
Triển lãm “Nghệ thuật sách Việt Nam 2022” lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền - Hà Nội (từ ngày 8-5 đến 17-5) giới thiệu khoảng 700 bìa sách là dịp để các họa sĩ làm công việc thiết kế sách và bìa sách gặp gỡ, sẻ chia về nghệ thuật thiết kế bìa sách.
Công chúng đến với triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam” lần thứ nhất. Ảnh: THƯ HOÀNG |
Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định, bìa sách là yếu tố không thể thiếu của bất cứ cuốn sách nào, đóng vai trò quan trọng đối với các cuốn sách. “Ngoài chức năng là “chiếc áo” bền, chắc nhằm bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” mang tính thời trang, thể hiện mạnh mẽ hồn cốt và thông điệp của cuốn sách”, họa sĩ Lê Tiến Vượng nói.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi - một trong những gương mặt thiết kế bìa ăn khách hiện nay cho rằng, nếu có hai cuốn sách nội dung hoàn toàn giống nhau, một trong hai cuốn có bìa đẹp hơn thì chắc chắn độc giả chọn cuốn có bìa đẹp. “Tín hiệu trên bìa sách đến với độc giả bằng tốc độ của ánh sáng. Đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, có sức lôi cuốn, dẫn dụ độc giả đến với nội dung cuốn sách rất mạnh mẽ”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi quả quyết.
Tuy nhiên, quan sát thị trường sách “trăm hoa đua nở” hiện nay, có thể nhận ra bìa sách chưa được các họa sĩ quan tâm đúng mức. Nhiều người coi đó chỉ là công việc làm thêm, vui thì làm, ít có sự đầu tư, tìm hiểu và cống hiến để có những bìa sách “đẹp, độc, lạ”.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhìn nhận: Bìa sách là tổ hợp hài hòa của các yếu tố: chữ, hình ảnh, màu sắc, bố cục. Trên một phạm vi hẹp chỉ vài trăm centimet vuông, làm thế nào để chuyển tải nội dung vừa hấp dẫn, ấn tượng, vừa có sự khác biệt mà vẫn bảo đảm những giới hạn khắt khe vô hình của các định chế pháp luật, thuần phong mỹ tục là bài toán khó với những người làm thiết kế bìa.
“Nhiều họa sĩ ở ta biết vẽ hình nhưng không làm chủ được công cụ máy tính để trình bày chữ; hoặc nhiều họa sĩ trẻ rất giỏi công nghệ, tài làm chữ nhưng khả năng chủ động làm hình lại kém...”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi nêu thực tế.
Đồng quan điểm, họa sĩ Lê Tiến Vượng cho rằng, để có tác phẩm bìa sách đúng, trúng, đẹp, họa sĩ cần hiểu sâu, hiểu rộng về đối tượng, thị trường mà mình hướng tới. Đối với một cuốn sách chuẩn bị được xuất bản, họa sĩ cần đọc để hiểu nội dung cuốn sách, cần đặt câu hỏi rằng cuốn sách dành cho ai, lứa tuổi nào, được bán ở đâu, tâm lý người mua thế nào...
Thậm chí, họa sĩ phải biết đặt mình vào vị trí người mua để sáng tạo những trang bìa thỏa mãn nhu cầu của độc giả và góp phần nâng tầm giá trị cuốn sách. Trước một bìa sách, người đọc còn nhận ra trình độ, năng lực của người họa sĩ thiết kế.
“Chúng ta chưa có đ ội ngũ sáng tạo bìa sách mà chỉ có một số họa sĩ thành công trong sáng tạo bìa sách ở một số nhà xuất bản (NXB), trong đó không ít họa sĩ “làm thêm” thiết kế bìa sách khi được đặt hàng…”, họa sĩ Tiến Vượng nói và nhấn mạnh: “Việc thiết kế và sáng tạo bìa sách ở nước ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa. Nhiều NXB có rất ít họa sĩ chuyên làm bìa nên phải trông chờ vào đội ngũ họa sĩ là cộng tác viên. Nhiều biên tập viên của NXB tự đặt họa sĩ làm bìa mà không rõ sở trường, đặc tính sáng tạo của họa sĩ ấy có phù hợp với việc thiết kế bìa sách của mình hay không. Cũng có tình trạng biên tập viên hoặc đơn vị xuất bản “đơn giản hóa”, coi bìa sách “chỉ là một cái bìa” nên dễ dãi, chấp nhận những bìa sách qua loa, thiếu sáng tạo”.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được các họa sĩ thiết kế bìa sách nêu, đó là tiền thù lao thiết kế bìa sách ở Việt Nam còn thấp. Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, đó là một thực tế đáng buồn trong lúc các họa sĩ thiết kế bìa sách ở nước ngoài được trả thù lao dao động từ 600, 700 đến 2.000, 3.000 USD/bìa sách.
THƯ HOÀNG