Đà Nẵng cuối tuần
Tiếng nước tôi
Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về sự trường tồn của tiếng Việt, tôi vẫn thường nhớ tới bốn câu thơ của một người Đà Nẵng xa quê - nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận/ Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta/ Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già” (bài thơ Tiếng Việt).
Tiếng Việt là môn học quan trọng, giúp phát triển ngôn ngữ, tư duy và khả năng diễn đạt của trẻ. Ảnh: THANH TÌNH |
1. Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 104 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du do Ban Văn học thuộc Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức ở Hà Nội vào ngày 8-9-1924, học giả Phạm Quỳnh từng phát biểu một câu tương tự như ý thơ Lưu Quang Vũ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm - loại văn tự ghi âm tiếng nói của người Việt được sáng tạo như một cách vượt thoát khỏi tình trạng độc tôn chữ Hán và tiếng Hán đương thời. Hai câu cuối của cuốn tiểu thuyết bằng thơ này - “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”, không chỉ thể hiện niềm tự hào của Nguyễn Du về đứa con tinh thần hơn 3.200 câu thơ lục bát cực tả đoạn trường tân thanh/ tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột cất từ “những điều trông thấy” trong “cõi người ta”, mà còn thể hiện niềm tự hào của Nguyễn Du về tiếng Việt, về những “lời quê” - hay nói như Lưu Quang Vũ là về “tiếng làng tiếng nước của riêng ta”.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng sáng tác một ca khúc mang tên Tình ca, trong đó mấy câu hát mở đầu đã đi cùng năm tháng: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi tiếng ru muôn đời”. Có thể nói, người có công lớn nhất trong việc giữ gìn những “lời quê”, những “tiếng làng tiếng nước của riêng ta” để tiếng Việt được mãi mãi trường tồn là các bà mẹ Việt, bởi nhờ tiếng ru của mẹ mà người Việt có thể yêu tiếng Việt ngay “từ khi mới ra đời”. Cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ thấm vào từng người qua lời mẹ ru bên vành nôi và qua âm điệu ngọt ngào của những bài ca dao, nào là “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say”, nào là “Chị Xuân đi chợ mùa hè/ Mua cá thu về chợ hãy còn đông”… Đà thấm, đà say khác với đã thấm, đã say - cái hay, cái đẹp của tiếng Việt nằm ngay ở dấu thanh, có khi chỉ sai một ly là đi một dặm, thay đổi một dấu thanh sẽ tạo nên một từ hoàn toàn khác nghĩa: Công tác không phải là cộng tác; truyền thống khác với truyền thông; liên hoan không giống với liên hoàn; nguyên tắc khác xa nguyên tác; công nhân khác xa công nhận…
2. Chắc không có ngôn ngữ nào trên thế giới có khả năng thâu tóm cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vào hai dòng thơ lục bát như câu ca dân gian vừa dẫn trên: “Chị Xuân đi chợ mùa hè/ Mua cá thu về chợ hãy còn đông”. Tuy nhiên, cái hay ở đây - biểu hiện cho sự phong phú của tiếng Việt - là trong câu ca chỉ có mỗi mùa hè, 3 mùa còn lại ẩn mình trong các từ đồng âm dị nghĩa - Xuân là tên riêng của người phụ nữ đang đi chợ nhưng cũng là tên mùa mở đầu năm mới; thu là tên một loại cá biển cũng là tên mùa, và mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm nhưng cũng là cách nói chỉ thời điểm ăn nên làm ra thu nhập dồi dào kiểu “Tiền vô như nước sông Đà/ Tiền ra giọt giọt như cà phê phin”; đông là nhiều người đang tụ tập cũng là tên một mùa rất lạnh vào cuối năm, cũng là trạng thái đông lạnh của nước hay thực phẩm khi ở nhiệt độ rất thấp. Tiếng Việt còn độc đáo với hình thức nói lái kiểu “người giàu khoái ăn sang/ người nghèo sáng ăn khoai”, hay “tiền thì quý/ quỳ thì tiến”...
