Đà Nẵng cuối tuần

YÊU TIẾNG VIỆT

Ứng xử với tiếng Việt

13:41, 28/08/2022 (GMT+7)

1. Sau nhiều năm mới có dịp về thăm nhà, anh Trịnh Văn Duyên, một Việt kiều từ Anh đã không khỏi háo hức trước con phố đẹp và hiện đại chạy dọc theo hai bờ sông Hàn. Thả bộ dọc khu phố Tây bên kia sông về đêm hào nhoáng với những bảng hiệu ken dày những dòng chữ Tây, Tàu nhấp nháy lấn át cả tiếng Việt. Đâu đâu cũng Hotel, Restaurant, Bakery… đi kèm với những cái tên ngoại quốc xa lạ. Anh Duyên sửng sốt nói với người em đi cùng: “Đang ở quê mình mà giống như ở nước ngoài!”. Đó không chỉ là lời khen mà còn bao hàm một nỗi niềm của người xa xứ trước những thay đổi đến độ… xa lạ của quê hương.

Một bảng quảng cáo sử dụng hoàn toàn tiếng nước ngoài trên một tuyến đường ở Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Một bảng quảng cáo sử dụng hoàn toàn tiếng nước ngoài trên một tuyến đường ở Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Chọn một quán cà phê có tầm nhìn ra dòng sông Hàn sóng sánh nước, anh Duyên tâm sự: “Ở bên đó thèm được nói tiếng Việt kinh khủng. Ngày Chủ nhật, mọi người thích la cà ở khu chợ phiên mong gặp đồng hương Việt Nam để hàn huyên cho bõ. Vậy mà về tới quê hương lại không được nghe một câu tròn vành rõ chữ. Người Việt mình bây giờ chuộng ngoại, sính ngữ đến kinh ngạc…”. Cách nói nửa Tây, nửa Ta, kiểu như một câu tiếng Việt lại xen vài từ tiếng Anh, Pháp, Hàn… đang trở thành xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Nhiều người cho rằng, như thế mới là “văn minh, hiện đại”. Không chỉ “dân chơi nửa mùa” sính dùng từ nước ngoài chêm xen khi giao tiếp mà cả giới công chức, người dẫn chương trình và những bạn trẻ học hành đến nơi đến chốn… cũng chọn cách này để sử dụng trong làm việc và vui chơi.

Chỉ cần ngồi ở bất cứ một quán cà phê nào mà dân công sở hay lui tới, ắt sẽ choáng với những cuộc hội thoại đầy chắp vá, kiểu như: “CEO (viết tắt của Chief Executive Officer: Giám đốc điều hành) của công ty chiều nay bay vô Sài Gòn, cho em book (đặt) 1 phòng VIP tại khách sạn mình nhé. Em gọi để confirm (xác nhận), chị xem check (kiểm tra) lại rồi báo em sớm nhé”. Hoặc: “Anh cho em một appointment (cuộc hẹn) với director (giám đốc) được không? Em có đăng ký interview (phỏng vấn) ảnh một số điều về mấy cái projects (dự án) ở Sơn Trà…”.

Nhiều người nhận xét rằng, chỉ cần bật bất cứ kênh truyền hình nào thì ở các chương trình trò chơi, thậm chí các bản tin chính thống, nhiều từ tiếng Anh được sử dụng để thay một số từ phổ biến như trong tiếng Việt như: “start-up” (khởi nghiệp) hay “diva” (danh ca), team (đội), gameshow (trò chơi truyền hình)… Rồi cách gọi Shark Hưng, Shark Liên hay một số từ chỉ người mà có đệm thêm một từ nước ngoài được dùng với mức độ dày đặc đến người xem muốn bội thực. Thậm chí, những từ giao tiếp thông thường như “cảm ơn”, “xin lỗi” cũng được người dẫn chương trình hay người tham gia chương trình thay bằng từ tiếng Anh “thank you”, “sorry”... Đây có vẻ người ta muốn làm lạ hóa và tạo ra một cái gì đó khác thường, gây sự chú ý cho người xem. Nhưng cái khác thường ấy lại làm khó khán giả, vì người Việt dù có trình độ thế nào thì dường như chỉ có thể tiếp nhận những nội dung gần gũi với tiếng mẹ đẻ nhất. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, đây là hiện tượng “trộn mã” trong ngôn ngữ nhưng hiện tượng này hiện đang bị lạm dụng kể cả trên thông tin đại chúng và đặc biệt phổ biến trong các trò chơi truyền hình.

