Đà Nẵng cuối tuần
Mùa hoa cải Tây Bắc
Những ngày lên Tây Bắc, tôi thường bị cuốn hút bởi loài hoa cải. Với khí hậu trong lành và mát mẻ, hoa cải ở đây có màu vàng rực, cánh hoa dày và to. Ngồng cải cũng vươn cao đón ánh nắng mặt trời, nở nhiều hoa, nhiều búp hơn hoa cải dưới xuôi. Chính cái màu hoa ấy điểm tô cho khung cảnh núi rừng thêm hương sắc và như một nét chấm phá tạo thêm sự tươi mới cho bức tranh âm u, xám xịt giữa mùa đông lạnh giá. Đặc biệt, màu vàng ấy lại càng rực rỡ và bừng sáng hơn giữa núi rừng khi nắng xuân về.
Vườn hoa cải nở rộ ở bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đ.L |
Không hiểu sao mỗi khi nhìn hoa cải, tôi lại cảm thấy buồn, một nỗi buồn man mác của sự chờ đợi mỏi mòn, mất mát và chia ly. “Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đương thì con gái/ Ðợi tôi chưa lấy chồng” (Mùa hoa cải - Nghiêm Thị Hằng). Lời thơ ấy cứ ám ảnh tôi về một loài hoa mong manh, yếu ớt nhưng có sức sống mãnh liệt. Hoa cải có thể mọc ở mọi nơi dẫu thời tiết khí hậu khắc nghiệt, ngay cả trên triền sông hay giữa miền sơn cước. Người con gái ấy cũng được ví như loài hoa, chung thủy chờ đợi mỏi mòn suốt một thời con gái.
Dù ở bản người Mông hay Dao, Thái, Lự, Hà Nhì..., ở Tây Bắc, hầu như nhà nào cũng có một vườn hoa cải. Những luống hoa thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường bằng đất càng tôn thêm vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nơi sơn cước. Hoa cải thường nở rộ vào tháng Ba sau Tết, cùng với hoa mận, hoa đào tạo thành một bức tranh đa sắc. Nhưng tôi vẫn thích ngắm những vạt cải lẻ loi bên đường.
Trong khu vườn dựng hàng rào đá hoặc củi, những bông hoa cải giản dị, khiêm nhường nở vàng góc núi. Vẻ đẹp của hoa cải không nằm ở sự kiêu sa, quý phái nhưng cũng đủ rực rỡ, huy hoàng bởi màu vàng tươi sáng. Hoa cải cũng rất dễ trồng, chỉ cần gieo hạt xuống đất là có thể có những mầm cây lên xanh rì. Có lẽ vì vậy mà sau khi thu hoạch, có những cây còn sót lại đơm bông kết trái, rồi mùa nối tiếp mùa nở vàng cả một khu vườn hoang. Chính điều này khiến hoa cải đôi khi dễ bị nhầm tưởng là hoa dại.
Ở Tây Bắc, hoa cải không chỉ mọc trong vườn hay cạnh chuồng heo, chuồng trâu, chuồng gà, sườn đồi, lối đi, mà còn được trồng làm cảnh trang trí cho các khu du lịch sinh thái. Do thân mềm nên hoa cải không bền như các loài hoa núi khác, nhưng người dân ở đây vẫn thích hái hoa cải vào chưng trong nhà để làm đẹp cho không gian sống.
Tôi còn nhớ hôm vào nhà chị Mẩy Thanh, một người Dao sống ở thị trấn Sìn Hồ, tôi bị cuốn hút bởi bình hoa cải trên bàn. Chị Mẩy Thanh chưng hoa cải trong một cái bình làm bằng ống tre đẹp đến ngỡ ngàng. Dường như cánh hoa cải ở đây to hơn, vàng hơn khiến cho bình hoa cứ như một bức tranh vẽ. Trước sự ngạc nhiên của tôi, chị Thanh cho biết, nếu bình hoa được thay nước thường xuyên và thời tiết mát mẻ thì hoa cải vẫn có thể chưng được tầm 5-6 ngày mà không bị héo rũ.
Hoa cải còn là món ăn không thể thiếu của người dân Tây Bắc. Trong các bữa cơm hằng ngày của người Mông, Dao, Thái ở Lai Châu, bao giờ cũng có các món ăn được chế biến từ cải như rau cải luộc, rau cải xào, canh rau cải...
Cải ở đây được trồng tự nhiên, không sử dụng phân hóa học nên khi nấu lên màu rau rất xanh và mềm. Tuy không nấu với tôm, thịt như người Kinh ở dưới xuôi nhưng nước canh cải vẫn có vị ngọt và thanh. Hiện nay, cuộc sống của người dân vùng cao vẫn còn nghèo khó và bữa cơm hiếm khi có thịt. Họ chủ yếu sử dụng cây nhà lá vườn nên rau cải trở thành một nguồn thực phẩm chính không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày.
Tôi may mắn được người Mông, Dao, Thái mời dùng cơm khi vào chơi trong bản nên có dịp thưởng thức các món ăn làm từ rau cải do chính tay người dân nấu. Còn nhớ hôm lên bản Pa Chi Ô (xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), sau khi leo một quãng đường dài và dốc, vợ của A Sừ đã đãi chúng tôi bữa cơm cũng chỉ toàn các món ăn chế biến từ cải nhưng rất lạ miệng bởi sự thuần khiết và an lành. Tôi ví hương vị món cải xanh Tây Bắc cũng giống như tính cách của con người nơi đây, mộc mạc, hiền hòa và giản dị. Dù chỉ là một bữa cơm đạm bạc nhưng cảm thấy ngon miệng và nhớ mãi.
ĐOÀN LƯƠNG