Đà Nẵng cuối tuần

Sách mới, sách hay

14:47, 30/07/2022 (GMT+7)

1. Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022) của tác giả Trần Đình Ba, tái hiện gần như đầy đủ bức tranh nền báo chí cách mạng Việt Nam, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1945.

Phần lớn nội dung cuốn sách khai thác những hồi ký, ghi chép, tư liệu của nhà báo, ký giả nổi tiếng, giúp độc giả hình dung rõ hơn quá trình hình thành, phát triển của tờ LAvenir du Tonkin (Tương lai của Bắc Kỳ), Đại Nam Đồng Văn nhật báo, Đông Dương tạp chí, Hà Thành ngọ báo, Hữu Thanh, Hà Nội báo, Hà Nội tân văn… Tác phẩm cũng đề cập một số nội dung liên quan chuyên môn, nghiệp vụ báo chí xưa như: cơ cấu tổ chức tờ báo, vai trò báo chí, nhuận bút, cộng tác báo chí, quan niệm về nghề báo của tác giả, công tác phát hành… Ngoài ra, Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 cũng nói đến hoạt động báo chí thời kỳ chiến tranh, trong đó điểm qua những tờ báo được xuất bản trong nhà lao, như tờ Suối reo, Ý kiến chung…; được xem là tư liệu quý về nghề báo, giúp bạn đọc hiểu rõ vai trò, vị trí của nền báo chí nước nhà.

2. Năm 2022, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp NXB Hà Nội tái bản lần hai bộ sách Đại Nam thực lục - 10 tập, khổ 16x24cm, dày gần 10.000 trang. Bản gốc bộ sách Đại Nam thực lục viết bằng chữ Hán, chia thành 2 phần tiền biên và chính biên. Nội dung phần tiền biên ghi chép quá trình điều hành đất nước của 9 chúa Nguyễn, bắt đầu từ đời chúa Nguyễn Hoàng (1558) đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777); phần chính biên ghi chép lịch sử triều Nguyễn, từ thời vua Gia Long đến vua Đồng Khánh. Toàn bộ nội dung trong Đại Nam thực lục bản gốc do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn giai đoạn 1821-1909, được giới chuyên môn coi là nguồn sử liệu quý giá, ghi lại đầy đủ chính sách, đường lối đối ngoại, đối nội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, những bài học về bổ nhiệm, thăng chức, giáng chức, thi cử… của vương triều nhà Nguyễn.

Trước đó, năm 1962, Viện Sử học đã tổ chức dịch, biên soạn, hiệu đính, xuất bản Đại Nam thực lục tập 1 qua tiếng Việt và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập sử liệu này. Đây cũng là nguồn tư liệu quý giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

HUỲNH LÊ

.