Đà Nẵng cuối tuần
Miếu thờ 3 vị tướng quân
Làng Hòa Phú (nay thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) từ lâu đã có ngôi miếu thờ 3 vị tướng của Đại Việt tử trận trong các cuộc chiến chinh phạt Chiêm Thành. Đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa mang đậm tín ngưỡng tâm linh mà còn minh chứng về một làng, xã được hình thành rất lâu đời.
Ngôi miếu chính thờ Thượng đẳng thần. Ảnh: T.M |
Làng Hòa Phú
Theo các cụ cao niên của một số chư phái tộc, làng Hòa Phú được hình thành từ rất sớm. Những bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng đều quê gốc xứ Thanh - Nghệ vào khai phá, mở mang. Còn theo sách Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Hòa Minh - giai đoạn 1930-1975, 3 làng được hình thành trên địa bàn phường Hòa Minh gồm Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phú Lộc; trong đó làng Trung Nghĩa được bắt đầu khai khẩn đất đai, hình thành làng xã từ năm 1643.
Theo bài viết Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương của tác giả Bùi Xuân đăng trên tạp chí Non Nước (số 281 tháng 7-2021), tiền thân làng Hòa Phú là làng Phú Lộc, được ghi trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An từ năm 1553. Làng này do vợ chồng ông Nguyễn Quý Hiếu và bà Đặng Thị Cử có công khai phá đầu tiên.
Về sau, có một đôi vợ chồng khác là ông Phạm Công Nhứt và bà Nguyễn Thị Vân cùng đến khai khẩn, lập làng. Hồi ấy, làng Phú Lộc có 10 xóm nhỏ, bao gồm: Hà Nam, Phú Ca, Phú Trung, Hòa Bình, Phú Xuân, Phú Thạnh, Tây Sa, Gò Đậu, Bắc Ninh và Quán Cơm. Đến thời kỳ Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn đã cắt bớt xóm Quán Cơm cùng với Tourane nhượng địa cho Pháp, làng Phú Lộc chỉ còn 9 xóm và được đổi tên thành làng Hòa Phú.
Miếu Tam Vị
Gắn với làng Hòa Phú bao đời nay còn có câu chuyện dân gian rằng, nơi đây ngày xưa là một cánh rừng ven biển hoang vu, rậm rạp. Dân cư sống trên vùng đất này rất thưa thớt, chủ yếu làm nghề trồng lúa nước, săn bắt các sản vật từ rừng và tôm, cá trên sông, biển. Cùng với việc lập làng, người dân Hòa Phú đã đốn cây dựng đình để thờ cúng thần linh, Thành hoàng làng, các vị tiền hiền.
Đình làng hồi ấy thờ cửu vị gồm: Cao Các, Thái giám, Bà Chúa Ngọc, Bà Thủy, Bà Ngũ Hành, Hắc Hổ, Khổng Tử, Lão Tử và Đạo Tử. Trong đó, Cao Các là vị tướng nhà Đinh, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, sau đó vung gươm đánh đuổi Chiêm Thành, giúp đỡ dân làng ổn định cuộc sống tại những nơi ông đã dẫn quân đi qua.
Sự hình thành ngôi miếu Tam Vị ở làng Hòa Phú ngày nay cũng bắt đầu từ câu chuyện dân gian truyền khẩu có từ xa xưa. Chuyện cho hay, ngay lúc sơ khai vùng đất này, quân Chiêm Thành ngày đêm hoành hành, quấy phá, cuộc sống của dân làng bất an. Trước cảnh dân chúng khổ sở vì giặc giã lộng hành, nhà vua đã chiếu lệnh cho 3 vị tướng tài danh của Đại Việt mang quân đi đánh đuổi giặc để bảo vệ giang sơn bờ cõi. Các tướng quân của Đại Việt đã chiến đấu dũng cảm, sau đó chẳng may tử trận, được dân làng tổ chức an táng tại khu đất rừng của làng ven biển ở phía đông nam dãy Hải Vân, nay là làng Hòa Phú.
Cũng theo bài đã dẫn, sau khi quân Chiêm Thành rút chạy, làng quê trở lại bình yên, các quan đại thần tấu trình vua về 3 vị tướng ấy đã được yên nghỉ tại khu rừng sát vịnh Đồng Long(*). Thương tiếc 3 vị tướng tài đã vì giang sơn mà xả thân hy sinh lẫm liệt, vua bèn sai lập ngay miếu thờ và sắc phong là “Tam vị táng diên sơn tôn thần” (3 vị thần linh đã được an táng tại rừng), trong đó một vị tướng chức vụ cao nhất được vua phong tiếp Thượng đẳng thần, hai vị còn lại cũng được phong Trung đẳng thần (các bậc thiên thần).
Cũng theo tương truyền, 3 vị tướng của Đại Việt này chiến đấu hy sinh tại cánh rừng làng Hòa Phú từ thời kỳ Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân để lấy hai châu Ô - Lý, tức từ năm 1306 đến khi vua Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên thứ 13 Quảng Nam vào tháng 6-1471.
Ngôi miếu được dựng ngay tại địa điểm ngàn thu yên nghỉ của 3 vị tướng ấy nên dần có tên gọi là miếu Tam Vị. Hằng năm, cứ đến ngày 24 tháng Chạp âm lịch, dân làng Hòa Phú tổ chức giỗ 3 vị tướng ngay tại miếu làng. Để có ngân sách cho việc cúng kỵ, lý trưởng họp dân làng bàn kỹ rồi cắt riêng chừng 7-8 sào đất công canh tác, gieo trồng, đến vụ mùa thu hoạch phơi khô đổi heo gà, bán lấy tiền giỗ 3 tướng quân và cúng Thành hoàng làng Hòa Phú vào ngày 13 tháng Giêng.
Trải qua thời gian dài, miếu Tam Vị tuy được tu sửa nhiều lần bằng kết cấu các vật liệu khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên theo cách bài trí thờ phụng như cũ. Ngay chính giữa miếu thờ vị tướng được phong Thượng đẳng thần, hai bên phía trước miếu lớn có hai am nhỏ đối mặt với nhau thờ hai vị tướng Trung đẳng thần.
Trong cuộc kháng chiến, Chi bộ Trung Nghĩa - Phú Lộc đã sử dụng miếu Tam Vị làm nơi hội họp, phổ biến các chủ trương của Đảng. Nơi đây cũng là địa điểm mà các cán bộ Thành ủy Đà Nẵng, Xứ ủy Trung Kỳ bí mật gặp gỡ trao đổi công tác. Ngày 28-4-2020, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 1523/QĐ-UBND xếp hạng miếu Tam Vị là di tích lịch sử cấp thành phố. Nhằm bảo tồn di tích, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành trùng tu toàn bộ miếu Tam Vị trên tổng diện tích khuôn viên gần 750m2 và hoàn thành vào tháng 1-2022.
THÁI MỸ
--------------------------
(*) Đồng Long là vịnh Đà Nẵng ngày nay. Trong bài thơ Hải môn Hải Vân lữ thứ, vua Lê Thánh Tông ứng tác khi dừng chân tại cửa biển Hải Vân vào một đêm trăng sáng: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”.