Đà Nẵng cuối tuần

Không vũ trụ nào thay thế được yêu thương

17:11, 27/08/2022 (GMT+7)

Nhắc đến cụm từ “đa vũ trụ”, ta không khỏi liên tưởng đến hàng vạn cuộc đời khác loài người tại các vũ trụ song song, được bắt đầu với câu hỏi “nếu như…”. Bằng chính câu hỏi “nếu như…” này, bộ đôi đạo diễn kiêm biên kịch Daniel Kwan và Daniel Scheinert đã tạo nên tác phẩm điện ảnh Everything Everywhere All at Once đang được đánh giá rất cao.

Gia đình đa thế hệ nhà Wang: con gái Joy, người chồng Waymond, Evelyn và người cha Gong Gong.
Gia đình đa thế hệ nhà Wang: con gái Joy, người chồng Waymond, Evelyn và người cha Gong Gong.

Đúng với tựa đề Everything Everywhere All at Once (tạm dịch: Mọi thứ mọi nơi ở cùng một thời điểm), bộ phim là tổng hợp của mọi sự việc ở mọi nơi tại cùng một thời điểm. Phim khởi đầu tại thế giới vô cùng quen thuộc của con người, với nhân vật chính Evelyn Wang (Dương Tử Quỳnh), một phụ nữ Mỹ gốc Trung làm chủ một tiệm giặt là ế ẩm, đang phải ngập lặn trong đống giấy tờ tính thuế. Người chồng hiền lành và tốt bụng Waymond (Quan Kế Huy), dù vẫn rất yêu thương vợ nhưng lại đang đệ đơn ly hôn. Cô con gái Joy cũng không thể hòa hợp với cha mẹ mình vì thương tổn tâm lý thế hệ. Cha của Evelyn là Gong Gong - nguyên nhân của mọi mâu thuẫn - vừa lặn lội từ quê nhà sang Mỹ để gặp con gái. Căng thẳng và áp lực càng tăng khi Evelyn bỗng nhiên bị buộc phải trở thành người hùng để cứu rỗi sự an nguy của toàn bộ đa vũ trụ khỏi tên ác nhân Jobu Tupaki.

Câu chuyện sâu sắc về gia đình nhiều thế hệ

Dù nặng tính hành động và khoa học viễn tưởng, nhưng cốt lõi của phim là câu chuyện sâu sắc về gia đình nhiều thế hệ cùng những thương tổn mà họ gây ra cho nhau, thấp thoáng tính chất hư vô (nihilism) và phi lý (absurdism). Không những thế, câu chuyện đa vũ trụ của gia đình Wang còn xoay quanh câu hỏi “nếu như…?”.

“Sự so sánh chính là thứ cướp mất niềm vui”. Mượn câu nói ấy của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt để hiểu rằng dù có thừa nhận hay không thì cuộc đời này là một cuộc đua với bất tận các sự lựa chọn, và ta luôn đem so sánh lựa chọn của mình với người khác.

Bộ phim đã phóng đại sự so sánh đó lên tầm đa vũ trụ. So sánh sự khác biệt giữa ta và người khác không đau đớn bằng việc so sánh cuộc đời tầm thường của ta ở hiện tại với vô số cuộc đời khác ở thế giới khác mà ta (đáng lẽ ra) là những phiên bản xuất chúng nhất. Nhân vật Evelyn trong phim luôn thả tâm trí mình bay bổng tới những cuộc đời hoàn hảo khác tại những thực tại khác, và coi việc này như một cơ chế đối phó để trốn tránh cuộc sống tầm thường đầy tiếc nuối của bản thân tại vũ trụ gốc. Chính khả năng du hành xuyên không gian, thời gian cũng khiến cô con gái Jobu/Joy cảm thấy bản thân thật nhỏ bé và tầm thường giữa đa vũ trụ rộng lớn. Cô cho rằng, một mớ lộn xộn và vô dụng như cô không đáng được yêu thương và cuộc đời mình thật vô nghĩa.