Thiên hạ thường nói đùa người Quảng mỗi lần công du quốc tế phải cần tới hai thông ngôn, một phiên dịch tiếng Quảng ra… tiếng Việt, một phiên dịch tiếng Việt ra tiếng nước ngoài. Nhưng đấy là nói quá - thậm chí tự trào - cho vui thôi chứ thật ra tiếng địa phương nào cũng lệch chuẩn một chút so với tiếng Việt chứ riêng gì tiếng Quảng, có điều dẫu lệch chuẩn đến mấy thì nhìn chung người các địa phương trong nước vẫn có thể nghe và hiểu nhau được, không đến nỗi phải cần một loại tiếng quan thoại làm cầu nối như bên Trung Quốc. Và đóng góp của tiếng địa phương vào sự đa dạng tiếng Việt không chỉ ở giọng nói địa phương mà còn ở từ ngữ địa phương. Ai cũng gọi đấy là ngăn kéo, là hộc bàn tới những hai âm tiết, người Quảng gọi thọa chỉ một âm tiết thôi. Có điều ngay từ ngữ địa phương cũng chẳng phải hoàn toàn ai dùng nấy hiểu mà vẫn có sự giao lưu, chẳng hạn người miền Nam gọi lợn là heo, người miền Bắc gọi heo là lợn, nhưng ở trong Nam “bánh da lợn” là món khoái khẩu, còn ở ngoài Bắc lại có thành ngữ “nói toạc móng heo”…
3. Tiếng Việt của chúng ta vẫn đang không ngừng phát triển, nhất là về vốn từ. Còn nhớ vào một năm con mèo cách đây không lâu, có người ra vế đối mừng xuân: “Năm Mèo nhấp chuột gửi meo cho mèo”, đến giờ vẫn chưa ai đối được. Mèo ở cuối câu là cách các chàng trai Nam Bộ gọi tình nhân, liên tưởng giữa năm con mèo với các nàng mèo yêu dấu cũng khá thú vị nhưng có lẽ đó chỉ là liên tưởng chung của nhiều thế hệ thanh niên Nam Bộ, từ thuở Lục Vân Tiên hẹn hò với Kiều Nguyệt Nga... Cái mới mang dấu ấn thời đại công nghệ thông tin, còn gọi là thời đại @ hay thời đại 4.0 nằm ở 4 chữ nhấp chuột gửi meo - một thao tác kỹ thuật ngày càng trở nên quen thuộc với người Việt kể từ khi Internet du nhập vào nước ta vào năm 1997. Chuột và meo thoạt nghe thì rất phù hợp với con mèo và với năm con mèo, nhưng thực ra ở đây không dính dáng gì đến chuyện mèo vờn chuột và tiếng mèo kêu meo meo, bởi đây là chuyện thời đại @ mới có - con chuột đi kèm với bàn phím máy tính để viết thư điện tử/ email và chỉ cần một cú nhấp chuột là bức tình thư đã tới tận tay người yêu dấu - và không chừng vẫn đang là người yêu… giấu vì chưa có điều kiện công khai!
Rất nhiều từ ngữ mang dấu ấn đương đại như nhấp chuột, như gửi meo… đang làm giàu cho tiếng Việt. Một ngàn năm Bắc thuộc, ông cha xưa không chỉ sáng tạo chữ Nôm mà còn sáng tạo nên từ Hán Việt như một đặc sản của người Việt để qua đó mà dõng dạc tuyên ngôn độc lập: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”… mà khẳng định địa vị chính trị của đất nước: “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/ Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương”… Đầu thế kỷ XX, vốn từ Hán Việt tiếp tục được mở rộng với những từ có nguồn gốc Nhật Bản - có khoảng trên 350 từ gốc Nhật ngày nay đang được sử dụng trong tiếng Việt - trong đó có những từ vô cùng quen thuộc như biên chế, biểu quyết, cách mạng, câu lạc bộ, chi bộ, chính sách, dân chủ, đại biểu, đơn vị, kế hoạch, kinh tế, lao động, thị trường, tín dụng… Đương nhiên suốt hơn một thế kỷ qua, người Việt cũng nỗ lực làm giàu vốn từ tiếng Việt của mình bằng cách phiên âm Việt hóa các từ trong tiếng Pháp như: áp phe, áp phích, ban công, bê-tông, các tông, sốc, sơ mi, va li, xích lô…, hay trong tiếng Anh như bít tết, xì căn đan, gôn…
BÙI VĂN TIẾNG