Đà Nẵng cuối tuần

Hoa súng khổng lồ ở Amazon

15:40, 16/07/2022 (GMT+7)

Những bông hoa súng khổng lồ ở Amazon là những loài thực vật nổi lớn và khỏe nhất thế giới. Chúng là chủ đề truyền cảm hứng cho các cấu trúc trong thế giới thực, từ các tòa nhà nổi đến tuabin gió.

Nhà văn hóa học thực vật Alberto Trinco trưng bày một chiếc lá từ hoa súng khổng lồ của Vườn Kew ở London (Anh). Ảnh: Victoria Amazonica
Nhà văn hóa học thực vật Alberto Trinco trưng bày một chiếc lá từ hoa súng khổng lồ của Vườn Kew ở London (Anh). Ảnh: Victoria Amazonica

Hoa súng khổng lồ ở Amazon từ lâu đã thu hút các nhà khoa học, kiến trúc sư và nghệ sĩ vì vẻ đẹp và kích thước to lớn của nó. Tuy nhiên, làm thế nào mà những chiếc lá của cây hoa súng có thể phát triển rộng hơn 3 mét, đủ mạnh để nâng đỡ trọng lượng của một đứa trẻ? Câu hỏi này vẫn chưa có đáp án.
Một nhóm các nhà khoa học Anh và Pháp nghiên cứu về cơ học của những chiếc lá khổng lồ đó đã ghi lại mạng lưới các đường gân phân nhánh, giống hình dầm được tối ưu hóa cho sức mạnh và hỗ trợ cấu trúc. Nghiên cứu của họ được công bố vào tháng 2 trên tạp chí Science Advances.

Thorogood - tác giả chính của nghiên cứu nói trên - cho biết: “Những gì chúng tôi cho thấy thông qua các cuộc thực nghiệm và mô hình toán học là những chiếc lá này rất mạnh và có độ mềm dẻo đặc biệt giúp chúng phát triển rất lớn”. Nhóm nghiên cứu phát hiện các gân nhánh của hoa súng khổng lồ bắt đầu rất dày ở gần tâm và thuôn nhọn về phía mép lá, giúp phân bổ đều trọng lượng của lá. Chúng nâng đỡ chiếc lá trong khi cho phép nó đàn hồi trở lại khi bị biến dạng. Mặt dưới của lá được bao phủ hoàn toàn bởi một mạng lưới gân gai mọc ra từ thân giữa. Các gân chính mỏng hơn và phân chia thành các nhánh khi chúng tiếp cận vành lá.

Hoa súng khổng lồ được các nhà thám hiểm người Anh ở Nam Mỹ phát hiện vào năm 1801. Nó nhanh chóng trở nên phổ biến ở Anh và trở thành biểu tượng của Đế chế Anh.

Bằng việc nghiên cứu cấu trúc của loài thực vật này, các nhà khoa học ngoài việc cải tiến thiết kế của các cấu trúc nổi còn có thể mở ra các thiết kế mới hiệu quả về chi phí cho các tuabin gió ngoài khơi.

Năm 2008, kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut đã thiết kế một thành phố nổi dựa trên cấu trúc của chiếc lá hoa súng khổng lồ có tên “Lilypad - một không gian phủ xanh nổi dành cho người tị nạn khí hậu”. Một ngày nào đó, con người cũng có thể sử dụng các tấm pin mặt trời trôi nhẹ nhàng trên đại dương lấy cảm hứng từ hoa súng ở Amazon để thu thập càng nhiều ánh sáng mặt trời càng tốt, như loài cây đã làm trong hàng triệu năm.

HOÀNG ĐẶNG (the Guardian)

.