Đà Nẵng cuối tuần

Chén thạch thơm của mẹ

14:35, 17/09/2022 (GMT+7)

Thời tiết bắt đầu chuyển sang thu, buổi chiều trời thường trút xuống những cơn mưa ầm ào mát mẻ. Lúc này, những bụi sương sâm cuối mùa cho những chiếc lá dày to, nhiều nhựa nhất. Những bát thạch cũng từ đây lựng thơm, ngây ngất miền nhớ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không xa nhà về phía đông có một ngọn đồi với nhiều bụi cây tầm thấp. Cha tôi phát cây, đào cỏ, dựng một khu rẫy ở đó. Cha trồng bưởi, trồng chuối, nhiều nhất là tiêu. Và chẳng biết từ đâu, khi các loài cây bắt đầu sinh sôi, vươn lên trời những mầm non thì đám dây leo phủ đầy lông tơ cũng lấp ló, quấn chặt thân mình lên trụ tiêu, chìa ra những chiếc lá hình trái tim xanh biếc.

Trong những ngày theo mẹ lên rẫy làm cỏ tiêu, tôi nghe mẹ bảo loài dây leo ấy là cây sương sâm, thường mọc dại ở các vùng đồi núi, triền rừng. Có lẽ trong quá trình canh tác, cha đã để sót lại một vài gộc rễ nên bây giờ nó mới có dịp “bám càng”, xanh lên cùng các loại cây trồng khác. Mẹ không nhổ bỏ mà nhẹ nhàng vun vào gốc thêm một vài nắm đất.

Những ngày hè, không gian khắp nơi nực nội, thỉnh thoảng mẹ lại ghé rẫy bứt về một nắm lá sương sâm. Tôi kê giúp mẹ một chiếc đòn phía bậc cửa. Mẹ rửa sạch nắm lá rồi bắt đầu vò nát cho chất nhớt trong thân lá chảy ra, hòa vào chậu nước sôi nguội hứng sẵn phía bên dưới. Mẹ dẻo tay lượt qua lượt về, gạn lấy xác lá bỏ đi. Hỗn hợp nước vừa lọc được sau một thời gian chờ đợi sẽ đông lại, cho ra thành phẩm là một khối thạch hình tròn mướt mềm, có mùi thơm dịu.

Nếu thạch sương sáo có màu đen, vị giòn dai thì thạch sương sâm xanh màu lá, vị giòn dẻo. Nhiều lần tôi hỏi mẹ công thức để có món thạch sương sâm ngon, mẹ trả lời chả có công thức nào cả. Mẹ làm theo cách mà bà ngoại bày, rồi trực tiếp trải nghiệm để ước chừng lượng nước và lượng lá thích hợp.

Thạch sương sâm thơm mùi thảo mộc, trong veo, ánh lên sắc xanh thanh mát nhưng đối với trẻ con, nếu không ăn kèm cùng nước đường thì chẳng có gì thú vị. Cu Tý nhà tôi đã nhiều lần nhè ra tay những thớ thạch nhạt thếch vì cái tật nếm vội nếm vàng.

Mùa hè sẵn củi, mẹ bắc lên bếp chiếc chảo con để làm nóng, chẳng mấy chốc mẹ thắng xong nồi nước đường ngọt lừ màu cánh gián. Mỗi bát thạch, mẹ rưới vài muỗng, có khi rắc thêm đậu phụng rang hoặc dừa khô. Mấy chị em xì xụp hết bát này liền xin thêm bát khác. Vị thạch hòa với đồ ăn kèm trở nên ngậy, giòn dẻo, ngọt thơm.

Sau này, khi tôi vào cấp ba, những khu rừng tự nhiên gần nhà bị chuyển đổi, thu hồi. Từng trảng xanh được phân lô, chia cho doanh nghiệp để trồng keo, cao su... Khu rẫy tự phát của gia đình tôi cũng bị buộc trả lại. Khi đó, từ đồi ba tôi chuyển về nhà. Ba trồng thêm cây mớc, mít làm trụ, mẹ mang giống về gầy lại vườn tiêu. Những khoảng đất rộng, có nhiều ánh sáng, mẹ trồng thêm dứa, sả, các loại rau mùi để đi chợ bán lấy tiền sinh hoạt hằng ngày. Mẹ cũng không quên bứt thêm vài đoạn dây sương sâm về cắm vào bờ rào và bảo đây là món quà cho tụi nhỏ.

Những mùa hè tuổi thơ qua đi, chị em chúng tôi hiếm khi được thưởng thức những món ngon nhiều tinh bột hay được rán giòn, thơm nức như trẻ em ở phố. Trong ký ức, những món ngon ngọt nhất luôn được làm thủ công từ bàn tay sần chai nhưng thơm thảo của bà và mẹ. Mẹ biết trái gì có vị lành tính nhất, loại lá nào có tác dụng làm dược liệu giúp hỗ trợ sức khỏe vào những ngày trời chuyển mùa… Kiến tha lâu đầy tổ, mỗi ngày, mỗi mùa, mẹ tận tụy gom nhặt những món quà thiên nhiên ban tặng, để rồi mảnh vườn quê cứ dần đầy lên như khu vườn cổ tích.

Ngôi nhà quê bây giờ vẫn còn, đôi bờ rào mỗi ngày vẫn vươn lên xanh um màu lá. Đám dây sương sâm ngày nào đã có tuổi, chìa ra những chiếc lá có kích thước nhỏ hơn. Nếu muốn có một ô thạch cho lũ cháu đường xa, mẹ phải vò đi vò lại thật lâu mới đủ nhựa để thau nước kết thành thạch.

Hay là, không phải do lá ít nhựa, mà theo năm tháng đôi tay mẹ đã yếu đi?

DIỆU THÔNG

.