Đà Nẵng cuối tuần
Khoảng trời tuổi thơ trong trẻo
Với lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, Xóm bờ giậu (NXB Kim Đồng, 2022) của nhà văn Trần Đức Tiến không chỉ là tập truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, mà còn là chiếc vé giúp độc giả khắp nơi ngược dòng ký ức tìm về khoảng trời tuổi thơ hồn nhiên và trong trẻo. Tác phẩm đánh thức trong lòng bạn đọc những cảm xúc tinh khôi khi lật giở từng trang sách.
Trong quá trình làm quen với môi trường sống, hiếm bạn nhỏ nào không thấy hứng thú, tò mò với những chuyển động của thế giới thiên nhiên. Thấu hiểu điều đó, tác giả Trần Đức Tiến đã dùng ngòi bút tinh nghịch, mềm mại của mình để thêm thắt, biến hóa để thế giới ấy càng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Xóm bờ giậu là một bờ rào nhỏ bé, những tàng cây bốn mùa luôn vươn lên xanh tốt. Cuộc sống ở xóm luôn thanh bình nhưng cũng không kém phần đông đúc và huyên náo.
Ở đó có nhạc sĩ Dế Lửa, thi sĩ Dế Còm, cụ giáo Cóc, anh Thằn Lằn, cô người mẫu Ốc Sên, ông Giun Đất, chị Cào Cào… cùng chung sống hòa bình với nhau. Một ngày kia, cô hoa Cúc Áo từ đâu dạt đến, bừng nở rực rỡ, lấp kín một khoảng trời. Chứng kiến sự đổi thay đầy tươi mới ấy, thi sĩ Dế Còm bỗng nổi hứng làm thơ:
Nàng từ đâu tới
Nàng diện áo vàng
Vàng như nắng sớm
Hương thơm điệu đàng
Này ông Giun Đất
Này chị Cào Cào
Này cụ giáo Cóc
Bây giờ tính sao?
Tính sao thì tính
Người đẹp nhường ấy
Hộ khẩu Bờ Dậu
Nhập vào miễn chê.
Nghệ thuật nhân hóa được tác giả sử dụng rất tài tình và hợp lý khiến mỗi chi tiết, tình huống xảy ra càng thuyết phục hơn: Cụ giáo Cóc hiển nhiên là người lớn tuổi, am hiểu nhiều kiến thức nên mỗi câu cụ nói đều đậm triết lý; anh Dế Lửa quanh năm suốt tháng thích hát ca, có thể sống tốt cả ở đồng quê lẫn vùng thành thị bằng tài nghệ sáng tác của mình; chị Ốc Sên với bản tính hiền lành sẽ đủng đà đủng đỉnh với nghề người mẫu chuyên biểu diễn vào ban đêm…
Để kích thích trí tưởng tượng, mở rộng tư duy và cảm xúc cho độc giả nhí, Trần Đức Tiến không chỉ chọn ngôn ngữ trong sáng, mượt mà, mà ông còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị như một cuốn từ điển về các loài vật: “Có hàng trăm, hàng nghìn họ cánh cứng khác nhau. Bọ Dừa, Bọ Ngà, Cánh Cam, Xiến Tóc, Bổ Củi, Vòi Voi, Bọ Que, Bọ Rùa, Bọ Hung, Niềng Niễng… Anh sống trên cây. Anh đào hang dưới đất. Anh lặn xuống nước sâu. Anh béo tốt nhẵn nhụi. Anh gầy còm mảnh mai. Anh trọc đầu không râu. Anh ria dài như hai sợi ăng ten vắt vẻo. Anh hiền lành nhút nhát. Anh ngổ ngáo mọc sừng. Quần áo thì đủ kiểu: nâu sồng có, đen tuyền có, hoa hoét sặc sỡ cũng có…”.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhà văn Trần Đức Tiến không chỉ dành tặng Xóm bờ giậu cho độc giả thiếu nhi, mà thông qua những trang viết, ông còn gợi lại nhiều ký ức, tình yêu quê hương trong lòng bạn đọc lớn tuổi. Nhiều người hẳn sẽ giật mình, đau đáu khi chạm lại những khoảng trời quê. “Chuồn chuồn nước đậu trên cọng khoai ngứa ven bờ ao. Cậu chàng thích ngắm mình dưới nước. Những ngày trời đẹp, mặt ao phẳng như tấm gương, in hình bầu trời, những cụm mây lang thang, những cánh chim chập chờn nhỏ xíu… Đôi khi, gã cá Mương từ đâu đó phóng đến, há miệng tớp một cái. Mặt ao xao động những vòng sóng nhỏ. Hình ảnh trên đó vỡ tan. Bầu trời vỡ tan. Cụm mây vỡ tan. Cánh chim vỡ tan. Máy bay tí hon cũng vỡ tan nốt. Chuồn chuồn nước giật mình, bay vụt lên”.
Xóm bờ giậu là bài ca thiên nhiên thấm đẫm hình ảnh, rộn ràng nhịp điệu và âm thanh. Đằng sau những nhân vật, câu chuyện và tình huống luôn ẩn chứa những bài học đạo đức có giá trị. Đó là đức tính chăm chỉ, trung thực, là tình yêu quê hương, biết sẻ chia, nhường nhịn trong tình làng nghĩa xóm. Đó là lối ứng xử có trước có sau, trọn nghĩa vẹn tình.
Xóm bờ giậu xứng đáng trở thành cuốn cẩm nang gối đầu giường của các em nhỏ. Qua trang sách, mỗi em sẽ được sống ở một khoảng trời tuổi thơ trong trẻo, nhiệm màu và đầy ngân vang.
MINH THI