Đà Nẵng cuối tuần
Nắng về trên bản nhỏ
Con đường dẫn vào bản Klim ngoằn ngoèo, bên này là núi cheo leo, bên kia là vực sâu hun hút. Hôm trước trời mưa to, đường đất càng trở nên nhão nhoẹt, khó đi. Người xe ôm chở Nhân từ bến xe vào bản không quen đường, càng khiến Nhân lo thon thót. Buổi chiều trời âm u như muốn mưa. Tiếng chim kêu khắc khoải vọng ra từ trên kia triền núi, theo ngọn gió rừng lan ra khiến nơi này nồng lên nỗi buồn hoang hoải. Nhân ngước nhìn đám mây là đà trên đỉnh núi, chúng chùng chình trải dài trên những ngọn cây. Mùa thu đang tràn về với núi trong những tán lá chuyển màu đỏ ửng. Khung cảnh như tranh vẽ mà Nhân đâu có tâm trạng để ngắm.
Xe vừa dừng lại trước sân trường Klim, trẻ con trong bản đã ríu rít kéo nhau chạy đến vây quanh Nhân. Nang Soi chen qua đám nhỏ, đâm sầm vào lòng Nhân khiến cô suýt chút nữa là ngã nhào. Nước mắt con bé lòe nhòe trên gương mặt dính đầy đất. “Nang Soi năm nay lên lớp 3 rồi, mà vẫn hay khóc nhè thế à?”. “Tại con sợ cô giáo không lên nữa. Mấy hôm nay, người trong bản ai cũng ngóng các cô”. Nang Soi vừa nói, vừa khóc. Nhân đưa tay xoa mái tóc cháy nắng của con bé. Lúc xếp quần áo vào vali, cô chần chờ giữa ý nghĩ đi hay ở lại. Một bên là phố xá rộn rã, bên kia là bản làng heo hút khiến Nhân đắn đo. Nhưng cứ nghĩ đến những đôi mắt tròn xoe của bọn trẻ, sự quấn quýt của chúng đã níu bước chân cô về với bản.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trưởng bản Kê Hoi nghe Nhân về bản liền lật đật chạy qua trường. Kê Hoi nắm chặt tay Nhân. Đôi mắt già nua phủ lên một lớp sương trắng. “Ôi cô giáo lên rồi. Ai cũng sợ cô giáo không trở lại trường”. “Dạ phải lên chứ ạ. Cháu đã hứa với bọn trẻ rồi”. Nhân nhoẻn miệng cười. Giọng nói mềm nhẹ như ngọn gió núi vừa lướt qua mái nhà sàn. “Năm nào khai giảng, người trong bản cũng ngóng ra con đèo trước mặt chờ đợi. Mấy năm rồi, mùa tựu trường đều thay thầy cô mới. Không ai chịu ở lại đất này qua một mùa”, Kê Hoi nói giọng buồn buồn.
Bản Klim chỉ có 50 nóc nhà. Trường học được xây ngay ở trung tâm bản. Bao quanh trường là những căn nhà sàn của dân. Trước đây, bản Klim nằm sâu phía bên kia núi. Người trong bản vẫn có thói quen du canh du cư, cứ đốt hết cánh rừng này làm nương, trồng lúa trồng ngô, đất bạc màu thì bỏ lại, rồi kéo nhau đi sang cánh rừng khác. Cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp. Càng đi càng xa. Gần chục năm trước, dân bản kéo về đây dựng nhà, rồi an cư trên mảnh đất này. Nhưng địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, người bên ngoài ít vào bản, dân bản cũng hiếm khi ra bên ngoài. Cuộc sống vẫn còn đói nghèo nhưng không phải thiếu ăn triền miên như trước.
Kê Hoi dẫn Nhân đến khu nhà chuyên dụng dân bản vừa dựng xong tháng trước. “Nhà này là bếp ăn để cô giáo chủ động nấu nướng. Mưa gió không phải nhọc nhằn đi quanh bản ăn cơm”. Kê Hoi nói khi mở cánh cửa gỗ. Nhân nhìn bên trong, thấy xoong nồi treo ngay ngắn ở một góc. Chén đũa úp trên chiếc rổ tre. Bếp đắp bằng đất cao ngang thắt lưng Nhân. Củi được chất kín một góc nhà. “Cô giáo xem còn thiếu gì thì nói với tôi nhé. Thùng gạo đặt ở đằng kia. Trong này có đủ thứ gia vị, măng khô, nấm khô, cá khô, thịt khô mọi người vừa mang sang hôm trước. Mỗi ngày dân bản sẽ thay phiên đem nguyên liệu đến bếp để cô giáo nấu nướng”, Kê Hoi nói.
Giáo viên ở điểm trường này chỉ có Nhân và Hằng. Trước đây, mỗi nhà trong bản sẽ nấu cơm cho hai cô giáo một ngày. Hai cô cứ lần lượt ăn cơm từ nhà đầu bản cho đến cuối bản. Bây giờ đã có bếp ăn, lần tới có dịp ra chợ huyện, Nhân sẽ mua vài thứ nguyên liệu để làm bánh. Chắc chắn bọn trẻ sẽ thích.
Nhân nhìn Nang Soi đang kéo mấy đứa nhỏ chạy vòng vòng nơi khoảng sân trống trước mấy căn nhà cạnh trường. Tụi nhỏ chẳng biết đang nói gì mà miệng đứa nào cũng cười toe toét. Nhân nhìn sân trường được quét dọn tươm tất, lớp học được lau chùi sạch sẽ. Hẳn mọi người rất nôn nao chờ năm học mới, nên không đợi các cô về trường, đã chủ động vệ sinh sạch sẽ.