Triết gia Albert Camus cho rằng, cuộc sống là nỗi thống khổ và phi lý có thể khiến ta tự sát, giống như Jobu/Joy từng tìm cách kết liễu bản thân. Tuy nhiên, theo Camus, một vũ trụ vô nghĩa thật ra cho ta cơ hội để giải phóng bản thân. Loài người sống trên một tảng đá trôi nổi giữa vũ trụ rộng lớn, mỗi ngày phần lớn chúng ta đều phải gò bó bản thân vào một guồng các công việc nhàm chán. Nếu đặt những công việc nhàm chán này vào một quy mô rộng lớn của đa vũ trụ với vô vàn khả năng có thể xảy ra thì chúng không còn mang ý nghĩa gì nữa. Khi đối mặt với sự phi lý như vậy, ta sẽ tự hỏi liệu ta có sai trái khi sống một cuộc đời vô nghĩa và tầm thường? Theo Camus, câu trả lời là không. Khi ta nhận ra sự vô nghĩa và nhỏ bé về sự tồn tại của mình, ta sẽ có cơ hội tự tạo ý nghĩa và các quy chuẩn đạo đức cho riêng mình. Khi nhận thức được thời gian của ta ở thế giới này có hạn, ta sẽ thôi so sánh với cuộc đời của người khác hay nuối tiếc những con đường mà ta đã bỏ qua, thay vào đó là trân quý những điều nhỏ bé, hay cả những con người đầy khiếm khuyết mà ta yêu thương.

Triết lý sống hư vô tồn tại trong tâm vạn vật

Một điều lý thú trong Everything Everywhere All at Once, đó là thế giới nowhere (không nơi nào) của Joy và Evelyn chỉ là hai tảng đá. Tại thế giới này, mọi sự sống, bao gồm cả loài người, chưa từng xuất hiện. Do vậy, nơi đó không có gì (nothing) xảy ra cả, không sự sống, không chiến tranh, không đau khổ... Các khái niệm về phương hướng, thời gian và mùa màng cũng không hề tồn tại.

Sự hư vô (nothingness) nằm giữa tâm của vạn vật (everything) chính là hình ảnh của chiếc bánh vòng - một biểu tượng quan trọng suốt bộ phim. Trên chiếc bánh vòng, ta có thể bỏ lên đó mọi thứ topping mà ta thích: vừng, chocolate, muối, mọi giống chó, mọi ước mơ và hy vọng… Tuy nhiên, ở khoảng trống hình tròn nằm giữa chiếc bánh đó ta lại không thể bỏ gì vào được, nó vĩnh viễn chỉ là một khoảng không mà thôi. Chiếc bánh vòng này tượng trưng cho nhân vật Jobu Tupaki (Joy), mặc dù cô luôn có thể sở hữu mọi thứ, mọi ngoại hình, mọi sức mạnh đặc biệt và cả mọi cuộc đời khác nhau, bên trong cô vẫn chỉ là một khoảng trống hư vô mà không có gì có thể lấp đầy được.

Trái ngược với triết lý sống hư vô tồn tại trong tâm vạn vật của Jobu/Joy, triết lý sống của người bố Waymond là: Trong sự hư vô của vũ trụ vô tận vẫn tồn tại lòng tốt và tình yêu thương dành cho mọi sự vật, đại diện bởi con mắt giả có con ngươi màu đen nằm giữa lòng trắng mắt. Và Evelyn đã sử dụng sức mạnh của con mắt này lấp đầy khoảng không của chiếc bánh vòng của con gái mình. Hai hình ảnh chiếc bánh vòng và con mắt đã bù đắp những khoảng trống cho nhau để trở thành một hình tròn hoàn chỉnh.

Tôi đã có cơ hội đọc kịch bản nháp năm 2017 của bộ phim này. Trong kịch bản nháp vẫn còn thiếu chiều sâu khi không có sự xuất hiện của nhân vật Gong Gong - yếu tố chính gây nên nỗi tổn thương và rạn nứt trong gia đình nhà Wang. Tuy nhiên, bản phim chính thức đã chỉnh sửa những khiếm khuyết này, như tăng chiều sâu nội tâm nỗi đau của từng nhân vật, cũng như việc thay đổi giới tính của những nhân vật chủ chốt đã hợp lý hóa cách cư xử và tương tác của họ. 

Cặp đôi Daniels đã đưa vào tất cả mọi thứ, từ thể loại phim, chủ đề cho tới các triết lý vào một bộ phim dài 2 tiếng 19 phút nhưng vẫn kể được một câu chuyện hoàn chỉnh và truyền tải thành công các bài học về nỗi thương tổn thế hệ hay sự tử tế với mọi người. Đây là điều mà Marvel không thể làm được với đề tài đa vũ trụ trong các bộ phim của mình, kể cả với Doctor Strange in the Multiverse of Madness (tạm dịch: Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn) ra mắt gần đây. Everything Everywhere All at Once là bộ phim theo chủ nghĩa tối đa chứa đầy các đa vũ trụ với vô vàn khả năng khác nhau. Nhưng sau cùng, nó khiến ta nhận ra rằng dù cuộc đời của ta ở thế giới này tầm thường và nhạt nhẽo đến đâu thì vẫn là cuộc đời duy nhất mà ta có, và ta có quyền được yêu thương vì ta được làm chính mình.

KINH QUỐC

.