Đà Nẵng cuối tuần
Mé sàn lãng ai rao dây Long Xuyên
Má Út hỏi hè này có đứa nhỏ nào về không bây? Câu hỏi trôi vào chiều tháng bảy ướt sũng nước mưa. Thằng cháu chợt giật thót mình giữa mái hiên của ngôi nhà xa lạ nào đó mình đang đứng trú vội. Thời gian như thoi đưa, qua ngày, qua tháng, qua năm, qua luôn những miền ký ức xa xăm xưa cũ, ủ trọn những mùa tuổi thơ trong ngần đâu đó theo cát bụi phồn hoa của chốn đô thành. Hồi đám cháu bắt đầu rẽ sóng nước đồng bưng lên phố thị, chừng như bắt đầu những cuộc gọi của Út Hết chỉ luẩn quẩn mấy câu nhắc nhớ vu vơ dăm ba thứ cũ càng như sóng nước, chái bếp, hiên nhà. Đám cháu à ờ, rồi cũng bị cơm áo gạo tiền chốn thị thành cuốn đi, mải miết...
Má Út chọn ở lại đồng bưng bám đất giữ quê. Ruộng vườn đi sớm về hôm lui cui cũng chỉ mình ên (mình ên: một mình - ngôn ngữ của người miền Nam, nhất là người dân miền Tây Nam Bộ). Mấy anh chị phiêu dạt lên thành phố rồi tìm đường ngụ cư. Đám cháu sanh ra còn đỏ hỏn lại bồng bế về cho má Út chăm bẵm để còn rảnh rang mà đi làm kiếm tiền. Má Út cười nhẹ tênh. Má có mình ên nên nhà có thêm đứa con nít bi bô, chập chững cho ấm hơi, cho rộn ràng. Vậy đó mà đứa lớn canh đứa nhỏ, quây tròn tuổi thơ theo vòng tay dưỡng dục của má.
Má Út quần quật với đám nhỏ, khóc theo từng trận bệnh, cười theo từng cái hôn. Đám nhỏ lớn dần, má Út cũng bạc thếch đời mình theo sương mai. Đám nhỏ nghịch dại, xóm giềng kéo tới méc, má Út rối rít xin lỗi, hứa hẹn đánh đám nhỏ một trận cho nhớ đời. Chừng người ta kéo về thì má Út lôi đám nhỏ ra mé sàn lãng tắm cho từng đứa. Đánh bây làm má đau còn hơn bây nữa. Bây quậy quá, má gởi tụi bây lên thành phố đó nghen. Đám nhỏ nghe... bị về thành phố, ngẩn ngơ tiếc cái món bánh xèo của má Út, thèm cái gỏi sầu đâu bắp chuối, hay biết tìm đâu những trận mưa đồng, mấy bữa nhảy tắm sông. Đám trẻ tự biết ngoan để má Út hổng buồn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhưng đâu có ai đem con sáo sang sông chi cho tốn công. Con sáo lớn rồi tự biết sổ lồng mà bay. Đồng bưng mù khơi xa lắm cũng chỉ là những tháng năm tuổi thơ. Đám trẻ lớn rồi theo con chữ mà về thị thành. Má Út đứng ngoài rào tiễn từng đứa đi miệng cười tươi rói. Chừng ra tới mé sàn lãng má Út mới khóc. Nhìn cái lu nước hồi còn lóng phèn để tắm cho đám nhỏ. Nhìn cái bến sông tụi nhỏ hay ra tắm mỗi lần con nước lớn. Nhìn luôn mấy cái bè chuối cắt ra tập cho đám nhỏ lội. Nhìn đâu cũng thấy đám nhỏ. Đứa này đi rồi đến đứa kia. Ngoảnh lại căn nhà trống trơn.
Hồi má Út còn son trẻ, bên kia sông tiếng ai rao dây Long Xuyên, đờn bản Lý chim quyên nghe chùng chình sóng nước. Mỗi buổi chiều má Út ra mé sàn lãng gội đầu, tiếng đờn cứ dặt dìu chừng má vào trong chái bếp úng mớ trấu bắt cơm thì tiếng đàn thôi chẳng còn réo rắt. Chục lần rồi trăm lần như thế. Ngoại bệnh rồi mất. Đám trẻ thị thành về rồi đi. Tiếng đàn mé sàn lãng cũng năm năm tháng tháng mà dần giã đồng bưng mang mang những nỗi niềm. Thoảng khi đám cháu hỏi chuyện phía bên kia sông, má Út cười buồn hổng nói. Trong những lần đám trẻ tập bơi, má Út cũng bì bõm theo dìu, phía bên kia sông hình như có cặp mắt lá (ánh mắt dõi theo má Út từ bụi lá) đuổi theo bóng má Út. Có lần má Út hát bâng quơ điệu xế xảng: “Lỡ làng sóng nước đò giang. Bậu còn nặng gánh giang san cửa nhà”. Đám cháu lớn rồi, dăm ba lần về quê thấy bên kia sông mắt lá dường như bạc màu sương mai. Tiếng đờn cũng chừng như run rẩy theo heo mây xế bóng đường tà.
Đám cháu chưa kịp bàn tính coi hè này có dành ra năm ba ngày túm tụm nhau về với má Út hay không thì bận tối trời má điện thoại cho thằng cháu nói đờn đứt dây rồi bây, mé sàn lãng từ nay chắc hổng còn ai rao dây Long Xuyên. Tiếng má Út chừng như khóc. Trong cơn mơ đêm đó, thằng cháu thấy mình như những đám mây trôi về đồng bưng. Ai rao dây Long Xuyên? Ai hát Lý chim quyên? Ai ca điệu xế xảng. Đám mây chẳng thấy rõ. Từ thinh không, chỉ thấy bên sông mắt lá đau đáu nhìn về mé sàn lãng. Tiếng đám con nít tập bơi í ơi dậy sóng cả miền thời gian xưa cũ.
TỐNG PHƯỚC BẢO