Nhân kéo vali vào phòng. Căn phòng be bé chỉ đủ kê một chiếc giường tre cùng cái bàn gỗ nho nhỏ. Sát vách là phòng của Hằng. Hằng có người yêu ở phố, không biết năm học này có quay lại bản. Nhân lấy tấm ảnh chụp hai mẹ con đặt lên bàn. Chiếc bàn có lớp sơn màu xanh biếc. Hôm Bộ đội Biên phòng sang giúp sơn lại mấy cánh cửa gỗ của trường, cũng sơn luôn chiếc bàn này cho cô.
Nhân nhìn nụ cười của mẹ trong ảnh. Ở thế giới bên kia, chắc bà không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn của bệnh tật dày vò. Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ không còn, Nhân thấy mình trở nên lạc lõng giữa phố. Mẹ vừa mất, lại phát hiện người yêu thay lòng, công việc không như ý. Mọi thứ quanh Nhân như đều muốn rời bỏ cô, đẩy cô vào những tháng ngày tăm tối. Nhân cứ sống vật vờ giữa phố, thấy mình cứ trôi đi trong vô định, không mục đích. Rồi Nhân rời thành phố, lang thang qua vài nơi, tựa như một cơ duyên, Nhân đến bản làng heo hút này rồi ở lại, trở thành giáo viên tình nguyện cắm bản.
“Cống hiến một năm ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy là được rồi. Không có mày thì có người khác, lo gì. Đừng để những tháng ngày rực rỡ của tuổi trẻ chìm trong những bản làng heo hút ấy mày ạ”, Thảo - cô bạn gái thân thiết luôn miệng léo nhéo nói với Nhân như thế mỗi lần hai người cùng nhau uống cà phê và thảnh thơi ngắm phố. Những ngày ở phố, Nhân hay nghĩ về bản làng. Những con người hiền lành chất phác, họ cứ sống chậm rãi giữa thiên nhiên núi đồi. Dường như họ chẳng bao giờ vội vã. Sống bên họ, Nhân cũng học cách sống chậm lại và thưởng thức cuộc sống bình dị giữa núi đồi thơm tho.
Nhân từng nghe trưởng bản Kê Hoi kể, trường Klim cũ nằm phía bên kia ngọn núi, chỉ bằng tranh tre, mùa mưa lúc nào cũng ướt lướt thướt. Giáo viên phải băng rừng cả chục ngày đường mới đến được bản. Trường thường xuyên phải đóng cửa vì vắng giáo viên. Trường mới này khang trang hơn, nhưng cũng chẳng có giáo viên nào ở lâu. Bọn trẻ và dân bản vừa mới quen thân, đã phải quyến luyến chia tay. Nhân nhìn khoảng sân trường trơ trụi phía trước. Dường như chẳng ai nhớ để trồng xuống đó vài cái cây. Có lẽ, không ai có ý định ở lại lâu tại ngôi trường này nên chẳng để tâm chăm chút. Nhân lôi ra từ đáy vali một xấp hạt giống đủ các loại hoa. Trước ngày khai giảng, cô sẽ cùng bọn trẻ gieo xuống khoảng đất trống quanh trường những hạt giống này. Chỉ vài tháng nữa, nơi này chắc chắn sẽ ngập tràn những sắc hoa.
Mấy tháng hè vừa qua, Nhân đã tìm cách kết nối với nhiều chương trình. Bản Klim bên này núi sẽ chẳng còn bị lãng quên nữa. Bọn trẻ sẽ có thêm quần áo mới và tủ sách của mình; dân bản sẽ được nhận thêm nhiều con giống, cây giống. Họ sẽ được chỉ cách làm kinh tế, chỉ cách trồng trọt, chăn nuôi. Rồi mùa đông về, dân bản sẽ không còn cảnh ăn sắn, ăn ngô để nhường các cô phần cơm trắng.
Nang Soi chạy ùa vào phòng như một cơn gió. “Mẹ nói chiều nay cô đừng nấu cơm. Mọi người trong bản đang tập trung lại làm cơm chiều. Mẹ đang ra hồ bắt cá. Cá trắm cỏ rất to. Mẹ hỏi cô muốn ăn món gì? Nhưng con muốn được ăn món cô nấu”. Cô bé kéo tay Nhân ra khỏi phòng rồi chạy về phía những ngôi nhà sàn đằng trước.
Dân bản đang tụ tập quanh sân nhà Nang Soi. Tiếng nói cười rộn vang dội vào góc núi. “Cô giáo đến rồi. Tối nay cô giáo phải ăn thật nhiều mới được. Phải vui với dân bản. Ke Mit nói với Nhân khi đang cho cá suối vào ống nứa chuẩn bị nướng. Cô nhìn quanh bếp lửa được nhóm trên sân. Có người đang ngồi giã cà đắng cùng mấy thứ rau rừng cô không biết tên; có người đang ngồi gọt bí, gọt khoai nấu cháo. Hồi mới lên đây, mấy món ăn lạ lẫm của dân bản, cô còn không dám thử. Nhưng ăn quen rồi lại đâm nhớ đâm ghiền. Giống như mảnh đất này, những con người này, chẳng biết từ bao giờ, đã thầm lặng níu giữ lòng Nhân.
Vạt mây âm u kéo ngang bản bị ngọn gió đẩy về phía núi, để lọt những tia nắng chiều nhàn nhạt rớt xuống sân. Tiếng chim rừng khắc khoải từ ngọn cây sau núi đã thôi hót, chỉ có tiếng trẻ con cười lanh lảnh, tiếng người lớn rộn rả nói cười. Nhân ngoái lại nhìn khoảng sân phủ đầy ánh nắng, cô nghĩ đến những đóa hoa rồi sẽ khoe sắc rực rỡ ở nơi này, lòng chợt thấy bình yên.
LÊ HÀ