Đà Nẵng cuối tuần
Khách về nhà...
“Hôm nay, nhà có khách!”.
Đó là câu mà Má hay nói vui với hàng xóm những khi tôi trở về nhà vào cuối tuần. Mỗi lần thấy Má dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua nhiều đồ ăn ngon, mấy người hàng xóm lại trêu: “Khách về nhà à?”. Má lúc nào cũng hớn ha hớn hở đáp lại bằng câu trên. Thế nhưng, khi tôi về đến nhà, chú hàng xóm vui miệng nói: “Ủa, chú tưởng con bị đuổi đi rồi mà sao về hoài vậy?”, lập tức Má phản pháo: “Ông nói hoài đi, nó mà không về nữa là ông coi chừng tui đó nghe!”.
Vậy, tôi là gì trong ngôi nhà của Má?
Nhà của Má là ngôi nhà cấp 4 rộng rãi nhưng không thoáng đãng, có sân vườn cây cối nhưng lại nóng nực, không có tí gió nào. Sở dĩ nó rộng lớn là vì ngày xưa, đất ở được công ty nơi Ba làm cấp cho, cái thời mà đất đai cho không, chẳng có giá trị gì nên trong xóm tôi, đất nhà ai cũng rộng. Ba Má cưới nhau, dành dụm xây một căn nhà nhỏ xíu để ở, rồi dần dần về sau cơi nới ra từng chút để được cái nhà như bây giờ. Căn nhà rộng nhưng không đẹp, cũ rơ cũ rích, mỗi không gian là một màu gạch lát sàn khác nhau do chắp vá nhiều lần, kể cả màu tường cũng khác nhau nốt. Tôi ở đó suốt gần ba mươi năm với căn phòng riêng bé tẹo, bé hơn cả một phòng trọ sinh viên, cho tới ngày khăn gói về nhà chồng. Căn nhà to rộng vẫn ở đó, cái phòng bé tẹo vẫn ở đó, Má vẫn ở đó, em tôi vẫn ở đó, chỉ có tôi rời đi, không còn ở đó mỗi ngày.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhưng tôi biết, mình chưa bao giờ là khách trong ngôi nhà rộng lớn ấy. Má cũng chưa bao giờ xem tôi là khách, vì dù khôn lớn chừng nào, đi xa đến đâu thì những đứa con muôn đời vẫn là những đứa con ngây dại của ba mẹ. Chỉ là giờ đây, niềm vui của Má không còn là mỗi ngày nhìn thấy tôi lớn khôn trong ngôi nhà mà Ba Má đã gây dựng nên nữa, thay vào đó là nỗi hân hoan được đón con trở về vào cuối tuần, được nấu đồ ăn ngon cho con, được trao gửi những gì mình có cho con, dù mỗi lần về thăm nhà của tôi chỉ chưa đến 2 ngày. Âu cũng là quy luật của cuộc sống, con cái trưởng thành đâu thể ở mãi trong vòng tay bảo bọc của mẹ cha.
Tôi lấy chồng ở tuổi 28. Với một đứa con gái suốt 28 năm quấn quýt bên Ba Má, không quen xa nhà, việc tôi “dọn ra” khỏi nhà là một thử thách lớn cho cả Má và tôi. Không phải vì lo tôi không tự lập được, mà có lẽ cả hai Má con đều biết, từ đây, trong ngôi nhà kia, sự thiếu vắng mới là điều đáng sợ nhất, dù nhà chồng tôi cách nhà Má chỉ hai mươi cây số.
Năm tôi 18 tuổi, Ba đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ, để lại Má với em trai tôi mới 9 tuổi, cô đơn, quạnh hiu trong căn nhà to rộng trăm mét vuông. Ngày đó, tôi là cô tân sinh viên ở Huế, chỉ cách nhà tôi - Đà Nẵng khoảng trăm cây số thôi, mà mọi thứ lại khó khăn, chật vật khôn cùng. Những chuyến xe đò Huế - Đà Nẵng đi về hằng tuần cũng không giúp căn nhà vốn từng có bốn người vơi đi trống trải. Tôi không muốn làm một vị khách xa lạ thường xuyên vắng mặt trong những khoảnh khắc quan trọng của gia đình. Tôi phải là đứa con có trách nhiệm. Tôi xin chuyển trường về Đà Nẵng, về ở lại cái phòng nhỏ xíu, trong căn nhà to rộng, trong khoảng sân đầy cây xanh, trong tình yêu thương vô bờ bến của Má, trong những nỗi vui ngây ngô của nhóc em đang tuổi ăn tuổi lớn. Và tôi nhận ra, “nghề làm con” chính là nghề sướng nhất trên đời này.
Có lỡ đi xa, lỡ không còn chung sống với ba mẹ nữa, lỡ trở thành “khách” đi đi về về trong căn nhà đã từng nuôi nấng mình mới thấy, rốt cuộc thì trong đời sống này, thứ quý giá nhất chính là gia đình, là ba, là mẹ, là ngôi nhà quen thuộc có đầy đủ mọi thành viên, dù nó có cũ kỹ, đơn sơ hay xập xệ thế nào. Tôi đang ở như một người khách, chỉ ghé “trọ” vào mỗi cuối tuần, nhưng tôi luôn biết, mình mãi mãi không bao giờ là một người khách xa lạ. Tôi ở như một người khách, nhưng sống với tư cách một đứa con của Má. Khách làm sao được, khi mà mỗi lần về với Má, tôi lại được là chính mình, được bé lại, được nuông chiều, được yêu thương.
Hôm nay, nhà có khách, một người khách rất đỗi quen thuộc và chưa từng trả bất cứ khoản phí nào để ở trọ, ăn cơm. Má lại lui cui lau dọn nhà cửa, phòng ốc, mua toàn những món ngon khách thích để đãi khách. Tôi biết, vị khách này sẽ vì quen chân mà còn ghé lại rất nhiều lần nữa, chừng nào còn có Má trong ngôi nhà thấm đẫm vị yêu thương kia…
NGUYỄN ĐỨC THẢO VY