Đà Nẵng cuối tuần

Cách xưng hô trong xã hội thời xưa

08:41, 28/08/2022 (GMT+7)

* Phải chăng cách xưng hô của người Việt trong thời phong kiến là rập khuôn theo cách xưng hô của người Trung Hoa? Các từ “khảo” (như trong hiển khảo chỉ cha), “tỷ” (như trong hiển tỷ chỉ mẹ) có nghĩa như thế nào? (Trần Văn Thành, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

- Trong gia phả, văn bia, văn tế... thường xuất hiện các từ xưng hô theo lối xưa như: Hiển tổ khảo (ông nội), hiển tổ tỷ (bà nội), hiển khảo (cha), hiển tỷ (mẹ)... Về cách xưng hô này, nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu trong bài viết “Cách xưng hô và thứ bậc trong gia tộc, xã hội thời xưa” đăng trên trang vanchuongviet.org (Tư liệu văn hóa nghệ thuật) cho biết: “Vào thời phong kiến, cách xưng hô của người Việt cũng đa dạng không kém và ít nhiều gì do hoàn cảnh lịch sử, cũng chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa.

Điều này thể hiện rõ qua những văn bản Nôm. Trong chữ Nôm, chữ 姨 (em mẹ) viết giống như chữ di 姨 trong Hán ngữ, chữ cậu 舅 viết giống hệt và cùng nghĩa với chữ cữu 舅 trong Hán ngữ, chữ dượng 仗 tuy viết hơi khác một chút nhưng vẫn cùng nghĩa với chữ trượng 丈 trong Hán ngữ…”. 

Tuy nhiên, tác giả chứng minh rằng người Việt đã sáng tạo cách xưng hô cho riêng mình chứ không hẳn “bê nguyên xi” cách xưng hô của người Trung Hoa: “Nói như vậy không có nghĩa là dân ta sao chép hoàn toàn cách viết và xưng hô của người Trung Hoa, bằng chứng là chữ chị 姉 và anh 嬰 đều viết khác chữ tỷ 妣 và huynh 兄 trong Hán ngữ; chữ em gái có hai cách viết là 㛪 và 腌, vẫn không giống với chữ muội 妹 trong Hán ngữ, chữ em trai 俺 cũng viết khác với chữ đệ 弟 trong Hán ngữ”.

Về ngữ nghĩa của các từ “khảo” (như trong hiển khảo chỉ cha), “tỷ” (như trong hiển tỷ chỉ mẹ), Facebook Hán Nôm Online đã đi tìm từ nguyên và chú giải rất thú vị.

Theo đó, người Trung Hoa có câu thành ngữ “như táng khảo tỷ”, chỉ sự đau thương tột cùng như khi táng cha mẹ, qua đó có thể thấy “khảo” và “tỷ” dường như không liên quan đến ý nghĩa mất/chết mà ban đầu có nghĩa là công lao cha, mẹ; sau này hai từ này được dùng kết hợp trong bài vị để ca tụng, dần dần mới chuyển mang nghĩa: cha/mẹ đã mất.

Sách “Khảo công ký” (考 工 記) giải thích: “Khảo, tức thành. Tỷ, tức sánh bằng”. Ý rằng, công nghiệp dưỡng dục con cái của cha đã cáo thành, viên mãn. Đức nghĩa, công lao của mẹ với con cái và với gia đình cũng to lớn, sánh tày. Khảo, tỷ phản ánh tư tưởng truyền thống “nam chủ ngoại, nữ chủ nội” trong tâm thức người Trung Hoa. Trước khảo, tỷ thường đặt các chữ “tiên”, “hiển”. “Tiên” ý chỉ người đã mất, là từ húy xưng, kính xưng cha mẹ sau khi “vong” (mất). “Hiển” tức ý thanh danh thâm viễn, đức hạnh rực rỡ. “Hiển khảo”, “hiển tỷ” tức công ơn, đức hạnh của cha mẹ sau khi mất vẫn hiển rạng, còn mãi. Khi lập bài vị, thường cải “tiên khảo”, “tiên tỷ” thành “hiển khảo”, “hiển tỷ” để biểu dương ca ngợi đức hạnh của cha mẹ và tỏ tấm lòng thành kính hàm ơn của con cháu.

Cổ đại giảng về Tam bất mục (Ba điều không mục nát) có: “Thái thượng lập đức, kỳ thứ lập công, kỳ thứ lập ngôn”. Công và ngôn không phải gia đình nào cũng có, nhưng đức thì luôn luôn rạng tỏ, bởi vậy mà Hiển khảo, Hiển tỷ là từ đặt thụy phổ thông của con cháu với tổ tiên của mình.

ĐNCT

.