2. Trong lần trao đổi về vấn đề này với một số giáo viên dạy Văn ở Đà Nẵng, tất cả đều cảm thán rằng: “Vẫn biết trong thế giới phẳng, việc giao lưu, hội nhập là điều tất yếu, nhưng cái gì quá cũng không tốt! Nghe giới trẻ nói tiếng Việt hiện nay có cảm giác như vụn vỡ, gãy nát. Nếu không có chút vốn tiếng Anh thì khó mà nắm bắt trọn vẹn lượng thông tin trong cuộc hội thoại. Đó là một điều bất ổn của xã hội, thậm chí còn là biểu hiện của tâm lý tự ti với tiếng mẹ đẻ…”. Một người nếu biết yêu gia đình, quê hương thì trước hết phải yêu và tự hào tiếng mẹ đẻ. Chỉ nên mượn tiếng nước ngoài khi trong kho tàng từ vựng tiếng Việt không có từ tương đương về nghĩa. Thi hào Tagor trong lần góp ý cho tập thơ viết bằng tiếng Anh của một thanh niên, đã hỏi: Mẹ đẻ của anh là người vùng nào? Dạ là người bang Punjab (Ấn Độ). Thi hào Tagor nói ngay: Thế thì ý kiến đầu tiên của tôi là anh hãy làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ trước đã, chưa vội làm bằng tiếng Anh. Chúng ta viết ra ấn phẩm gì thì cũng phải hướng tới người vùng mình, dân tộc mình trước.

Trở lại vấn đề sử dụng tiếng nước ngoài tại các bảng hiệu, quảng cáo hiện nay trên địa bàn thành phố, theo quy định, quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp, nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt… Điều đó có nghĩa, có thể sử dụng tiếng nước ngoài, xen kẽ nội dung tiếng Việt trong các bảng biểu quảng cáo. Tại Đà Nẵng, đa phần các biển hiệu sử dụng hoàn toàn tiếng nước ngoài là những biển hiệu thể hiện các nội dung như nhãn hiệu, thương hiệu, tên riêng của doanh nghiệp (đã được đăng ký kinh doanh). Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp sai phạm sử dụng biển hiệu hoàn toàn tiếng nước ngoài, tức là đã vi phạm Khoản 2, Điều 34, Luật Quảng cáo.

Vẫn biết rằng, hiện tượng “trộn mã ngôn ngữ” là quy luật trong quá trình giao lưu và tiếp biến. Mà đã là quy luật thì cái gì tốt, hữu ích cho cộng đồng sẽ tồn tại, phát triển và làm phong phú hơn kho tàng từ vựng tiếng Việt, còn không sẽ tự đào thải. Cha ông chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc từng trộn mã tiếng Pháp trên tinh thần tiếp biến. Từ nào, khái niệm nào tiếng ta không có thì vay mượn và Việt hóa để bây giờ chúng ta có thêm vô số từ gốc từ tiếng Pháp đó thôi. Từ show (sô) trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn, suất diễn” nhưng hiện tại chữ “sô” tiếng Việt còn thêm nhiều nét nghĩa: Bể sô (một phi vụ làm ăn), bầu sô (người tự đứng ra tổ chức các buổi biểu diễn), chạy sô (một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần...). GS. Hoàng Phê từng cho rằng: “Khi ta mượn một từ nước ngoài, thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã “tạo” một từ mới của ta: Từ tiếng Việt này sẽ có một đời sống riếng của nó” (Hoàng Phê, Tuyển tập Ngôn ngữ học, 2008). Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng, nếu có đủ tình yêu với tiếng Việt, chúng ta sẽ tìm ra vỏ ngôn ngữ phù hợp với sự vật, hiện tượng mới. Đó cũng là cách chúng tạo thêm từ mới cho tiếng Việt.

Trước khi rời Đà Nẵng về xứ sở sương mù, anh Trịnh Văn Duyên được người thân mời dùng bữa cơm Việt tại nhà hàng B. Anh đã rất thích thú trước những món thơm thảo hương vị quê nhà. Điều làm anh vui hơn cả là khi đọc thực đơn, tiếng Việt được ghi rõ ràng bên trên và dòng phụ đề tiếng Anh bên dưới cỡ chữ nhỏ hơn. Trong không gian ấm cúng mang hơi hướm gia đình, anh Duyên bày tỏ: “Chỉ một chi tiết nhỏ trong thực đơn thôi nhưng đã thể hiện lòng tự tôn của chúng ta đối với tiếng Việt. Việc ứng xử với tiếng mẹ đẻ như thế nào sẽ liên quan đến sự trường tồn của đất nước…”.

NHƯ HẠNH

.