Đà Nẵng cuối tuần
Mùi hương ngày cũ
Dung đặt vội vào tay tôi chai cao bồ kết, không quên dặn với theo khi con tàu từ từ lăn bánh hướng vào Nam. “Mày giữ lấy, lúc nào bận rộn quá không về thăm quê được thì mùi hương này không chỉ mang lại cảm giác thư thái và còn giúp những đứa con xa xứ như mày vơi đi cảm giác nhớ nhà. Ở đây, luôn có mẹ và cả tao, trong mùi hương này”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi dành kỳ nghỉ hè ngắn ngủi để về thăm quê. Năm ngày phép không đủ để khỏa lấp mọi nỗi nhớ nhung cho 3 năm đằng đẵng, ngăn cách bởi những đợt Covid-19 dồn dập. Tôi cầm món quà của Dung trong tay khi con tàu lướt qua ánh hoàng hôn, băng qua những biền bãi ruộng nương, rời quê hương để trở về thành phố. Mùi hương bồ kết thoảng nhẹ, nhiều hành khách trên toa tàu hướng ánh nhìn về phía tôi khi tôi đưa tay bật nắp chai. “Ở phố mấy chục năm, chừ bà mới được nghe lại mùi hương bồ kết dịu nhẹ.
Ngày xưa, sau một ngày làm việc vất vả trên đồng, bà từng thư thái bằng nồi nước bồ kết gội đầu thơm nức. Từ ngày theo con trẻ lên phố, nhìn đâu cũng thấy dầu gội công nghiệp…”, bà lão tóc muối tiêu ngồi ngay ghế cạnh tôi bỏ lửng câu nói, hướng ánh nhìn xa xăm qua ô cửa con tàu.
Tôi sinh ra ở quê ngoại - một miền trung du đất đỏ. Cha đi kháng chiến biền biệt nhiều năm. Anh em chúng tôi lớn lên cùng ngoại. Cuối vườn nhà, cậu tôi trồng một cây bồ kết. Trái bồ kết chín khô hái từ cây thường được mẹ nướng lên trên bếp than thơm lừng rồi nấu nước để tắm, gội cho lũ trẻ mỗi ngày. Nồi nước bồ kết sau cùng mẹ thường dành gội đầu cho chính mình vào lúc ánh trăng chếch bên hiên nhà. Thi thoảng, mẹ vừa gội đầu, vừa hát. Thanh âm trong trẻo cất lên dưới không gian tràn ánh trăng luôn mang lại cho tôi cảm giác yên bình.
Hết chiến tranh, cha phục viên trở về, đưa cả nhà về quê nội. Tôi nhớ quê nội không có những cây bồ kết cao lừng lững ở cuối vườn, nhưng cha vẫn luôn nhớ thói quen của mấy mẹ con chúng tôi. Mỗi đận có dịp đi thăm đồng đội hoặc ngang qua nơi nào đó có cây bồ kết, cha đều tranh thủ hái trái chín nhét đầy túi áo để mang về. “Đem phơi khô cho mẹ bây gội đầu” - cha thường nói như thế sau mỗi lần trở về, thọc tay lôi từ túi chiếc áo quân phục bạc màu ra những trái bồ kết chín đậm, béo mập để vào chiếc sàng tre rồi bảo chúng tôi đưa ra sân phơi nắng.
Nồi nước gội đầu của mẹ ngoài những trái bồ kết chín được nướng giòn trên than lửa còn có thêm nắm sả, cành hương nhu, lá cỏ mần trầu hoặc đôi miếng vỏ bưởi, vỏ chanh… Từng ca nước bồ kết dội nhẹ lên tóc, mùi hương tỏa ra thơm ngát. Tinh dầu thấm dần vào từng chân tóc, thư thái và nhẹ nhàng như được xông hơi tinh dầu thảo dược. Mẹ nói, gội đầu bằng bồ kết nếu không cẩn thận sẽ bị cay mắt nhưng tóc sạch gàu, đen mượt, lại có thể chống cảm mạo.
Tôi và Dung cùng học dưới một mái trường cấp 3, cùng chung sở thích gội đầu bằng nước bồ kết của mẹ nấu. Rồi tôi lập nghiệp xa xứ, Dung nhận công tác ở quê nhà. Tất bật với công việc, mùi hương bồ kết lùi dần vào quên lãng. Mái tóc dày đen nhánh thưa dần. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ nhìn mái tóc tôi rồi thở dài. Hôm tôi trở lại phố, mẹ gom mấy chùm bồ kết để dành đưa cho tôi. Thi thoảng tranh thủ được chút thời gian về quê, tôi hẹn gặp Dung. Có đận bạn chia cho tôi ít trái bồ kết quê vừa hái được trong một chuyến công tác ở miền rừng. Dung dừng lại rất lâu như đăm chiêu trước nắm bồ kết. “Tao sẽ bắt đầu từ mùi hương cũ này, giữ lại miền ấu thơ của tụi mình”, Dung nói ngắn gọn.
Bặt đi một quãng thời gian khá dài, tôi và Dung chỉ thi thoảng nhắn tin hỏi thăm nhau. Lời nhắn nào cũng vội bởi công việc như một guồng máy được ấn định vòng quay. Chút thời gian ít ỏi còn lại đều ưu tiên cho gia đình riêng của mỗi đứa. Gặp lại lần này, tâm niệm của Dung đã thành hiện thực. Không chỉ vậy, sản phẩm bạn làm ra còn được gắn chỉ dấu 4 sao OCOP. Tôi biết bạn đã đi qua một hành trình rất dài và không kém gian nan để giữ gìn mùi hương trên tóc của bà, của mẹ. Bên ly cà phê, bạn vẫn nói thật ngắn: “Cuộc sống xô bồ, bao nhiêu thứ được công nghiệp hóa rồi. Mùi hương quê nếu mình không giữ, thì ai giữ. Cuộc sống xanh là cần biết tái tạo và phát huy những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng”.
Tiếng còi tàu ngân dài báo hiệu sắp vào ga cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Người bạn đồng hành lớn tuổi ngồi cạnh tiếc nuối trao lại chai dầu gội cao bồ kết cho tôi. Bà gửi lại cả số liên lạc, địa chỉ rồi bảo: “Hôm nào rảnh, con đặt dùm bà một chai dầu gội bồ kết. Lâu lâu gội đầu cho vơi nỗi nhớ quê làng”. Tôi đứng lặng nhìn bóng bà khuất dần trước sân ga và nhắn Dung: “Dường như mày có lý”.
VĨNH YÊN