Đà Nẵng cuối tuần
Đậm đà vị chè khoai lang
Những ngày về quê, trời nắng gắt rồi chuyển sang mưa dầm suốt tuần. Ngày rảnh, mẹ nấu chè khoai lang khô đãi cả nhà. Mẹ cười hiền hậu: “Cả nhà mình nay ăn chè khoai lang khô đi. Món này giờ là đặc sản đấy…!”. Bố ngùi ngùi nhớ lại những ngày gian khó, còn tôi vẫn bồi hồi với những ký ức ngọt lịm về món chè mẹ nấu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Khoai lang khô là một trong những thực phẩm truyền thống lâu đời của người dân Việt. Món ăn mộc mạc, giản dị với vị ngọt mềm này là thức quà quê, món ăn vặt hấp dẫn một thời của tuổi thơ. Qua bàn tay của mẹ, của chị, nó còn được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, lạ miệng.
Ngày xưa thường mất mùa, đói kém, lúa gạo chẳng đủ ăn nên nhà nào cũng trồng nhiều khoai sắn. Vào mùa thu hoạch, khoai gánh về đầy sân rồi đổ đầy góc nhà, gầm giường, phần để luộc, phần rửa sạch, thái mỏng đem phơi cất dành ăn dần. Sáng ăn khoai luộc đi học, đi làm. Trưa về ăn cơm độn khoai, chiều lại khoai độn cơm… Nhiều hôm ăn khoai cả ngày. Để thay đổi khẩu vị, mẹ làm khoai hấp, khoai nướng, khoai xéo… và ngon hơn cả vẫn là món chè khoai lang khô.
Quê tôi miền nắng gió, tuy đất đai cằn cỗi nhưng bù lại trời cho những vụ khoai lang được mùa. Khoai đào về, mẹ thường chọn những củ nhiều bột, không bị sùng, đem rửa sạch, cạo vỏ, thái thành miếng mỏng, xếp đều trong những cái nong lớn, phơi trên mái nhà và rải đầy mặt sân. Sau 2-3 hôm, miếng nào miếng nấy khô rang, cứng giòn, cắn vào ngọt thơm. Mẹ đem cất khoai khô vào từng cái chum lớn, bọc túi nilon kín miệng và đậy nắp lại, giúp khoai không bị mọt, mốc và giữ được lâu ngày.
Chẳng riêng chị em tôi thích thú món chè khoai lang khô có nguyên liệu từ cây nhà lá vườn, mà hầu như bọn trẻ quê tôi thời ấy, đứa nào cũng háo hức, mong đợi được ăn. Mỗi lần mẹ chuẩn bị nguyên liệu, vào bếp nấu chè khoai, chúng tôi vô cùng hớn hở, trông đợi đến thèm thuồng.
Nguyên liệu nấu món chè khoai lang khô chỉ cần khoai lang khô, đường phèn, gừng củ giã nhuyễn là đủ. Đầu tiên, mẹ mang khoai lang khô rửa sạch, ngâm vào nước trong khoảng thời gian nhất định. Tiếp đó, cho khoai vào nồi tương ứng với lượng nước vừa đủ, đẩy lửa nấu sôi. Chờ khoai gần chín thì cho đường và gừng đã giã nhuyễn vào, trộn lại với nhau. Nấu thêm vài phút rồi tắt bếp. Mẹ bảo, món chè nấu tuy đơn giản vậy nhưng vẫn cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Nào lượng nước phải tương ứng với lượng khoai để chè không khô quá cũng không nhão quá; nêm nếm đường làm sao để nước không ngọt, cũng không nhạt quá; lửa cũng phải vừa đủ để tránh làm món chè sượng hoặc nhuyễn quá...
Món chè khoai lang khô được mẹ bưng từ dưới bếp lên nhà, hương thơm dìu dịu, quyến rũ. Chị em tôi đứa nào cũng đã tay bát tay muỗng, chỉ chờ mẹ bảo “Ăn thôi” thì tất cả đồng loạt đưa bát xin mẹ múc cho. Ngày mưa, có bát chè khoai nóng hổi, vừa thổi vừa ăn thì ngon không gì bằng. Mỗi muỗng chè đều quyện hòa vị khoai chín nhừ, vị gừng thanh thanh, vị nước chè ngọt ấm, thơm nồng… Ăn rồi cứ muốn ăn mãi.
Bố bảo, chè khoai lang khô còn là bài thuốc giải cảm hữu hiệu. Nhiều hôm đi làm đồng về gặp mưa hoặc nắng gắt, bị cảm lạnh, say nắng, ăn bát chè khoai mẹ nấu, kiểu gì bố cũng cảm thấy tươi tỉnh, thoải mái cả người. Với chị em tôi, suốt một thời tuổi thơ, món chè khoai lang khô đã trở thành món ăn quen thuộc biết nhường nào…
Nay cả nhà cùng quây quần ăn chè khoai lang khô mẹ nấu. Bố mẹ dằng dai nhắc chuyện xưa. Chồng tôi tấm tắc khen lâu lắm rồi mới được ăn lại món chè thơm ngọt như vậy. Lòng tôi lại rưng rưng...
LÊ THỊ XUYÊN